Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Xuất siêu ? Thấy vậy, mà...không phải vậy !

Lợi nhuận của FDI "trốn" ra ngoài

Theo Tổng cục Thống kê, quí 1-2010, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,3%, nhập khẩu khoảng 7,1 tỉ đô la Mỹ. Vậy khu vực FDI đang xuất siêu. Phải chăng đây là một thành tích?

Quí 1-2010, kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI không kể dầu thô đạt gần 6,7 tỉ đô la Mỹ; tăng 40%, nhập khẩu tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Nhập tăng nhanh hơn xuất cho thấy, các doanh nghiệp khu vực này đang hoạt động vẫn lo làm ăn và xuất khẩu lâu dài ở Việt Nam.

Đi vào bản chất

Về cơ bản, sản phẩm của khu vực FDI thường được chia làm ba loại:

Thứ nhất là sản phẩm trung gian.

Thứ hai là sản phẩm cuối cùng nhưng được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài theo đơn đặt hàng của công ty mẹ.

Thứ ba là các sản phẩm được tiêu thụ trong nước.

Với loại sản phẩm thứ nhất, các doanh nghiệp FDI thực chất là một công xưởng với nguyên vật liệu chính được nhập khẩu, toàn bộ giá trị của sản phẩm được xuất khẩu để đi qua các công đoạn tiếp theo, từ đó mới hình thành giá bán.

Như vậy, về thực chất toàn bộ hoạt động của loại doanh nghiệp này hầu như không hạch toán lợi nhuận. Phía Việt Nam không những không thu được đồng thuế giá trị gia tăng nào mà ngược lại các doanh nghiệp FDI được hoàn thuế; thuế thu nhập doanh nghiệp cũng coi như không có vì không có lợi nhuận .

Với loại sản phẩm thứ hai, doanh nghiệp FDI tuy có chút lãi không đáng kể, nhưng đó là một quy trình gần như khép kín. Về hạch toán lợi nhuận phía Việt Nam không được phép biết hoặc tham gia gì vì vốn của chủ doanh nghiệp nước ngoài, như vậy việc xuất khẩu được bao nhiêu cũng không đóng góp giá trị gia tăng trong GDP.

Với loại sản phẩm thứ ba, tuy được tiêu thụ trong nước, nhưng hầu hết các nguyên vật liệu chính đều được nhập khẩu từ bên ngoài. Chẳng hạn như bột ngọt gần như 100% nguyên vật liệu là nhập khẩu, da cứng chiếm 83%; giày thể thao là 76%; sứ vệ sinh 74%; sơn hóa học 68,3%; bột giặt 56%...

Do quá trình hạch toán lợi nhuận khép kín của các doanh nghiệp FDI, nên dù là tiêu thụ trong nước cũng được xem thực chất là nhập khẩu.

Lỗ mà vẫn bung ra về quy mô; số lượng ?

Thống kê của Cục Thuế TPHCM về kết quả kinh doanh năm 2009 của doanh nghiệp FDI trên địa bàn cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp báo cáo thua lỗ. Năm 2008, tỷ lệ doanh nghiệp FDI ở TPHCM thua lỗ cũng chiếm tới 61,3% và trước đó, năm 2007, năm hưng thịnh của kinh tế Việt Nam, vẫn có gần 70% doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này lỗ. Kết quả trên đồng nghĩa với TPHCM không thu được một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ những công ty này.

Có thể nói, thua lỗ là xu hướng chung của doanh nghiệp FDI, không chỉ ở TPHCM, mà trên cả nước. Nó được phản ánh qua tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia của khối này, không kể dầu thô, khá thấp. Trong các năm 2005-2008 chỉ dao động quanh 9-10% tổng thu ngân sách của quốc gia. Riêng năm 2009, phần đóng góp của doanh nghiệp FDI giảm 11,2% so với kế hoạch, trong khi khu vực tư nhân trong nước chỉ giảm 4,4%, còn doanh nghiệp nhà nước tăng 6,2%. Có thể thấy, mức đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp FDI đã không tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và quy mô về giá trị sản xuất công nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI thường "gửi giá" vào vật tư, máy móc nhập khẩu, làm tăng chi phí trung gian dẫn đến lỗ. Việc này làm ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ thua lỗ cao bất thường của doanh nghiệp FDI không hẳn tại khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn do nhiều công ty thực hiện chính sách chuyển giá (transfer pricing) ra nước ngoài, nhằm trốn thuế ở Việt Nam.

Năm 2007, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh xác nhận có hiện tượng chuyển giá, nhưng ông cũng thừa nhận là "Chính phủ đã cố gắng kiểm soát nhưng không kiểm soát được. Vì người ta chuyển giá từ bên ngoài, qua thiết bị, máy móc, giá nguyên liệu... và hợp thức từ công ty mẹ chuyển sang".

Trên thực tế, vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp trong nước nghi ngờ từ cách nay hơn 15 năm, khi họ nhận thấy những dự án của nước ngoài có chi phí đầu tư ban đầu cao bất thường. Chẳng hạn như, cùng với số vốn đầu tư ban đầu như nhau, nhưng Công ty Pomina xây dựng được một nhà máy thép thiết bị, công nghệ của Ý, công suất lớn gấp đôi hai công ty FDI khác ở Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng vậy, suất đầu tư của nhà máy dầu thực vật Bình An chưa tới một nửa những công ty liên doanh khác và có thể kể ra hàng loạt ví dụ khác trong các ngành bao bì, nhựa, sản xuất điện...

Về hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng

Về hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng: Một nghiên cứu của GS. Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh cho thấy trong 10 năm (1999-2009), ICOR của khu vực nhà nước, tư nhân và FDI lần lượt là: 7,76; 3,54; và 7,91. Nhìn ra thế giới, ICOR trung bình của nhóm tăng trưởng cao chỉ có 3,6. Khối FDI có chỉ số ICOR cao nhất và điều đó chứng tỏ hiệu quả của họ là thấp nhất.Còn về khía cạnh chuyển giao công nghệ, giai đoạn 2004-2009, hệ số TFP của các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là: 8,6; 3,1 và -17,6.

Theo nghiên cứu trên, hệ số TFP của khối nhà nước cao nhất cho thấy mặc dù vốn đầu tư khu vực này chưa hiệu quả tương xứng nhưng sự chuyển giao công nghệ là có thật. Trong khi ở khối FDI thì chỉ số này lại âm (-17,6). Nghiên cứu cho rằng: "Như thế nghĩa là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào các yếu tố khác, ví dụ lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ. Trên thực tế, khảo sát ở nhiều doanh nghiệp FDI cho thấy máy móc, công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam đều cũ kỹ hoặc đã khấu hao hết".

Có thể đã có không ít các doanh nghiệp FDI đã tận dụng yếu tố lao động rẻ trong các ngành công nghiệp gia công với công nghệ không cao, thậm chí với máy móc không phải thật hiện đại, để làm hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp này không chỉ thu lãi trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà còn làm cho các công ty ở chính quốc lãi thêm khi tính cao giá công thiết kế, bản quyền, hậu cần hay tư vấn...

Cuối cùng, lợi nhuận thực đã "chảy" ra nước ngoài, tức cũng làm cho GDP thực phần nào bị "che khuất" và hơn thế nữa là làm cho GNI giảm bớt khi các doanh nghiệp FDI kê giá nguyên liệu phụ tùng nhập khẩu cao hơn – thực chất là một hình thức chuyển giá.

Ngoài ra qua một số khảo sát của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy một số doanh nghiệp FDI như "một góc trời riêng", toàn bộ các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ và khâu hạch toán người Việt nam không được biết và hầu như "không liên quan gì". Như vậy việc tăng trưởng của các doanh nghiệp loại này thường không có sự lan tỏa, kích thích gì đến nền kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam chủ yếu trong những ngành thâm dụng nhiều lao động. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chủ yếu vẫn là nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về thực hiện công đoạn gia công. Một số doanh nghiệp FDI không sử dụng nguồn nguyên liệu và vật tư có sẵn trong nước, họ chủ yếu tận dụng đất đai và lao động giá rẻ ở Việt Nam trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, số lao động mà các FDI thu nhận cũng không chiếm tỷ phần đáng kể trong thị trường lao động hiện nay, một thống kê cho thấy đây là thành phần kinh tế tạo việc làm thấp nhất sau khu vực Tư nhân và Nhà nước.

Cần có cơ quan kiểm soát tốt hơn

Thông tư về chống chuyển giá được ban hành tháng 12/2005 và có hiệu lực từ 26/1/2006 nhằm kiểm soát việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Bộ Tài chính cũng đã có những quy định hướng dẫn chống chuyển giá. Theo nhận xét của đại diện Công ty Kiểm toán KPMG, hướng dẫn này cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể ngăn chặn thủ thuật chuyển giá này. Ngoài việc chưa có biện pháp xử phạt đủ sức răn đe, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm tra chuyên ngành và thiếu cơ sở dữ liệu để hỗ trợ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động chống thủ thuật chuyển giá.

Căn nguyên của việc chuyển giá, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, là do nhiều năm qua Việt Nam đã thu hút đầu tư theo kiểu gia công, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước thấp. Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để nhìn nhận lại chiến lược thu hút đầu tư trong thời gian qua. Nhà nước cần sớm đưa ra chiến lược tái cấu trúc lại luồng đầu tư hợp lý hơn trong bối cảnh này, dựa trên cơ sở thu hút và chọn lọc những ngành mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn.

Để kiểm soát vấn đề "lỗ giả lãi thật" của các doanh nghiệp FDI, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhiều hơn. Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam cần gấp rút xây dựng một hệ thống theo dõi giá cả thị trường thế giới, ngành thuế cần kiểm tra những báo cáo tài chính, kiểm toán chặt chẽ hơn.

Những số liệu của các báo cáo cần được so sánh đối chiếu, căn cứ trên giá thực tế ở những thị trường nhập khẩu, những quốc gia có đặt trụ sở của công ty mẹ. Xác minh những số liệu này là không quá khó để các cơ quan kiểm tra có cơ sở bác bỏ những thông tin và báo cáo sai sự thật của các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn "bó tay" trước tình hình báo cáo lỗ của các doanh nghiệp FDI. Kiểm soát việc chuyển giá theo thông tư của Chính phủ nhằm kiểm soát giá nhập và chi phí sản xuất đã không được thực hiện tốt. Các cơ quan nhà nước đưa ra các văn bản, quy định, nhưng các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành lại làm không tới nơi tới chốn...

Lẽ ra các cơ quan thực thi những quy định này cần "mạnh tay" hơn với các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu không minh bạch, nhưng ngược lại họ lại thả nổi vấn đề này vì nhiều lý do, trong đó có cả vấn đề năng lực cán bộ.

Nhà nước cần tăng cường năng lực đội ngũ làm chuyên môn, chuyên trách về những lĩnh vực như thuế hoặc kiểm soát giá. Cụ thể là mỗi chuyên viên cần được đào tạo về chuyên môn, trang bị phương tiện làm việc tốt hơn nhằm nắm bắt và cập nhất kịp thời về giá cả thị trường thế giới.

Công việc kiểm tra kiểm soát giá cả phải được tiến hành thường xuyên, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI lách luật. Đội ngũ thực hiện công việc này phải tận tâm, trong sạch và tất nhiên họ phải được trả lương xứng đáng để tránh tình trạng móc ngoặc với doanh nghiệp trong vấn đề chuyển giá./.

nguồn : tuanvietnam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.