Phải ngược dòng thời gian 4 năm về trước, vào tháng 4 năm 2006 mới thấy trị giá đồng tiền chung châu Âu rơi xuống mức thấp như thế. Hôm nay, một euro đổi 1,23 đôla và cũng thụt lùi so với đồng Yen. Kế hoạch 750 tỷ euro hỗ trợ các thành viên gặp khó khăn không làm an tâm giới đầu tư.
Từ Tokyo, Bombay, Hongkong, Đài Bắc cho đến Thượng Hải và Sydney, sàn giao dịch trượt giá từ trên 2% đến gần 4%. Tình trạng hưng phấn trôi nhanh như cơn gió thoảng. Mặc dù quy mô của kế hoạch cứu trợ các nền kinh tế châu Âu lên đến 750 tỷ euro không kể 110 tỷ tung ra trước đó để hỗ trợ Hy Lạp bị vỡ nợ, tâm lý hoài nghi xuất hiện trở lại một tuần sau đó. Euro tiếp tục rơi kéo theo thị trường chứng khoáng Á châu.
Vùng đồng tiền chung châu Âu trực diện với một tình thế mâu thuẫn : đầu tiên, khủng hoảng nợ của các nước nam Âu làm thị trường lo ngại. Kể từ nay, chính những biện pháp ban hành để giảm nợ lại gây ra tâm lý mất tin tưởng.
Các liều thuốc đắng giảm chi ngân sách ở những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có thể đe dọa sinh hoạt kinh tế trong vùng euro mà tỷ lệ tăng trưởng rất thấp so với Hoa Kỳ và nhất là châu Á. Một mặt , giới đầu tư mong đợi những biện pháp tài chính nghiêm nhặt nhưng mặt khác họ lại sợ kinh tế tăng trưởng thấp.
Do vậy, Liên Hiệp Châu Âu phải nhanh chóng tìm biện pháp trấn an thị trường. Cuộc họp của bộ trưởng tài chính vào chiều nay và ngày mai tại Bruxelles phải tìm cho ra giải pháp ngăn chận euro sụt giá và phối hợp chính sách tài chính trong khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra bi quan. Chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Jean-Claude Trichet cho rằng thị trường tài chính đang ở trong tình trạng mà ông gọi là « khó khăn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai ». Đã vậy, từ bên kia bờ Đại Tây Dương, cố vấn kinh tế của Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Paul Volcker đưa ra một lời tuyên bố không ích lợi gì cho euro. Nhân vật này tiên đoán vùng đổng tiền chung châu Âu có thể bị « tan vỡ ».
Euro chật vật, đôla thuận lợi
Thêm vào đó là các thông tin bất lợi khác, tuy đã được cải chính, góp phần tạo thêm tâm lý lo ngại. Báo chí Tây Ban Nha thuật lại là Tổng Thống Pháp đã dọa rút khỏi vùng euro để bắt chẹt Thủ Tướng Đức phải chấp nhận kế hoạch cứu Hy Lạp vỡ nợ. Trong bối cảnh này , giới lãnh đạo châu Âu sẽ khó mà thuyết phục được thị trường tài chính dù có ban hành biện pháp gì liên quan đến đồng euro.
Chuyên gia tài chính Nhật Bản Daisuke Karakama của ngân hàng Mizuho cho rằng « thị trường không tín nhiệm euro ». Theo ông, con số 750 tỷ euro chỉ là « tủ kính » trưng bày, vì hơn phân nửa số tiền này còn chờ Quốc hội các nước chấp thuận. Một chuyên gia khác của Nhật, Hideaki Inoue, thuộc ngân hàng Mitsubishi, nhận định là chính sách "thắt lưng buộc bụng" tại châu Âu sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho sinh hoạt kinh tế.
Vào lúc các nước châu Âu chật vật đối phó với thâm thủng ngân sách, thì đây lại là thời điểm thuận lợi cho Hoa Kỳ. Đối với các nhà đầu tư thì xét về mặt an toàn, đổ tiền mua cổ phần tại Mỹ có lợi hơn. Đồng euro mất giá là một dấu hiệu cho thấy « thế vững chắc » của đôla Mỹ. Theo Reuters, trích dẫn các chuyên gia Mỹ thì giữa những món nợ của các nước vùng euro, sự mất giá của đồng tiền chung và bên kia là thành quả tốt của ngành công nghiệp Hoa Kỳ, lợi nhuận tăng 30% trong vòng 9 tháng, chính sách giữ lãi suất thấp của Ngân hàng Liên bang Mỹ, giới đầu tư trên thế giới chắc chắn sẽ khó mà không tập trung vào thị trường Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét