Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010
Hồng Trần Dõi Bước (tt)
Mấy cha ngoan cố thường đưa nhiều lập luận ngược chiều khi bàn đến từ "văn bằng" trong thời buổi hiện đại, trăm nghìn dẫn chứng. Tôi chỉ ừ hử lúc nghe kháo rằng không cần bằng cấp cũng có thể đạt đỉnh cao trong xã hội, tìm thêm nguồn có thể tham khảo sách của Lão Bút Gian. Riêng tôi, từ "Thạc Sĩ" "Tiến Sĩ" là thực chứng hẳn hòi, một nhãn hiệu cầu chứng trong quy trình phân loại chất xám. Dầu là đồng minh với Bác Nông, tôi vẫn thầm phục và ngưỡng mộ giới SĨ, nơi xứ nầy, ghen tị nhưng tâm phục khẩu phục thì chúng hay dùng từ "green with envy", cóp từ Shakespeare trong vở Othello hay còn được biết dưới tên The Merchant of Venice. Không ngại văn chương bình dân văng tung tóe thì xin dịch sát nghĩa là "tức bể dái".
Không là vùng trời bình yên trong mơ tưởng, nhưng xứ Úc thật bình lặng. Bởi ảnh hưởng việc góp nhặt ve chai thưở xưa, tôi rất thích lối nhóm chợ xây-cần hen cuối tuần, nơi có thể tìm được những món đồ cũ mà người khác không còn cần dùng nên đem ra chợ bán, "one man's trash is another man's treasure", không biết cóp nhặt câu nầy từ đâu, nhưng chợ xây-cần hen thời hiện đại đã biến dạng rất nhiều và có tên là "trash and treasure market". Mở ngoặc, lối phiên âm ngoại ngữ của tôi không chuẩn như LT, phát âm lệch lạc, đôi khi xẩy ra mâu thuẩn. Hôm gọi xe lôi kéo ra chợ xây-cần hen, vì việc phát âm hẳn là không chuẩn, tôi được lôi đến chợ gà già (second hen). Ối giời, "hen" đã có nghĩa "gà già", lôi vào đấy bốn nhăm cân trọng lượng cho đủ ký thành "second hen" thì đến việc hầm cả ngày lấy nước súp cũng chả xong. Không là xiên xỏ nhân ngày các bà đòi quyền sống, nhưng để trích rằng vấn đề ngôn ngữ là cửa quan chắn lối cho người dân di cư như tôi. Chữ nghĩa gửi lại thầy, vốn liếng Anh Ngữ học từ cha dáo-xư-anh-dăng không dùng được, khổ quá, tôi phải xách bút trở lại trường, ôm trọn khóa học 6 tháng tại Pennington hostel, bang Nam Úc...
Đúng rồi đó, vùng trời bình yên của tôi là con lộ nhỏ dài dưới hàng dừa che bóng, không những là ao ước của riêng tôi, con Thảo My cũng tâm sự "bây giờ khoái nhứt là được dòm và nghe tiếng dế gáy", thế là tôi vội vã vào mạng, quét dọn khắp mạng nhện, hỏi tư vấn, lội từ Bắc vào Nam để cốt tìm giống dế tốt nhất làm quà tặng nhân ngày bùng lên của phụ nữ, thế mà...các bác ấy...
Giấc mộng không tròn...vùng trời bình yên dần biến mất...
Thư giãn là mạch chính trong cuộc sống hiện đại. Tất bật quay cuồng với công việc quanh năm, hẳn không chỉ riêng vài cá nhân mà hầu như mọi người, ai cũng cần những giây phút dừng lại để nghỉ ngơi, trút bỏ mệt nhọc và ưu phiền. Tăng cường độ quan trọng cho sự việc và đúng theo từ ngữ hiện giờ gọi là xả xì-chét.
Người Pháp có lẽ vì áp đặt ách đô hộ tại Việt Nam trong thời gian dài nên được xem là thực dân, danh từ được gán cho những anh chủ có chính sách quản lý gắt gao và hung tợn. Tuy là thế, người Pháp coi trọng sự việc xả xì-chét và để chứng minh dù là thực dân cũng có thể làm một ông chủ tốt nên lưu lại truyền thống trả lương tháng 13 vẫn được duy trì tại Việt Nam hiện giờ. Nơi các xứ dùng Anh Ngữ thì không có lệ nầy, chỉ thêm vào tiền lương 17.5% gọi là annual leave loading. Giới chủ nhân tại Việt Nam, không biết thực chất thế nào, nhưng chưa thấy có anh nào đi ngược với truyền thống tốt đẹp nầy, nhiều chủ nhân đi đường cơ lả lướt, tổ chức đi tham quan du lịch cho công nhân, hoặc không nhiều giờ rảnh rỗi, không căng buồm du thuyền rước công nhân, nhưng kéo toàn bộ đến Cánh Buồm để chén anh chén chú. Đấy là những chủ tốt.
Dòng thư giãn chính trong cuộc sống thường nhật là quán xá. Người Việt Nam không thua sút bất cứ dân tộc nào trên phương diện nầy. Trào lưu cà phê hay bia sân vườn phát triển mạnh trong thập niên hiện tại. Riêng mạng cà phê, sau cú tăng giá điện gần đây, hẳn sẽ có nhiều quán xá theo chủ nghĩa môi sinh không dùng điện trong tương lai, thích hợp cho những bậc có ý tưởng tìm hiểu sâu xa hơn về đời sống loài dơi đêm. Tựa như món ăn sẽ hấp dẫn hơn khi được trình bày đẹp, quán xá thư giãn cũng cần phối trí ngoại cảnh hầu tăng thêm sức thu hút của quán. Trong những lần thăm viếng quê hương vừa qua, tôi nhận thấy cảnh trí sân vườn nơi quán bố trí rất đạt. Không bố trí tre trúc như rì-sọt, dù cà phê hay bia sân vườn, thực vật chính dùng chưng bày trong bố trí phối cảnh cho quán là cây dừa, trường hợp tô đậm nét cho từng địa phương thì dùng thực vật tiêu biểu cho vùng ấy, tỉ dụ như Biên Hòa dùng bưởi, Hốc Môn dùng lá trầu v.v... điểm chung là các thực vật chưng bày đều không cao, gọn tầm với, Bác Phó Gian độ chiều cao quả nào cũng khoảng mét hai cách mặt đất cho quả và 6 tấc cho lá.
Thư giãn nơi xứ nầy không kiểu cách giống Việt Nam. Giờ thì đã bị những anh to đầu đè bẹp rất nhiều, nhưng lúc xưa thì hầu như góc đường nào cũng có những quán bán bia giải khát gọi là "pub". Bia đóng chai thủy tinh vất trong tủ lạnh thường không bốc bằng bia nơi pub đóng trong thùng stainless steel lấy đủ hơi lạnh, sau buổi làm việc mệt nhọc dưới nhiệt độ gay gắt của khí hậu sa mạc, nốc vào ly bia ngoài pub là phê bà cố. Tửu lượng kém và sức yếu như tôi thì chỉ dùng ly tiêu chuẩn gọi là "pot", trường hợp khí lực sung mãn, cuồn cuộn hướng thăng hoa như Cậu Bôn hay Lão Harryman, dư sức cú đú-bồ thì chọn ly cỡ to gọi là "pint".
Nếu đã bảo "vui là chính", tất "thư giãn" phải nằm ở vị trí quan trọng của phương châm, có phải thế?
Dù trong tư thế đảo quanh bụi quan sát từ gốc đến ngọn của lái buôn tre, hay lom khom cận kề tủ sờ mó từng góc cạnh xem nhỡ có cạnh bàu không nhẵn, điểm đòi hỏi cho cả hai sự việc không ở tư thế đảo vòng hoặc lom khom, trọng tâm chính nằm ở tác động "nhòm". Ấy thế là xuất phát từ "phó nhòm", vì nhòm đúng bài bản, gom thiếu loại thừa trước khi dẫn đến tác động kế tiếp "bấm vào nút", hội đủ tác động sẽ ghi được một bức ảnh đẹp. Tôi không thích dùng từ "thợ chớp ảnh" hay "nhiếp ảnh gia" vì không diễn tả cặn kẻ ý nghĩa và những đòi hỏi khó khăn cho một ngành nghề.
Nhiều công việc hay ngành nghề đòi hỏi phải nhòm, không thạo thần học nhưng tôi cũng suy ra là việc nhòm ấy không mang tội. Nhòm để tránh tội hầu như là tác động cần thiết trong xã hội. Tôi phải nhòm canh me đám lính canh trại nơi xứ Mã, không khéo bị chộp lúc lẻn trại, kinh kệ dù quên khuấy nhưng cũng thành dạng tăng lữ với cái đầu bị gọt nhẳn bóng, hình phạt cho tội không nhòm nơi xứ Mã ngày ấy là thế. Nhòm nơi nội địa ngày nầy cũng không kém phần cẩn mật, ngoài việc đội mũ, loanh quanh đạp xe nơi thành phố cũng cần nhòm, từ phải chặt ranh giữa lấn sang phần đường bên trái mà không nhòm phú-lít sẽ rước họa vào thân. Nghe đâu, đứng sờ thân dừa nơi tỉnh lộ, không khéo cũng bị phú-lít mát mẻ,chắc bị khép vào tội tè bên đường, tôi nghĩ thế.
Thế có nên học kỹ thuật nhòm, lắm lúc tôi lại nghĩ. Bằng vào mức lương ba cọc ba đồng, lắm lúc tôi lại có ý nghĩ nhòm lên khi mấy đứa chung sở tán dóc rằng "you're in the wrong game". Cũng có phần đúng, thế hệ trẻ ngày nay nhiều đứa giàu nứt vách, ca sĩ, nghệ sĩ siêu sao đa số giàu không chịu được, Tăng Thanh Hà mới chỉ đóng vài phim truyền hình, giờ hạt bụi rớt từ gót chân cũng lấp lánh màu bạc...nói chi đến tầm cỡ quốc tế như anh đánh gôn Ti-gơ Wút, nhòm lên cho quên bớt thời gian, có lặn lội cả đời cũng chả được như thế.
Túm lại, không chuyên ngành thì không phải nghĩ ngợi, không phải nhòm. Cẩn thận tí thì lôi cặp kính râm đeo vào như Bác Nông nhà ta là chắc cú. "Cứ để cho micro khọt khẹt như Anh Nông thế mà tốt". Hình như tôi đã đọc qua lời nầy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét