Hội nghị Copenhagen sẽ bế mạc, nhưng gần như chắc chắn là hội nghị này sẽ không đạt được các mục tiêu đề ra. Hội nghị rất có thể sẽ chỉ thông qua một tuyên bố chính trị, làm nền tảng cho bản thỏa thuận, mà nếu không đạt được lần này, sẽ được tiếp tục thương lượng vào năm tới.
Hội nghị Copenhagen được triệu tập chính là nhằm thảo luận và thông qua hai bản thỏa thuận :
Thỏa thuận thứ nhất kéo dài hiệu lực của nghị định thư Kyoto, một văn kiện chỉ liên quan đến 38 nước công nghiệp phát triển, ngoại trừ Hoa Kỳ, chưa phê chuẩn nghị định thư này.
Thỏa thuận thứ hai nhằm mở rộng các nỗ lực chống biển đổi khí hậu ra toàn thể các nước trên thế giới.
Theo phái đoàn Pháp, trong văn bản thứ hai, còn 91 đoạn chưa có sự đồng thuận. Do không thể đạt được hai thoả thuận đó, cho nên hội nghị rất có thể sẽ chỉ thông qua một tuyên bố chính trị. Tuyên bố chính trị này làm nền tảng chi phối hai bản thỏa thuận, mà nếu không đạt được tại Copenhagen, sẽ được tiếp tục thương lượng vào năm tới.
Lãnh đạo 30 nước đi tìm một sự đồng thuận
Trong suốt đêm qua, các đại biểu của 26 quốc gia đại diện cho tất cả các vùng trên thế giới đã ráo riết soạn thảo một dự thảo tuyên bố. Sáng hôm nay, lãnh đạo của khoảng 30 quốc gia đó đã họp tiếp để tìm một sự đồng thuận cho bản dự thảo tuyên bố sẽ được đệ trình cho toàn bộ các nước tham gia hội nghị Copenhagen.
Dự thảo tuyên bố đề ra mục tiêu chung cho 193 quốc gia là hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất tối đa là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây chính là theo lời khuyến cáo của các nhà khoa học, bởi vì nếu mức tăng nhiệt độ vượt quá 2 độ C, hành tinh của chúng ta sẽ gánh chịu những tác hại kinh khủng và không thể đảo ngược được. Thật ra, các đảo quốc nhỏ, mà hiện đang bị đe doạ bởi hiện tượng nước biển dâng, đòi phải hạn chế ở mức 1,5 độ C.
Bản tuyên bố cũng dự trù viện trợ giúp các đang phát triển trước mắt mỗi năm 30 tỷ đôla trong ba năm 2010 đến 2012, rồi sau đó nâng lên thành 100 tỷ đôla mỗi năm từ đây đến năm 2020. Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào quỹ viện trợ, một hành động được các nước nước phát triển trong nhóm 77 hoan nghênh như là một'' tín hiệu tốt '', nhưng chưa đủ.
Theo một nhà thương thuyết của một nước đang trỗi dậy, các nước công nghiệp phát triển đã đề nghị giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính của họ từ đây đến năm 2050, nhưng các nước đang phát triển không chấp nhận và đòi phải đề ra những mục tiêu trung hạn.
Cuối cùng, do các nhà lãnh đạo Bắc Kinh dứt khoát không chấp nhận bất cứ một cơ chế giám sát quốc tế nào, mà theo họ sẽ xâm hại chủ quyền của Trung Quốc, cho nên bản tuyên bố sẽ chỉ đề cập đến khái niệm '' minh bạch'', tức là sẽ có một cơ quan bảo đảm sự minh bạch của các nước trong việc chống biến đổi khí hậu, nhưng chưa đi đến mức thành lập một Tổ chức Môi trường thế giới mà Pháp vẫn chủ trương.
Bế tắc chính vẫn nằm giữa hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ sẳn sàng mở hầu bao giúp các nước nghèo, với điều kiện phải có một cơ chế giám sát quốc tế, điều mà, như đã nói ở trên, Trung Quốc vẫn từ chối.
Kết quả hội nghị Copenhagen tùy thuộc phần lớn vào thái độ Trung Quốc
Trong các vòng đàm phán trước và tại Hội nghị Copenhagen, Trung Quốc không thay đổi lập trường trên 3 vấn đề :
- Tài trợ của các nước giàu cho các nước nghèo,
- Các cường quốc công nghiệp phát triển phải tiếp tục cam kết giảm thải khí CO2
- Không chấp nhận cơ chế quốc tế giám sát giảm thải.
nguồn :
rfi