Trong thuyết học "Âm Dương Ngũ Hành" của Lão Tử, Âm (biểu tượng là vạch -- bị rạch đứt ở chính giữa), Dương (biểu tượng là vạch – liền không đứt, cứng và thẳng một lèo). Âm dương "tác động" lẫn nhau tạo thành vạn vật trong vũ trụ. Từ điển của mấy cha hội Lu-rồ sau nầy thay từ "tác động" bằng "sinh hoạt" hoặc trong trường hợp thao tác nhanh và gọn thì chỉ vỏn vẹn dùng từ "đíu".
Thuyết Âm Dương Ngũ Hành dần xâm nhập và trở thành nền tảng cho hầu hết mọi lãnh vực trong vũ trụ, tự nhiên hay xã hội học đều lấy nguồn từ thuyết học nầy. Sách binh pháp dựa vào đấy để viết ra các thế trận, trong y học, nhất là y học Phương Đông không thể đi ra ngoài bài bản của thuyết học nầy. Cứ đọc câu trích nầy: "Khí của trời đất thì không sai thứ tự, nếu mà sai thứ tự thì dân sẽ loạn, dương mà bị đè bên dưới không lên được, âm mà bị bức bách không bốc lên được thì có động đất." Câu "cót" (quote) gần nhất cho vấn đề nầy: " Thủ quỹ & thủ kho to hơn thủ trưởng". Con Thảo My bảo diễn giải theo lối văn học dân gian về thuyết học nầy, tôi tằng hắng "Năng cương như Bác Ròm hẳn cần nhiều chất mát từ bưởi da trơn để hóa giải, gà khỏa thân trông thật bốc, nhưng chẳng còn mấy răng như năm nhăm bọn anh thì chả cơm cháo được gì." Con Thảo My cười rú, không biết rú để gọi khí âm dương về hộ tôi hay rú khi biết cây trúc cứng đen bóng ngày nào nay đã bị tước da trông thật tồi tệ. Tôi tăng lữ, không sành giới nữ nhân nên không thể giải thích tiếng rú nầy!
HOA thuộc diện Âm, biểu hiện cho tính chất mềm mại, tươi đẹp, tất cả từ đẹp nhất khi tô sắc cho ngàn cánh hoa trong vườn xuân rực rỡ. Hồng, Mai, Cúc, Đào...đẹp tất, khoe sắc mời gọi như mâm tiệc "gà bảy món" nơi tư gia hai năm tám ngày hội tân niên, gắng gom thì dạ chẳng đủ nơi để chứa, răng cũng chẳng cứng để nhơi nhừ món "Gà hầm Bắc Ninh", không khéo mắc phải xương lúc thử vị món "Gà xối mỡ kiểu Vàm Cống". Gia chủ quả không hổ danh, kịch liệt nhiệt tình. Bác Bùi Nông ngồi cạnh vụt đưa thuyết lý, Hoa đẹp nhưng đạt đến chóp nghệ thuật cắm hoa chỉ có Ikebana hay Kadō từ xứ sở mặt trời, Bác bảo bình hoa chỉ đạt điểm nghệ thuật cao khi dùng duy nhất một loại hoa. Tôi gật gù khi Bác bảo tiếp mấy đứa "bồi bán hoa" hiện đại gom đủ loại hoa cặm chung trong một lọ. Bác Nông có lý quá xá cỡ.
Tiếc thay! Hoa đẹp nhưng chóng tàn, ỏng ẹo vài chiêu lúc bướm vờn xong rủ cánh. Hoa thuộc Âm nên không thể thiếu Dương, gắng gượng cầm hơi tất phải cho hơi nước, xịt thuốc, tiêm vào chất nhựa trắng sẽ mãi thành hoa bất tử không tàn. Hoa cần Mộc.
Mộc thuộc diện Dương, dĩ nhiên không cương và cứng thì chẳng gọi là mộc. Biểu hiện cho sự hấp thụ, vươn lên. Mang nhiều tính chất Việt thì từ ca dao tục ngữ đến văn học luôn nói đến Cây Đa đầu làng. Ngành nghệ thuật xứ Nhật chọn cây bonsai làm biểu tượng, các cụ lăn xăn vuốt từng lá, uốn từng cành, tiêm đủ loại ông uống bà khen vào, nhưng đỉnh cốt nghệ thuật là cây không được lớn, cương hoặc căng to lên là hỏng, việc nầy gợi cho tôi câu xứ nầy thường dùng "good things come in small packages". Kéo dài màn giải phẩu hơn tí, tôi lại nhắc đến cây trúc, biểu hiện sự thẳng thắn của người quân tử, thanh cao của bậc chân tu. Từng sống nơi xứ Củ nên tôi rõ tính đa dạng của loại mộc nầy, từ việc làm bờ cõi vững chắc quanh ranh đất đến lợi ích cuối cùng un thành tro để rải trả về cho đất, cây trúc thành mô-đen thịnh hành cho ngành trang trí sân vườn hiện thời, loại cây không thể thiếu cho đì-sai sân vườn cao ốc hay rì-sọt nơi thành phố.
Ngày đầu, tôi thật không hiểu tại sao người Úc lại yêu thích và chọn cây gum tree làm biểu tượng. Loại cây mọc thẳng đứng, cành thưa, lá khô cằn, đến mùa lại bóc da như cây bằng lăng nơi quê nhà. Cây rất to, rút cạn chất bổ dưỡng nên đất quanh cây rất khô cằn, đến mùa chỉ nước lầm bầm rủa khi phải dọn dẹp vỏ tróc ngập cả đường. Lại phải nhờ đến thầy Allen giải thích rằng với khí hậu sa mạc và đất đai khô cằn như xứ Úc đây, cây gum tree không những vươn lên, không cần chăm sóc mà vẫn tươi xanh mọi mùa, thật không còn cây nào khác dùng làm biểu tượng cho Dương, cho xứ Úc hay đến thế.
Tôi gật gù, bắt đầu ưa thích cây gum tree từ đấy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét