Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Đọc được trên mạng.

Thoại Ngọc Hầu: tấn trò đời nghiệt ngã.

Thăng trầm bậc đại công thần

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (một số sách phiên âm chữ Thoại thành chữ Thụy), sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761) tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Do có công lớn với chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, nên Nguyễn Văn Thoại được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Cũng vì có công giúp triều Nguyễn trong việc "bảo hộ" Cao Miên, nên ông còn được gọi là Bảo hộ Thoại. Ngay cả cha mẹ ông là Nguyễn Văn Lương và Nguyễn Thị Tuyết cũng được triều Nguyễn phong hầu.

Do thời cuộc, gia đình Nguyễn Văn Thoại rời Quảng Nam vào miền Nam, định cư ở làng Thới Bình tại cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, thuộc địa phận Vũng Liêm ở Vĩnh Long. Đến nay, tại đây vẫn còn khu mộ gồm mẹ đẻ và cha mẹ vợ của Nguyễn Văn Thoại, gọi là lăng Ông Bảo hộ.

Từ năm 1777, Nguyễn Văn Thoại theo giúp chúa Nguyễn, tham gia nhiều trận đánh chống Tây Sơn ở Gia Định, và nhiều lần sang Xiêm công cán cho chúa Nguyễn với chức vụ Thống binh Cai cơ (các năm 1785, 1792, 1796, 1799). Năm 1799, Nguyễn Văn Thoại giữ chức Khâm sai Thượng đạo Tướng quân đi sứ sang Lào; nhưng đến năm 1801, vì vi phạm quân kỷ ông bị giáng xuống chức Cai đội. Sau khi thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, Nguyễn Văn Thoại cũng được thăng thưởng và dần dần lên đến chức Khâm sai Chưởng cơ. Đầu năm 1811, Nguyễn Văn Thoại được bổ làm Trấn thủ Định Tường; đến năm 1813 giữ chức Bảo hộ Chân Lạp kiêm lãnh Trấn thủ Định Tường.

Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại chuyển làm Trấn thủ Vĩnh Thanh. Tại đây, vào mùa xuân năm 1818, ông tổ chức dân binh khởi công đào sông/kênh Đông Xuyên (nối từ Long Xuyên xuống Rạch Giá), dài chừng 31km. Đây là tuyến đường sông đào nhằm phục vụ lưu thông và nông nghiệp vùng Kiên Giang, rất có giá trị. Vua Gia Long đã đặc ân cho phép đặt tên sông là Thoại Hà (sông Ông Thoại) và tên ngọn núi phía đông gần đó là Thoại Sơn (núi Ông Thoại). Cũng trong năm 1818, Nguyễn Văn Thoại được bổ làm Thống chế Bảo hộ Chân Lạp.

Năm 1819 Nguyễn Văn Thoại được giao trọng trách tổ chức đào sông/kênh Vĩnh Tế, nối từ Châu Đốc ra biển Hà Tiên, dài khoảng 91km. Vào tháng 12 năm Mậu Dần (đầu năm 1820), sông được khởi công, qua nhiều gian truân vất vả với sự góp sức của cả dân binh Việt Nam và Chân Lạp, mãi đến giữa năm 1824 mới xong. Hình ảnh kênh Vĩnh Tế sau đó được đưa vào Cao Đỉnh, một trong chín đỉnh đồng đặt ở Kinh đô Huế. Trong thời gian đôn đốc đào kênh Vĩnh Tế, năm 1821 Nguyễn Văn Thoại  còn nhận nhiệm vụ đóng giữ bảo Châu Đốc, lãnh chức Bảo hộ Quốc ấn nước Chân Lạp, kiêm lý Biên vụ Hà Tiên. Nguyễn Văn Thoại cùng nhiều người khác được triều đình ban thưởng rất hậu hỉ khi hoàn thành kênh Vĩnh Tế.

