Thái Lan, cả hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng cùng biểu tình
Phe Áo Đỏ ủng hộ thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra với khoảng 5.000 người tập họp ngay tại trung tâm Bangkok để kỷ niệm 3 năm ngày ông Thaksin bị tước mất quyền lực. Phe Áo Vàng chọn khu vực gần đền Preah Vihear đang có tranh chấp giữa Thái Lan và Cam Bốt để biểu tình.
Sáng nay (19/9), hai phe Áo Vàng và Áo Đỏ vẫn thường đụng độ nhau trên đường phố và trên bàn cờ chính trị Thái Lan đã cùng tổ chức xuống đường nhưng tại hai địa điểm khác nhau.
Phe Áo Đỏ ủng hộ thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra với khoảng 5.000 người tập họp ngay tại trung tâm Bangkok để kỷ niệm 3 năm ngày ông Thaksin bị tước mất quyền lực, đang sống lưu vong. Phe Áo Vàng chọn khu vực gần đền Preah Vihear đang có tranh chấp giữa Thái Lan và Cam Bốt.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, đối tượng tấn công của phe Áo Đỏ đã phải nhờ tới một lực lượng gồm khoảng 9.000 binh sĩ và cảnh sát tới bảo vệ các cơ sở quan trọng của chính quyền.
Theo tin mới nhất do phía quân đội Thái Lan đưa ra, chừng một chục người bị thương vì xô xát nhau trong cuộc biếu tình gần đền Preah Vihear. Khỏang 3.000 dân làng đã cố chặn không cho phe Áo Vàng ủng hộ chế độ Bangkok chen vào trong đền vì e ngại gây ra đụng độ với phía Cam Bốt. Những người bị thương đều là dân địa phương bị người biểu tình xô đẩy và họ đã được đưa vào bệnh viện chăm sóc.
Từ Bangkok thông tín viên RFI Marie Normand tường thuật không khí chính trị Thái Lan hôm nay :
"Những người Áo Đỏ đã tổ chức một cuộc tập hợp đông đảo hôm nay tại Bangkok để đòi chính phủ từ chức. Ngày này được chọn vì mang tính tượng trưng : cách nay đúng ba năm về trước chính là ngày nổ ra cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Những người biểu tình đã được 6.500 cảnh sát vây quanh. Thêm vào đó, luật về an ninh trong nước, một biện pháp bị phản đối, đã có hiệu lực từ ngày 18/9. Luật này cho phép chính phủ kêu gọi sự tham gia của quân đội và áp dụng thiết quân luật nếu cần thiết.
Cũng vẫn ngày hôm nay, nhưng gần biên giới Cam Bốt đã diễn ra một cuộc biểu tình khác của những người Áo Vàng. Từ mấy tháng gần đây cánh Áo Vàng tỏ ra dè dặt hơn. Phía Thái Lan hai trăm cảnh sát chống bạo động đã có mặt, và về phía Cam Bốt, khoảng 50 người đã được triển khai xung quanh ngôi đền Preah Vihar.
Địa điểm này được bao bọc bằng dây thép gai để không cho những người biểu tình xâm nhập được vào khoảnh đất nhỏ tiếp giáp với ngôi đền, khu vực vốn là đối tượng tranh chấp từ hơn 40 năm nay.
Những người Áo Vàng kết tội chính phủ đã để mặc cho dân Cam Bốt chiếm đất của Thái Lan.
Từ nhiều tuần nay Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã gặp trắc trở. Hôm nay ông rời Bangkok để tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Liên minh lỏng lẻo do ông lãnh đạo đã bị chỉ trích ngay cả trong hàng ngũ đảng của ông. Điều này khiến cho xuất hiện trở lại những tin đồn sẽ có khả năng đảo chính trong thời gian ông vắng mặt."
Chức vụ Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương vuột khỏi tầm tay ông Tập Cận Bình
Việc ông Tập Cận Bình chưa được chỉ định làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi : Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thiết lập được một cơ chế chuyển giao quyền lực một cách êm thắm cho năm 2012 hay chưa ?
Trái với sự chờ đợi của mọi người, tại hội nghị Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa bế mạc hôm qua (18/9), Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đã không được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương, một vị trí sẽ bảo đảm cho ông chiếc ghế lãnh đạo tương lai, kế nhiệm chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Cách đây 10 năm, trong một hội nghị tương tự, bản thân ông Hồ Cẩm Đào cũng đã được bổ nhiệm vào chức vụ này, trước khi lên nắm quyền lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc.
Báo chí nước ngoài và các nhà quan sát tình hình Trung Quốc đã tưởng rằng ông Tập Cận Bình lần này sẽ đi theo vết chân của Hồ Cẩm Đào, nhưng rốt cuộc dự báo đó đã không thành sự thật.
Sau bốn ngày họp, hội nghị trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bế mạc mà chẳng đưa ra một thông báo nào quan trọng, ngoài những lời kêu gọi chung chung là phải nâng cao dân chủ trong đảng, tăng cường nỗ lực chống tham nhũng, duy trì ổn định kinh tế và cải thiện sự hòa hợp sắc tộc, dẹp tan chủ nghĩa ly khai.
Về mặt nhân sự lãnh đạo, việc ông Tập Cận Bình chưa được chỉ định làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi là không biết là Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thiết lập được một cơ chế chuyển giao quyền lực một cách êm thắm cho năm 2012 hay không.
Lý do chưa bổ nhiệm có thể chỉ là vì Trung ương đảng chưa đạt được sự đồng thuận về việc ông Tập Cận Bình trở thành phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, một cơ quan có quyền lực rất lớn.
Việc ông Tập Cận Bình chưa được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương cũng có thể là vì ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn muốn nắm giữ chức chủ tịch của cơ chế này cho đến sau năm 2013 và như vậy kéo dài thời gian ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực.
Một số nhà phân tích khác thì nghĩ rằng cũng có thể là phe quân sự chưa hoàn toàn tin tưởng vào ông Tập Cận Bình hoặc cũng có thể là ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải lo đối phó với nạn tham nhũng và tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu, cho nên chưa có thời giờ lo vấn đề nhân sự.
Nói chung, việc chuyển giao quyền lực vẫn là một vấn đề hóc búa trong một thể chế chính trị như ở Trung Quốc. Do không có bầu cử công khai, việc chọn người kế nhiệm chức vụ lãnh đạo tối cao vẫn là kết quả của những thương lượng, mặc cả, đấu đá sau cánh cửa khép kín. Quá trình thăng quan tiến chức của bản thân ông Tập Cận Bình là một ví dụ điển hình.
Năm nay 56 tuổi, ông Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, phó thủ tướng và một trong những nhà cách mạng khai sinh ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Từ một bí thư tỉnh uỷ Chiết Giang năm 2005, chỉ trong hai năm, ông Tập Cận Bình đã trở thành uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính Trị tại kỳ Đại hội Đảng năm 2007, tức là trở thành một trong 9 lãnh đạo quyền lực cao nhất ở Trung Quốc. Ngay năm sau, ông Tập Cận Bình được bầu là phó chủ tịch nước.
Chỉ với hai vị trí này là đủ để ông được xem như người có thể kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào sau này.
Sau khi Trần Lương Vũ bị cách chức bí thư thành uỷ Thượng Hải vì tội tham nhũng vào năm 2006, Tập Cận Bình đã được chọn vào chức vụ có tính chất then chốt này. Sở dĩ Tập Cận Bình lên như diều gặp gió như vậy chính là vì ông là một trong số ít nhân vật được tất cả các phe chấp nhận.
Mặc dù ông Tập Cận Bình chưa được thăng chức kỳ này, các nhà quan sát nghĩ rằng ông vẫn là ứng cử viên hàng đầu trong số những người có thể kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào.
Giới sản xuất sữa bất mãn vì chính sách nông nghiệp của Pháp và châu Âu
Cuộc biểu tình của các nhà nuôi bò sữa đã bắt đầu từ một tuần qua. Cuộc đình công của ngành sữa bò đã lên đến tột đỉnh để tố cáo chính sách của Liên Hiệp Châu Âu và của chính phủ không hỗ trợ ngành này.
Hôm qua, tại miền Tây và nhiều vùng khác ở Pháp, các nhà sản xuất sữa đã đổ đi ba triệu lít sữa để bày tỏ sự bất mãn trước sự kiện chính phủ và các dân biểu đã không làm gì để ngăn chặn tình trạng giá sữa tiếp tục giảm sút.
Cuộc biểu tình của các nhà nuôi bò sữa đã bắt đầu từ một tuần qua.
Hôm nay, trang kinh tế của tờ Libération chạy một hàng tựa lớn về « cơn thịnh nộ trắng của nông dân ». Bài phóng sự của đặc phái viên Libération tại Tanis, gần Mont Saint-Michel, địa điểm du lịch nổi tiếng của Pháp, đã trích dẫn lời của một số nhà sản xuất sữa. Một người trong số này tuyên bố : « Chúng tôi không còn có cách làm nào khác để chính quyền lắng nghe chúng tôi ». Còn một người khác thì kể lại là đối với ông « mở van cho sữa chảy ra cũng giống như là tự cắt mạch máu ».
Một vấn đề khác của giới nuôi bò sữa là sự chia rẽ giữa các công đoàn. Hiện nay không có sự đoàn kết trong thành phần nông dân.
Hồ sơ các nhà sản xuất sữa được tờ cộng sản L'Humanité đưa lên trang nhất. Tờ báo đưa tin là tại Pháp, tại Bỉ và tại Luxembourrg, cuộc đình công của ngành sữa bò đã lên đến tột đỉnh để tố cáo chính sách của Liên Hiệp Châu Âu và của chính phủ không hỗ trợ ngành này.
Trong xã luận mang tựa đề : « Một nỗi buồn não lòng », tờ báo không muốn nói đến hành động đổ đi hàng trăm ngàn lít sữa, mà đúng hơn đó là việc lên án một cơ chế, lên án một châu Âu đã tháo gỡ bỏ mọi quy định, một châu Âu của chủ nghĩa tư bản và của những bất bình đẳng.
Đối với tờ L'Humanité các chính sách thực hiện tại châu Âu và tại Pháp đã phó mặc các nhà sản xuất sữa cho các tập đoàn lớn. Do đó họ không còn làm chủ trong việc sản xuất của họ. Trong khi giá bán lẻ của một lít sữa tăng 10% thì giá bán sỉ không ngừng tụt giảm.
Hiện nay giá bán của một lít sữa cho khách hàng tại một siêu thị là gấp bốn lần giá bán của các nhà sản xuất.
Ông Obama phạm « một sai lầm nghiêm trọng »
Quyết định của tổng thống Mỹ, Barack Obama, dẹp bỏ dự án lá chắn chống tên lửa, được tờ Le Monde hoan nghênh. Trong bài xã luận tờ báo đánh giá dự án này, vừa tốn kém vừa không mấy hiệu quả, gây chia rẽ trầm trọng trong khối Âu châu và nó chỉ có tác dụng là đặt nước Nga trong một bầu không khí nặng nề của một « cuộc chiến tranh giữa các vì sao ».
Nhưng liệu Matxcơva có sẵn sàng bắt bàn tay mà Hoa Kỳ đã chià ra ?
Balan và Cộng hòa Séc cũng như các quốc gia vùng Ban-tich không tin là như thế và vẫn nhìn Nga như một mối đe dọa tiềm tàng, nhất là sau cuộc chiến tranh ở Gruzia vào năm 2008. Giờ đây ông Obama sẽ phải trấn an mối lo ngại của các nước này.
Phe đối lập Mỹ thì lên án « sự ngây ngô » của tổng thống Obama. Tờ Le Figaro đưa tin là ông John McCain, cựu ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đã đánh giá là ông Obama đã phạm phải « một sai lầm nghiêm trọng ».
Nói chung cả đảng Cộng hòa tố cáo chính quyền Obama đã coi thường mối đe dọa đến từ Iran và đã nhượng bộ trước hai nước bị xem là hung hãn nhất, tức Nga và Iran.
Biến đổi khí hậu : các băng đá tan nhanh và mực nước biển lên cao
Đề tài chiếm trang nhất của tờ Libération hôm nay là hiện tượng trái đất bị hâm nóng nhanh chóng hơn là người ta chờ đợi. Chưa bao giờ nhiệt độ của các đại dương lại lên cao như mùa hè năm nay và các tảng băng đã tan nhanh hơn là dự tính.
Chỉ còn ba tháng nữa là đến hội nghị về khí hậu tại Copenhagen. Nhiều bài nghiên cứu báo động về tính khẩn cấp của tình trạng thời tiết trở nên nóng hơn. Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu – gọi tắt là GIEC – từ nay đến năm 2100 nhiệt độ sẽ tăng từ 1,8 đến 4° C.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Libération, ông Jean-Claude Gascard, một nhà hải dương học người Pháp, nhận thấy là các dải băng lâu đời trên địa cầu đang tan mất đi một triệu cây số vuông mỗi năm.
Trong xã luận, Libération nhấn mạnh là tại Hội nghị Pittsburgh trong vài ngày nữa và tại Hội nghị Copenhagen vào đầu tháng 12, các nước công nghiệp phát triển phải ý thức về hậu quả của hai cuộc khủng hoảng tài chính và môi trường đang đè nặng lên trái đất.
Cả hai hội nghị, tại Đan Mạch và tại Hoa Kỳ, sẽ phải tập trung thảo luận trên cùng một vấn đề : đó là phải đưa ra một số quy định rõ ràng cho sự phát triển kinh tế.
Cũng về đề tài biến đổi khí hậu, tờ Le Monde chú trọng đến mực nước biển và nhấn mạnh là mực nước của các đại dương tăng trung bình 3,3 mm mỗi năm. Nhưng các nhà hải dương học vẫn chưa nhất trí với nhau về mức độ tăng từ nay đến năm 2100 : mực nước biển sẽ tăng vài cm hay hơn một mét ?
Ông Sarkozy và chỉ số chất lượng cuộc sống con người
Thứ ba tuần này, mục điểm báo đã trình bày bản báo cáo của một nhóm nhà kinh tế lỗi lạc do ông Joseph Stiglitz, giải Nobel kinh tế người Mỹ, dẫn đầu. Trong tài liệu này, ông Stiglitz chủ trương sử dụng chỉ số chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của con người để thẩm định về thành quả kinh tế của một quốc gia.
Hôm nay, một bài ý kiến trên tờ Le Monde nhắc lại bản báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của ông Nicolas Sarkozy.
Vào năm 1990, Chương trình vì Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã đưa ra « chỉ số về phát triển con người » và chỉ số này bao gồm mức sống, trình độ giáo dục và sức khoẻ của người dân để xếp hạng các quốc gia. Theo cách xếp hạng này, Pháp lúc đó đứng trong số 10 nước đứng đầu thế giới, trước Hoa Kỳ.
Thế nhưng chính tổng thống Pháp lại là người ưa chuộng các thống kê về số lượng hơn là chất lượng, và khẩu hiệu nổi tiếng của ông là « làm việc nhiều hơn để kiếm được nhiều tiền hơn ».
Khi còn là bộ trưởng nội vụ, ông Sarkozy đã dẹp bỏ các đội cảnh sát khu vực, có quan hệ thân thiện với người dân trong xóm, vì ông cho rằng hình thức này tốn kém nhưng lại không làm tăng số vụ bắt giam tội phạm. Hậu quả là căng thẳng gia tăng giữa thanh niên và cảnh sát ở các vùng ngoại ô.
Đối với bài báo trên Le Monde, với đường lối lãnh đạo chỉ nhắm vào lọi nhuận và các con số thống kê của tổng thống Sarkozy, nước Pháp khó có thể tiếp tục được xếp hàng cao trên thế giới về chỉ số chất lượng cuộc sống con người.