Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Hồng trần dõi bước (tt)

Gai kẽm sắt…đâm thâu nhức nhối,
Dây gai nhọn…cào rách thịt da.

Kẽm nơi đây ý nói đến "dây kẽm gai". Vật dùng nầy phát sinh ở thời điểm nào, tôi chẳng biết. Sự hiểu biết tôi có chỉ nơi mức độ giản đơn: dây kẽm gai được xử dụng trong việc ngăn chận, vì khả năng gây thương tích từ nó. Vô tình hoặc hữu ý, chạm vào thì mức độ tàn hại đều ngang nhau, không chết cũng bị thương, diễn giải theo lối dân gian là thế.
Triết lý thượng thừa đưa ra phương thức siêu đẳng tránh kẽm nhọn. Hệt như trong tiểu thuyết Kim Dung, thuyết lý luận rằng muốn vượt vòng kẽm giăng thì chân khí phải đạt mức thượng thừa, ý rằng, khí lực phải đủ mạnh để vận lực nâng xác phàm bay bổng, vượt trên làn chặn tàn độc ấy. Chiêu quá dễ, lại vấp phải từ "nhưng", sự đòi hỏi hệt chiêu "Lăng Ba Vi Bộ": phải có thêm chân trợ mới luyện thành. Chiêu chưa có tên đây kịch liệt nhấn mạnh 2 điều: ứng nhân trước hết phải có trong tim chữ "TÂM" và "NGƯỜI BẠN TÌNH ĐỒNG HÀNH TUYỆT VỜI", nghe xong thật uể oải, không chỉ tôi nhưng chắc rằng chẳng có bao người lọt sổ, không thế, gian trần đây khi ấy Á Thánh xếp hàng dài. Được nâng lên hạng mức nầy, tôi nghĩ đấy là một vinh hạnh.
Học thuyết trần tục hơn được đưa ra từ những tên mắc bệnh thần thánh hóa lãnh tụ. Chúng lý rằng để đạt mức chân khí bậc tôn sư, cần tẩy khí trần theo phương cách xông hơi trong phòng nóng, khi khí tục đã giải, tiếp liền bằng việc ngoạn trăng xơi chè Bảo Lộc, khi ấy sẽ đạt mức thần tiên, chẳng còn vòng kẽm nào có thể vướng chân. Ấy thế, việc giản đơn, nhưng mấy ai đã được thử, chậc…chậc…chậc…lưỡi!
Va chạm đầu tiên giữa tôi và kẽm gai ở giai đoạn đất Gài gòn còn khoảng không để thở, thưở mà khoảng sân mươi thước trước nhà bà ngoại ông PGS giăng hàng kẽm. Vết sướt trên da đã để lại dấu sẹo dài phía sau mông, giờ sau bao năm đã mờ dần. Tôi ngán kẽm, tôi sợ kẽm, tiếc thay, tôi lại sinh ra trên mảnh đất ưa dùng kẽm, từ việc giăng hàng rào nhà, giăng bao vòng điểm chốt, ngước lên mười trượng vẫn còn thấy hàng kẽm quanh những căn cứ quân sự. Không chỉ sinh ra, tôi lớn lên, trưởng thành với hàng kẽm bao bọc. Tôi lớn, kẽm già, gắn liền nhau trong thời gian dài như là một định mệnh.
Buồn xa quê hương, tiêm vào người dòng nhạc ngậm ngùi xa xứ, tôi gọi đấy là "hoa kẽm gai" nhằm thi vị hóa vòng kẽm trại tị nạn. Còn duyên phận nên chưa thoát được vật gần gũi nhưng lại muốn tránh xa nầy. Kẽm bao bọc, tôi lại muốn thoát, vội vận khí, phồng cả mang tai nhưng người vẫn nặng. Giời ơi, tôi không bay được, đấy không là chuyện dễ, not my cup of tea!
Tôi xác nhận rằng mấy thằng Tây làm việc chi cũng rất khoa học, chúng đưa phim nhưng lại không trao cặp kính 3D nên tôi chả thấy gì. Tôi tự quấn một vòng kẽm vào người khi khệ nệ đặt cái LCD TV vào phòng khách cho ấm cúng. Khói xịt ra từ ống bô chiếc Corolla đây sao ngửi thơm nức mũi, không tránh khỏi nên tôi tự nguyện quấn vào người 5 vòng kẽm. Không tự lỗi nhà ngân hàng, hoàn toàn tự nguyện khi tôi tự ký bản án quấn vào người nhiều vòng kẽm trong 25, 30 năm, không thế thì làm sao thực hiện giấc mộng Huê Kỳ. Giời ơi!, tôi khổ hơn những nhà khổ tu tự quất roi gai vào người, tôi hít thở, đi đứng, sinh hoạt trong vòng kẽm sắt nhọn gai, tôi không thoát được.

Vòng kẽm nhọn…rỉ từng giọt máu còn tươi.
Máu của tôi!!!



Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Bé Huy 5 tháng tuổi.

Khám sức khỏe định kỳ và chích ngừa 14-9-2010.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Hồng trần dõi bước (tt)

Sương mai long lanh. Mặt trời ngây ngô bị níu kéo, mãi dúi đầu trong búi tóc của chân dài đang ngáy ngủ, chần chừ hé tia nắng đầu tiên cho một ngày. Đêm êm ả, tĩnh mịch, đầy sức hút ảo huyền. Vẫn là thế, ngày năng động luôn lưỡng lự trước mời gọi từ đêm nhàn nhã. Tại bởi mùi hương kỳ hoặc trong búi tóc, hay bởi tại định lý Bác Ròm "đứng xong phải ngồi" cực chính xác, NGÀY xác đấy nhưng óc vẫn phiêu bồng về cõi ĐÊM. Lời mời gọi thầm thì, dai dẳng, kiên trì, xoay cuồng trong não bộ, tưởng chừng không điểm dứt.
Ông Trùm lướt duyệt lịch trình, khẽ nhắc ông từ già kéo hồi chuông thứ nhất, hắng giọng xướng bài kinh mở đầu. Ngày bắt đầu như thế, cạo đám tuyết bám dầy trên kính xe, hì hục đề chiếc xe còm cõi cơn ho gà, đuối sức sau cái hít đất thứ ba nhăm, mơn lại làn da sậm không bởi ánh nắng nhưng bởi khói bám hàn xì, vẫn trùm chăn trò chuyện cùng người đã chết nhưng đầy uy lực: Abraham Lincoln, ỏng ẹo tém mái tóc thời thượng vừa được o bế từ tiệm Hải Vườn Chuối…NGÀY là định lý, thực sự hiện hữu, NGÀY phải bắt đầu.
Ngày quá dài nên dễ gây đổ nát, hao mòn. Mỏi chân với nghiệp buôn võng dạo, đôi khi muốn dứt bỏ ngày để đến với đêm, mường tượng nghiệp đại kinh doanh võng nhái, may ra dứt bỏ nghiệp cu-li cơ cực, đong đưa nhịp thật êm ái cho đời bớt khổ…vẫn mãi là mơ! Câu chuyện với cha dáo-xư cùng ghe ngày đầu trên xứ Úc vẫn còn vang vọng, cha lý thuyết khá Phật: "mỗi người có số mạng, mầy nghiệp cu-li thì cứ thế mà tiến bước, đừng mơ nghiệp chủ nhân." Hơi bực lúc đầu vì câu nói khá chói tai, nhưng dần dà tôi nhận ra cha có lý. Ngày nầy, tôi vẫn mang theo bên mình 2 vật từ cha dáo-xư làm hành trang cho cuộc sống: câu khuyên khá huề vốn và cái TÂM. Thôi thì cứ giữ cho đủ lễ nghĩa, đôi khi chả biết phải làm gì.
Tôi có xem qua phim Trading Places, thấy cảnh Eddy Murphy khoái chín người khi được cung nữ tắm rửa. Tôi có đọc qua chuyện Ngô Lão lim dim khi được nữ tỳ kỳ cọ nơi lâu đài Hắc Dịch, chuyện thật hay chỉ là gom góp vớ vẩn ở mục Chuyện Cuối Tuần? Tôi muốn tia nắng đầu tiên đừng hé lộ, bởi đêm quá nhàn nhã, luôn lên tiếng gọi mời.
Ui chao! Đời không như là mơ. Đến giờ cho xuất đấm bóp thường nhật. Một ngày…như…mọi ngày.


Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Hồng trần dõi bước (tt)

Tôi chưa đạt trình độ và kiến thức để nói chuyện cơm phở. Họa nên cả bài nhạc nói về chuyện đây phải được xem là bậc thầy. Tự ái dân tộc, con Cún quả quyết với con Thảo My rằng phở xe, phở gánh ở Hà Nội mới là đặc thù, bánh hay nước đều đạt chất lượng. Phe đối chọi bảo rằng, phở ở Sài gòn mới hấp dẫn và ngon miệng, thêm rau giá vào cho đầy đủ, lập luận của con Thảo My là thế. Riêng tôi, phở miền nào cũng đều tuyệt vời, quả chỉ có món đây mới đủ sức cám dỗ tôi quên những bữa cơm truyền thống, băn khoăn, lưỡng lự khi nghĩ rằng tại sao lại có 2 món đối chọi nhau đến mức ấy.
Không cần mở từ điển tìm từ, dân Tây hiện giờ chỉ nghe tên "phở" là hiểu ngay đang nói đến món súp có cọng bún trắng đặc thù của người Việt. Nhiều năm tra cứu, bao năm tìm tòi, tôi quả quyết phở xứ đây thua hẳn phở quê nhà. Cùng tên, cùng gia phả, khoát cùng chung cả chiếc áo dài, nhưng phở trời Tây có xác nhưng không hồn, thiếu hương thơm ngát, thiếu vị ngọt thanh của phở Hòa đường Pasteur, thiếu cái thanh đạm, thiếu cái chất bụi của phở Bà Dậu hẻm Công Lý. Quá nhiều đòi hỏi để trở thành món ăn đặc thù. Nhẽ ra, thứ hạng đứng sau cơm, phở không nên mang tính chất kiêu kỳ ngần ấy, phải thế không các bác?
Khi đã thành khúc ruột ngàn dặm mới mới thấy thiếu vắng quê hương, lâng lâng trong nỗi nhớ dịu êm khi tưởng về nơi chốn cũ. Bác Danh Tướng đâu biết rằng, chỉ việc đặt bể bơi trước mặt tiền nhà như thế ở chốn đây là tốn cả khối tiền. Mất tạm tí khoảng lề đường đặt bàn cà phê buổi sáng, nhưng bù lại, âm thanh huyên náo lượng xe lưu hành làm bầu bạn ngày lẫn đêm. Buồn ghê gớm, xứ đây im lìm đến chết người, giờ chợt hiểu ra khi nói cụm từ không gian lặng ngắt. Tôi ghen tị, ước sao có chỗ đứng như bác Danh Tướng, cứ thế là nhất.
Nếu không nằm lòng câu thành ngữ "đứng núi nầy, trông núi nọ", nếu chưa từng đọc câu chuyện về người leo núi Đỉnh Đại Bàng, tôi phải quay về mất thôi, về để đưa tay hái chùm khế ngọt, về để dong duỗi chốn huyền hoặc đầy tiềm ẩn, đứa nói xạo chết liền.
Không mơ thì làm sao có ước, không níu kéo thì ngọn gió năm xưa chẳng quay về. Xin thổi nhẹ làn hơi, gió ngoảnh đầu cười mỉm, tăng lực nâng, cánh đồng năm xưa lại đầy cánh diều lộng gió.