Nguyễn Văn Thoại có bà vợ chánh là Châu Thị Tế, quê ở cù lao Dài, sinh được con trai là Nguyễn Văn Lâm; và vợ thứ tên là Trương Thị Miệt, cũng sinh một con trai là Nguyễn Văn Minh. Ngoài ra, ông còn có người con gái nuôi, tục gọi là Thị Nghĩa.

Ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), Thống chế lĩnh ấn Bảo hộ nước Chân Lạp, Án thủ thành Châu Đốc kiêm lĩnh Biên vụ Hà Tiên là Nguyễn Văn Thoại mất tại Châu Đốc. Vua Minh Mạng rất thương tiếc và phong tặng ông chức Đô thống, thưởng thêm 1.000 quan tiền, 5 cây gấm Tống, 10 tấm lụa, 30 tấm vải. Con trưởng là Nguyễn Văn Lâm được hưởng tập ấm chức Ân kỵ uý.

Mặc dù Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là một đại công thần của triều Nguyễn, là người có rất nhiều công lao với đất nước trong việc khai phá đất đai miền sông Hậu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc ở Châu Đốc, Hà Tiên; nhưng ngay sau khi được khâm liệm, ông bị triều Nguyễn giáng 5 phẩm hàm, con trưởng là Nguyễn Văn Tâm bị tước bỏ tập ấm, tất cả điền sản đều bị tịch thu, phát mãi. Về sau, Nguyễn Văn Tâm bỏ đi biệt tích, con thứ là Nguyễn Văn Minh cam phận sống cảnh dân dã, nghèo nàn.

Công thì thưởng, tội phải phạt

Tại sao Thoại Ngọc Hầu và con cháu lại rơi vào cảnh huống đau lòng như vậy? Vì sao vua Minh Mạng cùng những vua kế nhiệm lại hành xử bất công với công thần của vương triều? Thực hư việc xử án Thoại Ngọc Hầu ra sao? Đó là những băn khoăn chung quanh đoạn kết cuộc đời của nhân vật nổi tiếng này.

Nguyên do là sau ngày Thoại Ngọc Hầu mất, quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Chân Lạp làm việc tư, sửa đắp đường cái, để đưa đám chôn cất vợ.

Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị. Khi bản án hoàn thành và được báo cáo lên, vua xuống chiếu truy giáng Thoại Ngọc Hầu 5 phẩm hàm, thu lại chức tập ấm của con, lại tịch thu cả gia sản đã cấp cho trước đó  . Theo bản án, Thoại Ngọc Hầu từ hàm Tòng nhị phẩm bị giáng xuống hàm Tòng thất phẩm.

Do bị mang án, nên vào tháng 7 năm Canh Dần (1830), quan cai quản Gia Định dâng sớ về triều xin cấp phu trông coi mộ quan Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại, vua Minh Mạng bảo Bộ Lễ rằng Nguyễn Văn Thoại được nhờ ơn nước giao cho che chở một phương, thế mà không biết giữ mình trong sạch, lại tha hồ vơ vét làm mất lòng nước Chân Lạp, thực là phụ lòng trông cậy của triều đình rất nhiều, không còn có công gì đáng xét, nên không cho.

Có lẽ cảm thấy khép tội Thoại Ngọc Hầu như thế hơi nặng, nên vua Minh Mạng sai đình thần bàn xét lại án Thoại Ngọc Hầu. Tháng 5 năm Nhâm Thìn (1832), bản án hoàn thành, vua Minh Mạng xuống dụ nói rằng Nguyễn Văn Thoại được uỷ thác trọng trách bảo vệ biên cương mà không biết tuyên dương đức hoá, vỗ yên dân chúng ngoài biên, lại sinh sự nhiễu dân, gây nhiều điều tệ! Nếu còn sống thì vua cũng cứ giữ lòng chí công làm đúng hình pháp, chém đầu để bêu cho mọi người biết; nhưng do đã chết rồi, lại nghĩ ngày trước có công lao ở Vọng Các (Xiêm), nên chỉ truy giáng xuống hàm Chánh ngũ phẩm và đoạt lại chức tập ấm của con, duy các sắc tặng phong cha mẹ Nguyễn Văn Thoại được miễn thu hồi. Tang vật Nguyễn Văn Thoại đã sách nhiễu dân thì phải truy ra rồi lấy gia sản ấy mà truy cấp cho dân Chân Lạp.

Với bản án xét lại này, Thoại Ngọc Hầu từ chỗ bị giáng xuống hàm Tòng thất phẩm được nâng lên hàm Chánh ngũ phẩm.

Nghị án xong, vua Minh Mạng sai Lang trung Bộ Công là Lê Hựu đem sắc thư sang tuyên dụ vua Chân Lạp, cho biết việc quan Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại quấy nhiễu dân đã bị triều đình trị tội, vua Chân Lạp nên kính cẩn giữ lễ, đừng bận lòng vì một quan chức hư hỏng. Nhưng vua Chân Lạp dâng biểu nói rõ năm trước có việc đi lấy gỗ táu đem nộp thì dân đã lĩnh tiền và gạo của Nhà nước do Thoại Ngọc Hầu cấp rồi, vậy không cần phải cấp thêm nữa.

Nhờ biểu của Chân Lạp, vua Minh Mạng mới biết rõ thực hư chuyện Thoại Ngọc Hầu, liền xuống dụ cho Bộ Lễ rằng Võ Du vâng mệnh đi điều tra, không xét được đích xác nguyên uỷ, tự tiện về báo lại rất sai lệch, nên cách chức ngay rồi giao Bộ Hình bàn xử. Còn Nguyễn Văn Thoại dẫu không can dự vào chuyện đó, nhưng do sai dân Chân Lạp làm việc riêng, sửa mộ đắp đường, xét cũng đáng tội, nên cứ giữ nguyên án (!)

Nhà vua còn lệnh rằng, Võ Du đi dò xét về báo không đúng sự thực thì phải bàn xét để trừng phạt ngay; còn các điều Nguyễn Văn Thoại đã phạm phải, nếu điều gì không có thì phải vì ông mà làm cho sáng tỏ, điều gì có thực thì cũng không coi nhẹ mà tha được. Tờ dụ của vua Minh Mạng gửi vào cho Gia Định thành cũng được sao chép thêm một bản để cấp cho con của Nguyễn Văn Thoại biết.

Riêng Võ Du bị Bộ Hình xét xử chuyện vu cáo Thoại Ngọc Hầu và khép vào tội đồ, nhưng vua Minh Mạng lại đặc cách cho cách chức, phát phái đi Cam Lộ ở Quảng Trị để gắng sức làm việc chuộc tội.

Việc chưa yên thì vào năm Quý Tỵ (1833), con rể Thoại Ngọc Hầu là Võ Vĩnh Lộc cùng con gái nuôi Thị Nghĩa tham gia cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi ở Gia Định chống lại triều đình.

Năm Ất Mùi (1835), cuộc nổi dậy bị đàn áp, cả hai vợ chồng Võ Vĩnh Lộc bị bắt xử chém. Vua Minh Mạng đã lệnh cho Bộ Hình mở cuộc điều tra nguồn gốc của Thị Nghĩa, xem có phải là con ruột của Thoại Ngọc Hầu. Bộ Hình yêu cầu quan tỉnh Gia Định tra hỏi sự việc, Nguyễn Văn Lâm khai rõ Thị Nghĩa chỉ là con nuôi của cha mình. Vì thế, gia đình Thoại Ngọc Hầu không bị khép tội liên đới, nhưng không thể xoá hết sự nghi ngại của triều đình.

