Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Đọc báo trưa thứ năm

Rút kinh nghiệm Dung Quất, Việt Nam sẽ xây dựng các nhà máy lọc dầu lớn hơn.


Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Hôm nay, 06/01/2010, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Petro Vietnam, ông Đinh La Thăng nói với AFP rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất quá nhỏ, công suất thấp. Bài học rút ra từ dự án này là cần phải xây dựng những nhà máy lọc dầu lớn hơn, có hiệu quả hơn.
Đầu năm 2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất, ở miền trung Việt Nam, đã bước vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn mỗi năm, tương đuơng 148 ngàn thùng mỗi ngày. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, với tổng đầu tư lên đến 2,5 tỷ đô la.
Đại diện Petro Vietnam đưa ra nhận định này trong bối cảnh năm nay, 2010, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 tại Nghi Sơn – Thanh Hóa và ký liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu số 3 tại Long Sơn – Bà Rịa – Vũng Tàu. Cả hai dự án mới này đều có công suất khoảng 10 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, nhà máy Dung Quất có kế hoạch nâng công suất từ 6,5 lên 10 triệu tấn / năm.
Theo báo chí trong nước, vừa qua, nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp sự cố hỏng van, phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa, thay thế, do vậy, cho đến nay, vẫn chưa xác định được thời điểm bàn giao nhà máy này cho phía Việt Nam.
Theo AFP, Petro Vietnam thông báo là trong năm 2009, thu  nhập của Tập đoàn đã bị giảm khoảng 20% so với năm 2008. Cụ thể là tổng thu nhập trong năm 2009 là hơn 265 nghìn tỷ đồng, còn năm 2008 là 280 nghìn tỷ đồng.
nguồn : rfi

Dung Quất: không chỉ có 1 sự cố lớn.

Hôm qua (5.1), tại cuộc họp báo trực tuyến của tập đoàn Dầu khí (PVN), lãnh đạo tập đoàn này đã cho biết nhiều thông tin đáng chú ý về việc đầu tư, quản lý vận hành các dự án lớn do PVN triển khai. Về dự án nhà máy Lọc Dầu Dung Quất, theo ông Đinh La Thăng, chủ tịch hội đồng quản trị PVN, đây là một khuyết điểm lớn trong năm của PVN khi đã không đạt tiến độ bàn giao nhà máy như kế hoạch dự kiến (25.10.2009) do sự cố hỏng van tại cụm thiết bị tái sinh chất xúc tác phân xưởng RFCC của nhà máy. Tuy nhiên, theo ông Thăng, đến nay vẫn chưa thể khẳng định được thời điểm bàn giao do còn phải khắc phục tất cả các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại, kể cả ảnh hưởng của cơn bão số 7. Ông Thăng cũng cho biết, tập đoàn này sẽ phải làm các báo cáo đánh giá tổng kết về quá trình đầu tư, báo cáo quyết toán dự án nhà máy Lọc dầu Dung Quất, rút ra các kinh nghiệm về đầu tư cho các công trình khác để trình  Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2010. Theo ông Đinh La Thăng, điểm rút ra trước tiên là với các công trình xây dựng nhà máy lọc dầu tiếp theo như nhà máy Long Sơn, Nghi Sơn, PVN sẽ thiết kế nhà máy có qui mô công suất ít nhất là 10 triệu tấn năm để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Riêng nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện đã có 2 phương án đầu tư để nâng công suất: phương án 1 nâng công suất hiện nay 6,5 triệu tấn/năm lên 13 triệu tấn và phương án 2, nâng lên 10 triệu tấn. "Nhiều khả năng, việc nâng công suất nhà máy Dung Quất sẽ theo phương án 2", ông Thăng cho biết.
Trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn Tiếp thị về những trục trặc trong việc sử dụng điện lưới quốc gia cho nhà máy Lọc Dầu Dung Quất, ông Phùng Đình Thực, tổng giám đốc PVN  thừa nhận hiện nay, việc kết nối với lưới điện quốc gia là chưa thực hiện được do ổn áp không đều, có sự dao động mạnh khi đưa điện vào phục vụ nhà máy. "Đây là vấn đề rất phức tạp, chúng tôi đã làm việc với tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN) để xử lý nhưng việc xử lý cũng không hề đơn giản. Chúng tôi cũng đã có báo cáo với Chính phủ, hội đồng nghiệm thu nhà nước về vấn đề này", ông Thực cho biết. Ông Đinh La Thăng cho biết thêm, lãnh đạo PVN đã yêu cầu thiết kế lại bộ phận tiếp nhận điện của nhà máy để đảm bảo độ an toàn. Theo ông Thăng, để cải tạo hệ thống lưới điện, đối với EVN cũng là vấn đề không đơn giản.
Về vấn đề triển khai dự án chế tạo kho nổi chứa xuất dầu (FSO 5) do PVN làm chủ đầu tư, tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) thực hiện đã bị lùi thời hạn bàn giao cho PVN sau rất nhiều lần (có lý do khó khăn về tài chính của Vinashin-PV), trả lời báo Sài Gòn Tiếp thị, ông Đinh La Thăng cũng đã thừa nhận có vấn đề mới xảy ra với dự án này là sẽ phát sinh chi phí lớn do phải nạo vét luồng lạch để kéo tàu ra. Theo ông Thằng, khoản chi phí này (có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng) sẽ phải do Vinashin chịu để thực hiện đúng hợp đồng với PVN.
nguồn : Mạnh Quân

Không có nhận xét nào: