Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Đọc báo VnExpress.

Có thể xuất hiện một Hy Lạp thứ hai tại châu Á

Gói kích thích khổng lồ 4.000 tỷ nhân dân tệ đưa ra năm 2008 có thể là con dao 2 lưỡi đẩy Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng lần thứ hai, thậm chí trở thành một Hy Lạp thứ hai.

Hàng loạt phát biểu gần đây của các quan chức Chính phủ Trung Quốc ẩn chứa thông điệp họ có thể sớm xiết chặt trở lại hoạt động cho vay đảm bảo của chính quyền địa phương, vốn đã kéo dài trong gần hai năm qua kể từ khi kinh tế toàn cầu sa vào vũng lầy suy thoái sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers ở phố Wall.

Sau khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào tháng 9/2008, kinh tế thế giới xảy ra hàng loạt biến cố mà trước tiên là cuộc khủng hoảng tín dụng bắt nguồn từ Mỹ lan rộng toàn cầu, làm ngưng trệ mọi hoạt động mậu dịch giữa các khu vực. Sự kiện này đặt kinh tế châu Á vào thế hiểm bởi tăng trưởng nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Hành động cấp thiết lúc bấy giờ của các quốc gia không riêng châu Á là giải pháp hỗ trợ tăng trưởng thông qua mở rộng chính sách kinh tế, giảm lãi suất và tăng cung tiền vào hệ thống ngân hàng nhằm kích thích tiêu dùng và đảm bảo thanh khoản. Ngoài Mỹ, Trung Quốc từng gây tiếng vang trên thị trường tài chính thế giới với gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD).

Nhờ vào gói kích thích khổng lồ mà Trung Quốc được ca ngợi là quốc gia thần kỳ vượt qua suy thoái, dẫn đầu phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên sau thời gian tăng trưởng vượt mục tiêu với GDP 2009 tăng tới 9%, các quan chức Trung Quốc bắt đầu tỏ ra quan ngại. Những tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc và hầu hết các nước châu Á liên tục leo thang.

Chinese President Hu Jintao (2nd L, front) and his wife  Liu Yongqing (1st L, front) visit the venue of the first modern Olympic  Games accompanied by Greek President Karolos Papoulias (2nd R, front)  and his wife in Athens, Greece, on Nov. 25, 2008. [Xinhua]
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng người đồng nhiệm Hy Lạp trong chuyến thăm Athens tháng 11/2008. Ảnh: Xinhua

Một số chuyên gia nhận định gói kích thích kinh tế năm 2008 có thể là con dao 2 lưỡi đẩy Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng lần thứ hai và biến quốc gia đông dân nhất thế giới này thành một Hy Lạp thứ hai của châu Á. The Economist và Forbes cùng nghiên cứu của Giáo sư Victor Shih từ trường Đại học Northwestern của Mỹ lý giải nguyên do mà Trung Quốc tăng trưởng thần tốc và huy động nguồn vốn khổng lồ hỗ trợ tăng trưởng.

Luật Ngân sách Trung Quốc nghiêm cấm chính quyền địa phương và trung ương vay mượn từ các nguồn tài chính bất hợp pháp và với mục đích vay không chính đáng. Tuy nhiên áp lực về các chính sách cải tạo cơ sở hạ tầng từ cấp quản lý, cùng với yêu cầu tận dụng triệt để vốn vay ngân hàng, nhưng thu vẫn không đủ chi đã buộc các quan chức chính quyền địa phương tự ý mở thêm 8.000 công ty đầu tư địa phương chuyên phát hành cổ phiếu, trái phiếu và vay mượn các khoản vay có cam kết hỗ trợ của chính phủ. Điều này đã đẩy mức tín dụng của Trung Quốc tăng hơn 95% trong năm 2009.

Giáo sư Shih ước tính các công ty đầu tư của chính quyền địa phương đã vay mượn tổng cộng 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,68 nghìn tỷ USD Mỹ) từ năm 2004 cho tới cuối năm ngoái. Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách khổng lồ, chiếm hơn 10% GDP trong năm nay.

Kinh tế khu vực châu Á được Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF đánh giá sẽ bật dậy sau suy thoái nhanh nhất so với các khu vực khác. Nhưng khủng hoảng nợ công Hy Lạp được phanh phui trong tháng đầu năm 2010 đã khiến nhiều quốc gia nhìn nhận thực trạng nền kinh tế một cách sâu sát hơn đằng sau những con số tăng trưởng đẹp mắt. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đạt lần lượt 9% và 6,4% trong năm nay.

Các quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc chưa kịp vui mừng sau nỗ lực vực dậy tăng trưởng kinh tế, nay phải tiếp tục giải quyết những vấn đề phát sinh từ các chương trình kích thích kinh tế trước đây. Nền kinh tế tăng trưởng trở lại cùng với rủi ro lạm phát bùng phát đã buộc họ sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng thành thắt chặt, ngay cả khi nền kinh tế mới phục hồi. Áp lực tăng lãi suất tại một số quốc gia trong khu vực và lạm phát đã khiến Ngân hàng Trung ương Malaysia thực hiện nâng lãi suất cơ bản lên mức 2,25% vào ngày 5/3.

Thông báo của Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) về việc giảm hạn mức tín dụng xuống còn 7,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2010, cùng với dấu hiệu ngừng các chương trình cho vay đảm bảo trong thời gian ngắn sắp tới có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động và hoạt động của hơn 8.000 công ty đầu tư thuộc chính quyền địa phương. Mục tiêu giải quyết thâm hụt ngân sách của Trung Quốc vì thế cũng có thể gian nan hơn.

Và đây : Hy Lạp - Người khổng lồ ngủ quên trên nợ

Gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Đáng buồn thay, đây lại là nguyên nhân khiến quốc gia này lâm vào cảnh "chúa chổm".

Dễ dàng hút vốn đầu tư nước ngoài, trong gần một thập kỷ qua, Chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ đôla. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nhưng điều này không xảy ra, nhà chức trách dường như "ngủ quên" trên núi tiền có được nhờ vay nợ. Nói đúng hơn, Chính phủ Hy Lạp chỉ biết chi tiêu (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) chứ hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ.

Một ví dụ dễ thấy nhất là công tác tổ chức Olympic 2004 - kỳ thế vận hội được hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử. Chi 12 tỷ euro (cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến) nhưng không cho phép bất cứ một biển hiệu quảng cáo nào được xuất hiện trên đường phố, Chính phủ Hy Lạp đã khiến ngân sách quốc gia năm 2004 thâm hụt tới 6,1% (so với GDP) trong khi giới hạn mà khối EU cho phép là 3%.

Không chỉ chi phí cho cơ sở hạ tầng, quỹ lương của khối dịch vụ công tại Hy Lạp đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, nguồn thu không được cải thiện sau hàng loạt biện pháp cắt giảm thuế để kích thích đầu tư.

Những bất ổn nội tại của kinh tế Hy Lạp thực sự biến thành cơn bạo bệnh khi cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 tràn qua quốc gia Nam Âu này. Cuối tháng 9/2009, chỉ vài tuần trước khi bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/10/2009, chính quyền của Thủ tướng Costas Karamanlis cho biết thâm hụt ngân sách năm 2009 của nước này ở mức 6-8% so với GDP.

Con số này nhanh chóng bị bác bỏ khi đảng Xã hội Hy Lạp lên nắm quyền. Ngày 20/10/2009, tân thủ tướng George Papandreou khẳng định thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2009 phải ở mức 12,5%, gấp hơn 4 lần giới hạn cho phép của một quốc gia sử dụng đồng euro. Mức thâm hụt này cùng với khoản nợ trị giá 300 tỷ euro đã thực sự cho thấy tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Nguy hiểm hơn, nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới này rất có thể chỉ là kíp nổ của toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ châu Âu.

So sánh thâm hụt ngân sách (thanh màu đỏ) và nợ (thanh màu vàng) của Hy Lạp với một số quốc gia châu Âu trong năm 2009. Nguồn: EC

Ngày 3/11/2009, Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 12,7% trong năm 2009 và 12,2% trong 2010. 2 ngày sau, chính phủ nước này công bố dự thảo ngân sách tài khóa 2010, trong đó nhấn mạnh tới việc thắt chặt chi tiêu và dừng các chương trình miễn thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 9,4%.

Cùng thời điểm này, nhiều dự báo được được đưa ra cho thấy nợ công của Hy Lạp có thể tăng từ mức 113,4% GDP năm 2009 lên 121-125% GDP trong năm 2010. Hàng loạt tổ chức quốc tế tuyên bố hạ định mức tín nhiệm của Hy Lạp trên thị trương tài chính. Ngày 7/12/2009, S&P cho Hy Lạp điểm tín nhiệm A- với triển vọng kém lạc quan. Một ngày sau đó, Fitch đánh tụt điểm số của nền kinh tế này từ A- xuống còn BBB+.

Trước những diễn biến xấu, ngày 14/12/2009, Thủ tướng Papandreou tuyên bố sẽ thẳng tay với nạn tham nhũng, thắt chặt chi tiêu hơn nữa, trong đó đánh thuế 90% lên các khoản thưởng của giới "cá mập" ngân hàng cũng như ra lệnh cấm toàn bộ việc thưởng tiền cho các quan chức điều hành trong khu vực công. 10 ngày sau, Quốc hội Hy Lạp thông qua dự thảo ngân sách và dự báo mức thâm hụt ngân sách của năm 2010 là 9,1%.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia trong khối sử dụng đồng tiền chung euro vẫn tỏ ra chưa thật hài lòng với kế hoạch nói trên vì cho rằng tình trạng ngân sách thâm thủng và bất ổn của Hy Lạp có thể ảnh hưởng tới toàn khối. Định mức tín nhiệm của nước này tiếp tục đi xuống trong mắt các tổ chức quốc tế. S&P tiếp tục hạ điểm của Hy Lạp xuống còn BBB- vào ngày 16/12. Trái phiếu Chính phủ Hy Lạp liên tục phải nâng lãi suất trên thị trường tài chính quốc tế.

Nguon: Thompson Reuters
Lãi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp từ tháng 9/2009 đến nay (đơn vị: %). Nguồn: Thomson Reuters

Bước sang năm 2010, Chính quyền của Thủ tướng Papandreou một lần nữa phải thay đổi kế hoạch vào ngày 14/1/2010 nhằm hạ mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2012 như yêu cầu của EU. Theo kế hoạch này, bội chi ngân sách trong năm 2010 của quốc gia nam Âu này sẽ phải ở mức 8,7%.

Song song với cắt giảm ngân sách dành cho y tế, quốc phòng, tăng thuế, ngày 2/2, lãnh đạo Hy Lạp tuyên bố một chính sách lương thưởng hà khắc đối với khối dịch vụ công. Mục tiêu của chính sách này là nhằm cắt giảm quỹ lương khoảng 4%.

Đến ngày 25/2, sau cuộc gặp với đại diện EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ xem xét một kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" mới. Kế hoạch này, cuối cùng đã được công bố vào ngày 3/3 với quy mô tương đương 4,8 tỷ euro, bao gồm cắt giảm quỹ hưu trí, lương thưởng tại khu vực công, ban hành một số sắc thuế mới đối với các các sản phẩm nhập khẩu như thuốc lá, rượu, xăng dầu và các mặt hàng xa xỉ.

Bằng việc thực hiện những động thái mạnh tay với nền kinh tế, Chính phủ Hy Lạp hy vọng có thể giúp giảm tỷ lệ bội chi ngân sách cũng như tiếp cận được những khoản hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cầu chuyện về những khó khăn của kinh tế nước này chắc chắn không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều trong khi đời sống xã hội Hy Lạp đang bắt đầu phải chịu đựng bất ổn từ những cuộc biểu tình, đình công… để phản đối các chính sách hà khắc của Chính phủ.

nguồn : VnExpress



Không có nhận xét nào: