|
Khoảng 2000 năm trước công nguyên người ta phát hiện thấy vàng tại Ai Cập, Sudan, Ả rập Saudi, Trung Quốc với sản lượng 1 tấn/năm. Ở Nam Mỹ, vàng được khai thác khoảng 1200 năm trước công nguyên. Đến thời đế chế La mã (bao gồm cả Tây Ban Nha, Bắc Phi) sản lượng vàng được tăng 10 lần. Đến thế kỷ 15, mỏ vàng lớn ở Tây Phi cho sản lượng 5-8 tấn/năm. Đến thế kỉ 16 Tây Ban Nha xâm lược Mêhicô và Pêru, mở ra những nguồn vàng lớn từ đây khoảng 5 tấn/năm. Cuối thế kỉ 18 nước Nga có tên trong danh sách nguồn cung ứng đã nâng tổng sản lượng vàng lên 25 tấn/năm. Năm 1847 vàng Nga chiếm 35 tấn/năm trên 70 tấn/năm toàn thế giới và đến năm 1914 mới đạt mốc 60 tấn/năm.
Năm 1848 các mỏ vàng được phát hiện ở California, đến năm 1851 riêng nước Mỹ sản xuất 77 tấn vàng và đạt đỉnh 93 tấn vào năm 1853. Năm 1851, vàng được phát hiện tại Australia và nhanh chóng đạt mức 95 tấn vào năm 1856. Tổng sản lượng thế giới đạt 300 tấn vào năm đó. Vào năm 1873, các mỏ lớn ở Nam Phi được phát hiện, đến năm 1884 sản lượng vàng tại đây chiếm 40% sản lượng thế giới. Năm 1896 đến lượt Canada xuất hiện trên bản đồ với mức đóng góp 75 tấn/năm. Trong thế kỉ 20, danh mục các quốc gia sản xuất vàng lớn có thêm tên Trung quốc, Inđônêsia, Uzbêkistan, Brazin, Vênêzuêla, Philípin… Tuy nhiên đóng góp lớn nhất vẫn thuộc các nước phương Tây. Khi cơn sốt vàng năm 1980 nổ ra, sản lượng các quốc gia này tăng từ mức 962 tấn năm 1980 lên 1744 tấn sau 10 năm.
Các nước đóng góp nhiều nhất vào sản lượng vàng thế giới năm 2000 là: 1. Mỹ 11,3 (triệu oz) 2. Úc 9,4 (triệu oz) 3.Inđônêsia 5,6 (triệu oz) 4. Canada 5.2 (triệu oz) 5. Trung quốc 5,0 (triệu oz) 6. Nga 4,4 (triệu oz) 7. Pêru 4,2 (triệu oz) 8. Uzbêkistan 2,6 (triệu oz) 9. Ghana 2,5 (triệu oz) |
Quốc gia sản xuất nhiều vàng nhất hiện nay là Trung Quốc.
Theo thống kê, năm 2007 Trung Quốc sản xuất 276 tấn vàng, chiếm 1/10 lượng vàng cung cấp của thế giới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1905, Trung Quốc vượt Nam Phi về sản lượng vàng khai thác.
Công ty sản xuất vàng nhiều nhất là Hãng Barrick của Canada
Hãng này quản lý 27 mỏ vàng ở năm châu lục với 20.000 nhân viên, sản xuất được 126,6 triệu ounce vàng.
Quốc gia có lượng dự trữ vàng lớn nhất là Mỹ
Theo số liệu của Bộ Ngân khố quốc gia Mỹ (UST), lượng vàng dự trữ của Mỹ là 8.133,5 tấn, trị giá 241 tỷ USD (theo giá tháng 8/2008), kỷ lục này đến nay vẫn chưa có quốc gia nào phá vỡ.
Quốc gia nhập khẩu vàng nhiều nhất là Ấn Độ
Hàng năm quốc gia Nam Á này nhập khoảng 800 tấn vàng.
Đơn vị của vàng
Hiện nay trên thị trường người ta thường tính giá vàng theo đơn vị ounce (oz) tương đương 31,1035 gram. 1 Kg tương đương 32,15 ounce (oz). Bên cạnh trọng lượng khi mua bán người ta còn xét cả độ tinh khiết. Ở Đông Á độ tinh khiết tính theo đơn vị 9999. Trong khi đó nhiều nơi vàng tinh khiết được gọi là vàng 24 carat (ở Mỹ và Đức là karat). Carat là tên gọi xuất xứ từ các thương nhân khu vực trung đông – địa trung hải. Đó là trọng lượng của hạt đậu Carob. Người La mã gọi giống đậu này là Siliqua Graeca (tiếng Hi lạp là Keration, tiếng Ả rập là Qirat). Nhưng đồng thời siliqua cũng là tên gọi đồng tiền xu La mã bằng 1/24 đồng vàng nặng 4,54 gram.
Ngoài ra, carat cũng là đơn vị gần 200 miligram cho đá quí.Ở châu Âu đồ trang sức hay dùng vàng 14 – 18 carat, ở Anh là 9 carat. Ở Bồ đào nha sử dụng loại 19,2 carat. Ở Mỹ chủ yếu là loại 14 carat, cũng có nơi dùng 10 carat.Ở Trung đông, Ấn Độ, Đông Nam Á đồ trang sức hay dùng loại 22, 23 carat.
Giá thành sản xuất vàng phụ thuộc vào loại mỏ. Ở Nam phi có những mỏ sâu hơn 3000 m, thậm chí 4500 m. Ngoài ra nó cũng phụ thuộc vào hàm lượng vàng trong quặng cũng như thành phần hóa học của quặng. Giá thành trung bình của vàng là 238 USD/ounce vào năm 2000 và càng ngày càng tăng. Quý 1 năm 2009 chi phí sản xuất đã là 432 USD/ounce, tăng 7% so với quý 1 năm 2008. Tuy nhiên ở từng khu vực lại khác nhau. Ví dụ chi phí sản xuất của Nam phi tăng khoảng 30%, nhưng do đồng rand mất giá 33% so với USD nên giá thành tính theo USD giảm 4%.
Cục vàng thô lớn nhất
Ngày 19/10/1872, tại mỏ vàng Hotlenmann Star of Hope ở New South Wales (Australia) người ta đã khai thác được một thỏi vàng thô có tên là Hotlerman Nugget nặng 235,14kg và khi chế tác thu được 82,11kg vàng ròng.
Thỏi vàng tinh khiết nặng nhất là thỏi vàng trị giá 400 triệu yen (khoảng 3,7 triệu USD) theo giá hiện nay, do công ty Mitsubishi Materials Corporation của Nhật Bản sản xuất ngày 11/6/2005 tại nhà máy tinh cất vàng Naoshima Smelter Refinery, quận Kagawa, Nhật Bản. Thỏi vàng nặng 250kg, dài 45,5cm, mặt dưới rộng 22,5cm và cao 17cm. Đây là thỏi vàng tinh khiết vĩ đại nhất xưa nay do con người chế tác và qua nó Mitsubishi Materials Corp muốn chứng tỏ với thế giới về công nghệ đúc vàng tinh xảo của mình.
Kỷ lục kéo thành sợi của vàng:
Vàng là thứ kim loại quý được con người trao đổi hàng ngày nhưng nó vẫn còn rất nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết. Vàng là nguyên tố hóa học ký hiệu là Au, số nguyên tử 79 trong bảng tuần hoàn và là kim loại chuyển tiếp (hóa trị 3 và 1) mềm, dễ uốn, dễ dát mỏng và thậm chí có thể dát và kéo thành sợi nhỏ xíu giống như sợi chỉ. 1 gram vàng có thể dát mỏng và kéo thành sợi dài tới 1,4 dặm (2,4km).
Những con tàu đắm chứa nhiều vàng nhất
Ngày 25/1/1917, tàu White Star Liner HMS Laurent bị đánh chìm bằng thu lôi, chìm sâu 40 mét dưới mặt nước biển Iceland. Tàu chở 43 tấn vàng (trị giá 23,8 triệu USD vào năm đó).
Ông Mel Fisher, người Mỹ, chuyên gia đồ cổ nổi tiếng thế kỷ 20 đã tìm thấy con tàu Nuestra Senora de Atocha ở ngoài khơi biển Florida ngày 20/7/1985. Tàu bị chìm vì bão năm 1922, trên tàu chở rất nhiều hàng hóa quý hiếm, trong đó có 44 tấn vàng và bạc cùng nhiều hàng hóa của giới quý tộc buôn lậu nhằm trốn thuế. Phải mất hai tháng người ta mới trục vớt hết số châu báu chứa trong con tàu này.
Cổ vật bằng vàng vĩ đại nhất
Đó là bức tượng Phật bằng vàng có từ thế kỷ 15, được phát hiện năm 1954 và hiện đang được đặt tại chùa Wat Trimtr, thủ đô Bangkok, Thái Lan. Bức tượng cao 3 mét và nặng 5,5 tấn được xem là cổ vật tôn giáo bằng vàng vĩ đại nhất hành tinh. Tính theo giá cách đây hai năm (12/2008) thì bức tượng này có giá trị khoảng 159 triệu USD.
Sơn Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.