Án của Thoại Ngọc Hầu càng trở nên tồi tệ hơn, khi vào tháng 3 năm Mậu Tuất (1838), Nguyễn Văn Quang (là cháu họ của Nguyễn Văn Thoại, đồng thời là cháu nội của Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Bình) đã cùng Lê Văn Sơn (cháu họ của Lê Văn Duyệt) đang là tù phạm bị giam ở ngục tỉnh Gia Định, bàn mưu vượt ngục chiếm giữ thành phản lại triều đình. Do phạm nhân Trần Vinh (nguyên là Tư vụ Bộ Binh bị tội lưu, phát đi an trí ở Gia Định) biết chuyện, đem việc ấy tố cáo ra, quan tỉnh Gia Định điều tra được liền báo về Huế.

Vua Minh Mạng phán rằng Nguyễn Văn Quang là con cháu công thần ở Vọng Các, trước can án, triều đình chưa nỡ giết, còn để giam cấm, thế mà dám mưu đồ vượt ngục, lấy việc trước của Lê Văn Khôi làm khuôn mẫu, ý muốn chiếm thành làm phản, làm khổ nhân dân. Lê Văn Sơn là cháu Lê Văn Duyệt, phạm tội bị giam, muốn suy tôn lên để mưu khởi sự, cùng triều đình gây biến, mối họa không trừ thì mầm họa lại mọc. Vì vậy, Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Sơn cùng 4 người khác bị kết án xử tử lăng trì. Ông của Nguyễn Văn Quang là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Thoại cũng liên luỵ, bị triều đình lấy lại các văn bằng đã cấp. Với lần nghị án mới, Nguyễn Văn Thoại bị tước luôn hàm Chánh ngũ phẩm.

Những sự cố liên tục xảy ra với Thoại Ngọc Hầu sau khi ông mất khiến cái nhìn của vua Minh Mạng ngày càng thiếu khách quan. Đặc biệt, sự tham gia nổi dậy chống đối triều đình của vợ chồng con gái nuôi, và vụ mưu phản của cháu họ là nguyên nhân làm cho các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức không màng xem xét tận tình sự oan ức hoặc ghi nhận đúng mực công lao của Thoại Ngọc Hầu.

Không riêng gì Thoại Ngọc Hầu, những ai dính dáng ít nhiều đến việc chống đối triều đình cũng bị đối xử như vậy, thậm chí có người còn thê thảm hơn. Âu đó cũng là sự nghiệt ngã của tấn trò đời dưới chế độ phong kiến nói chung!

Một an ủi cho Thoại Ngọc Hầu và gia tộc là vào tháng 2 năm Canh Thìn (1880), sau khi Đền Trung Nghĩa được xây dựng xong ở Kinh đô Huế, theo đề nghị của Bộ Lễ, vua Tự Đức chuẩn cho thờ thêm vào Đền 1.532 người, trong đó dãy bên tây, án thứ ba thờ 390 người có tên Tòng thất phẩm Nguyễn Văn Thoại.

Sự ghi nhận Thoại Ngọc Hầu là người trung nghĩa dưới triều Tự Đức chưa thể hiện hết những đóng góp lớn lao của ông với dân với nước, cũng chưa thể bù đắp nổi những tổn thương tinh thần mà linh hồn ông và các thế hệ con cháu phải gánh chịu; nhưng dẫu sao đó cũng là sự hồi tâm của triều đại vốn thường xuyên xảy ra những vụ hãm hại công thần, mở đường cho các vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn chuẩn y việc phong thần cho Thoại Ngọc Hầu.

Ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định truy phong Nguyễn Văn Thoại là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Đến 15 tháng 8 năm Quý Mùi (1943), vua Bảo Đại sắc phong Nguyễn Văn Thoại là Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần.

Đối với người dân các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, ngay khi còn sinh thời, Thoại Ngọc Hầu đã được xem là vị thần hộ mệnh cho dân chúng. Còn đối với đất nước, công lao của Thoại Ngọc Hầu luôn được sánh ngang những bậc anh hùng đã dày công khai phá và bảo vệ bờ cõi của quốc gia.

nguồn : tuanvietnam



Không có nhận xét nào: