Đất nước Thái Lan thời kỳ hậu Bhumipol rồi sẽ ra sao ? Ngay cả những người bảo hoàng nhất cũng phân vân. Một hệ thống dựa vào một vị vua được tôn sùng như thần thánh, bao quanh là một ban cố vấn gồm các tướng lãnh trung thành ; và một quân đội vốn có quyền kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến chính phủ trước khi tuân lệnh chính quyền, có vẻ không còn phù hợp với nhu cầu dân chủ của người dân Thái.
Bài phân tích của đặc phái viên báo Le Monde tại Bangkok hôm nay nhận định : Cuộc khủng hoảng do phe Áo Đỏ gây ra đã làm nên một bước ngoặt tại vương quốc này. Đây là bước ngoặt cho một chu kỳ chính trị bắt đầu từ năm 2006 với cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin Shinawatra - thủ tướng duy nhất tại vị đến hết nhiệm kỳ và tái đắc cử. Chu kỳ này sẽ kết thúc khi vua Bhumipol Adulyadej băng hà - vị vua 82 tuổi đã ở ngôi suốt 64 năm qua, lâu đời nhất trong số các vương triều trên thế giới hiện nay.
Gọi là một bước ngoặt, là vì những người Áo Đỏ đã làm cho người Thái Lan thấy rõ sự phân cực của xã hội, giữa người giàu kẻ nghèo ; giữa giới thượng lưu bảo thủ, bảo hoàng, giàu có, và giới nông dân nạn nhân của công nghiệp hóa và nhập cư. Bên cạnh đó, một lớp người mới nổi lên trong những năm ông Thaksin cầm quyền, cũng không chấp nhận lớp lãnh đạo cũ. Những vết rạn nứt sâu rộng khó hàn gắn này, mà người Thái Lan đã ý thức được, làm cho họ sợ hãi.
Theo Le Monde, có hai cách nhìn nhận cuộc khủng hoảng. Cách thứ nhất : Ông Thaksin, thủ tướng được lòng dân nhất từ trước đến nay tuy độc tài và tham nhũng, đã bị lật đổ một cách bất công, và hai chính phủ thân Thaksin sau đó liên tiếp bị phe Áo Vàng lật đổ. Như vậy chính phủ của ông Abhisit Vejjajiva hiện nay là bất hợp pháp, tồn tại là nhờ các mánh khóe của hoàng gia và ý muốn của quân đội. Còn với cách nhìn thứ hai, cựu thủ tướng Thaksin hiện lưu vong, đang gầy dựng và tài trợ cho các nhóm vũ trang nguy hiểm, và những người dân quê ít hiểu biết lên chiếm đóng khu vực trung tâm thủ đô, gây bất ổn kinh tế cho một đất nước chỉ muốn hòa bình và dân chủ.
Nhưng theo Le Monde, động lực sâu xa của cuộc khủng hoảng là sự tiến triển của một xã hội quá bất bình đẳng, đang ở vào hồi kết của một vương triều, khiến người ta lo ngại tình hình sẽ trở nên đen tối hơn.
Tờ báo nhận định, không phải là ngẫu nhiên mà chính quyền Thái Lan đã tỏ ra ôn hòa trước phe phản kháng. Họ biết rằng phe chống chính phủ có được sự ủng hộ không chỉ của người nghèo, mà còn của nhiều người thuộc giới công chức, quân nhân, cảnh sát, trí thức và doanh nhân. Nguyện vọng về dân chủ và giảm bớt hố ngăn cách giàu nghèo không chỉ có ở những người Áo Đỏ.
Thủ tướng Abhisit đã cẩn thận ẩn mình trong một doanh trại quân đội trong thời gian khủng hoảng, nhưng liệu ông có sự chọn lựa nào khác ? Liệu quân đội và cảnh sát có tuân theo nếu ông ra lệnh đàn áp ? Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Anupong Paojinda đã kêu gọi một thỏa ước chính trị, và cho biết sẽ không sử dụng vũ lực.
Quốc vương Bhumipol thì vẫn giữ im lặng, trong khi năm 1992 các bên đã phải cúi mình xin tạ tội. Nhưng liệu bây giờ các phe phái có còn vâng lời ông như trước hay không ? Đây là một chủ đề cấm kỵ, nhưng nhiều người đang nghi ngờ quyền lực của nhà vua.
Thái Lan « hậu Bhumipol » sẽ ra sao ?
Cũng theo Le Monde, cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ là do các yêu cầu về mặt chính trị và xã hội, nhưng còn cho thấy thời kỳ hoàng kim của vương triều Thái đã đến hồi kết cuộc. Thái tử Maha Vajiralongkorn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi kế vị vua cha đã trị vì hơn sáu thế kỷ qua, được tôn sùng như Thượng đế. Nhưng câu hỏi lớn nhất là : « Đất nước Thái Lan thời kỳ hậu Bhumipol rồi sẽ ra sao ? ». Ngay cả những người bảo hoàng nhất cũng phân vân. Một hệ thống dựa vào một vị vua được tôn sùng như thần thánh, xung quanh là một ban cố vấn gồm các tướng lãnh trung thành ; và một quân đội vốn có quyền kiểm soát hay gây ảnh hưởng đến chính phủ trước khi tuân lệnh chính quyền, có vẻ không còn phù hợp với nhu cầu dân chủ của người dân Thái. Người ta cũng bắt đầu chỉ trích việc hoàng gia Thái là một trong những hoàng tộc giàu có nhất thế giới trong khi dân nghèo bị quên lãng.
Le Monde cho rằng ông Thaksin bị lật đổ không chỉ vì ông ta tham nhũng, hay vì làm mất lòng nhà vua và quân đội ; nhưng do ông đã phần nào làm lu mờ vai trò của vương triều. Câu khẩu hiệu « Thaksin, tổng thống » mà những người Áo Đỏ dè dặt nói ra, nay không còn là hiếm hoi. Điều này không có nghĩa là nhân dân muốn thay chế độ quân chủ lập hiến bằng chế độ cộng hòa, nhưng đây là khát vọng đổi mới.
Bước ngoặt là đây, trong tự do ngôn luận : tất cả những chủ đề nhạy cảm nay đã được nêu ra, từ sự ngạo mạn của lớp người ăn trên ngồi trước, tham nhũng, vai trò của ban cố vấn quốc vương và quân đội…Một kỷ nguyên hậu Bhumipol đã bắt đầu. Trong một xã hội mà người dân được dạy dỗ phải vâng lệnh và mỉm cười, những chủ đề cấm kỵ đã bắt đầu được cởi trói. Chiếc van tâm lý đã được mở và không thể khóa lại được, tạo nên đồng thời nỗi sợ hãi và niềm hân hoan về một tương lai bất định.
Châu Âu cần cải tổ cơ cấu, sau bài học Hy Lạp
Liên quan đến Hy Lạp, báo chí Pháp hôm nay đã bày tỏ nỗi lo sợ cuộc khủng hoảng sẽ lây lan sang các nước châu Âu khác, vốn cũng đang nợ nần tuy có ít hơn. Nhật báo Libération cánh tả lo lắng : « Tất cả các yếu tố cho một cuộc hỗn loạn ở châu Âu đều hội đủ ». Tuy không muốn tin rằng khủng hoảng sẽ lây sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhưng tờ báo cũng nghi ngờ về những dự báo lạc quan của chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng euro. Libération kết luận : « Do quá chần chờ trong việc cứu vớt Hy Lạp, nay châu Âu phải đối mặt với một tai họa mà mình không còn chế ngự được nữa ».
« Nguy cơ đang lớn dần : một sự sụp đổ như những con cờ domino có thể xảy ra với khu vực đồng euro », Le Monde nhận định. Tờ báo cho rằng cần có những cải cách về cơ cấu trong Liên hiệp châu Âu. Trong tất cả các khu vực tiền tệ chung, đều có một ngân hàng trung ương và một bộ phụ trách vấn đề cân bằng ngân sách. Nhưng châu Âu chỉ có mỗi ngân hàng trung ương, và một « thỏa ước ổn định » mà không nước nào tôn trọng cả. Cần có một cơ chế cho việc hài hòa ngân sách, nguồn thuế, thể thức hỗ trợ cho các thành viên gặp khó khăn…Đây là sự khởi đầu cho việc hội nhập một « liên bang » để tránh việc các thành viên rút lui khỏi liên hiệp.
Tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng kêu gọi cải cách, thành lập một chính phủ kinh tế châu Âu thực sự. Theo Le Figaro, « nếu thị trường tấn công vào đồng euro, thì đó chính là do châu Âu đã không có khả năng tổ chức », và nhấn mạnh, tạo dựng lại lòng tin vào châu Âu đang là yêu cầu khẩn thiết. Tờ báo cũng tỏ ý tiếc là cuối cùng đúng vào lúc châu Âu chịu bắt tay vào cứu Hy Lạp thì những sự cố đáng tiếc đã xảy ra. Sự chậm chạp của các nước và các định chế châu Âu chỉ khuyến khích nạn đầu cơ, làm tăng nguy cơ lây lan khủng hoảng, và hậu quả là cái giá phải trả tăng lên. Nhật báo công giáo La Croix cho rằng « đồng euro đã trở thành gót chân Achilles của châu Âu », và « cần thiết có một châu Âu vững mạnh, để ứng phó với quyền năng và sự biến hóa của các thị trường ». Còn tờ báo cộng sản L'Humanité thì gay gắt lên án những kẻ cơ hội làm giàu qua cuộc khủng hoảng này, và kêu gọi chiến đấu chống lại một « châu Âu tư bản ».
Một hồ sơ chuyển giao công nghệ hạt nhân nhạy cảm đang đè nặng quan hệ Pháp – Trung
Nhật báo Le Monde cho biết, đó là việc Pháp dự định bán cho Trung Quốc một nhà máy tái xử lý nhiên liệu nguyên tử. Kỹ thuật này nhằm chiết xuất chất plutonium từ chất thải của các nhà máy điện nguyên tử, có thể sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự - hoặc sản xuất ra nhiên liệu mới, hoặc làm vật liệu hạt nhân phân rã dùng cho vũ khí nguyên tử.
Tờ báo nhận định, trong bối cảnh thế giới đang bàn về việc cắt giảm và minh bạch hóa kho vũ khí nguyên tử, và một dự án cấm sản xuất vật liệu hạt nhân phân rã, hồ sơ này có thể đặt nước Pháp vào thế khó xử. Trong khi đó Bắc Kinh luôn giữ bí mật về kho vũ khí hạt nhân vốn đang liên tục tăng lên của mình, mập mờ về ranh giới giữa mục đích dân sự và quân sự, và từ nhiều năm qua vẫn cố gắng tìm mua các kỹ thuật tân tiến nhất của các nước. Việc leo thang quân sự của Trung Quốc luôn làm Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương e ngại.
Le Monde cho biết thêm, những người ủng hộ kế hoạch trên cho rằng việc bán nhà máy đã nêu không ảnh hưởng gì, vì Bắc Kinh đã là một cường quốc nguyên tử quân sự, và đã nắm vững kỹ thuật tái xử lý ; hơn nữa luật quốc tế cũng không cấm. Nhưng phe chỉ trích nhấn mạnh, điều này sẽ giúp cho Trung Quốc làm một bước nhảy vọt khổng lồ về kỹ thuật, và tăng tốc sản xuất vật liệu hạt nhân phân rã.
Cũng chính vì thế mà Pháp đã đặt ra ba điều kiện, nhằm ngăn trở việc sử dụng kỹ thuật trên đây vào mục đích quân sự. Trước hết là phải dời địa điểm mà Bắc Kinh đã chọn để xây dựng nhà máy sang nơi khác, không để gần các thiết trí quân sự. Một cơ chế kiểm tra sẽ do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thực hiện, và tiến trình xử lý phải khép kín để tránh việc rút bớt chất plutonium cho mục đích khác.
Các điều kiện trên đây, ngay hôm trước khi tổng thống Sarkozy lên đường đi thăm Trung Quốc, vẫn luôn bị Bắc Kinh bác bỏ. Còn kết quả thương lượng sau đó thì như thế nào ? Cả Điện Elysée lẫn bộ Ngoại giao đều từ chối đưa ra lời bình luận về hồ sơ này, nhưng Le Monde nói thêm rằng, ông Sarkozy đang cần đến sự ủng hộ của ông Hồ Cẩm Đào trong các hội nghị G8 và G20 vào năm tới, mà nước Pháp sẽ là chủ tịch.
nguồn : rfi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét