Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Đọc thử bài này! (... cõi hồng trần, ai dại, ai khôn...)


- "Các giáo dân Công giáo cần chứng tỏ - qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích - rằng một tín hữu Công giáo tốt cũng là một công dân tốt", Giáo hoàng Benedict XVI nói trong cuộc tiếp kiến mới đây với 29 giám mục Việt Nam, tại Vatican.

Trong huấn từ gửi các Giám mục, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Giáo tỉnh Huế Nguyễn Như Thể, tân Giám mục Buôn Ma Thuột Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng Châu Ngọc Tri..., Giáo hoàng Benedict khuyến khích sự quan tâm đến các linh mục: "Để là những người hướng dẫn đích thực và phù hợp với con tim của Thiên Chúa cũng như giáo huấn của Giáo hội, các linh mục phải hướng đến sự thánh thiện..."

Nhắc đến vai trò của giáo dân, Giáo hoàng kêu gọi các giám mục Việt Nam tăng cường giảng cho các giáo hữu hiểu rõ và đến lượt họ "dạy con cái sống hợp với lương tâm ngay chính, trong sự trung thành và sự thật, trở thành một tổ ấm các giá trị và các đức tính nhân bản... Các giáo dân Công giáo cần chứng tỏ - qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích - rằng một tín hữu Công giáo tốt cũng là một công dân tốt".

Mô tả ảnh.
Tập hát thánh ca ở nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giáo hoàng Benedict cũng nhấn mạnh sự đóng góp tích cực của Giáo hội vào sự phát triển đất nước: "Sự tham gia của Giáo hội vào tiến trình này là một nghĩa vụ... Giáo hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân".

Huấn từ của Giáo hoàng không gợn chút mâu thuẫn nào với chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, đó là tôn trọng tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo khác nhau, dù là Công giáo, Phật giáo hay Tin lành.

Đáng tiếc là, thời gian gần đây, ở một vài giáo xứ đã xảy ra những việc không đúng với tinh thần huấn từ của Giáo hoàng và của chính Hội đồng Giám mục VN trong Thư chung công bố năm 1980 nhấn mạnh về "Giáo hội của Chúa Kito giữa lòng dân tộc".

Sự việc Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, Giáo xứ Tam Tòa ở Quảng Bình được các linh mục khác nhau liên tục trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 này, trong các bài giảng của mình, gọi là những vụ "đàn áp bất công", với nguyên do được cho là chính quyền "cướp đất" nơi tôn thờ của các giáo xứ, giáo phận. Một số linh mục này yêu cầu chính quyền "tôn trọng pháp luật", "tôn trọng tự do tôn giáo bằng cách trả lại quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp" nhà thờ và phần đất thuộc khuôn viên nhà thờ cho giáo dân.

Suy ngẫm về huấn từ của Đức Giáo hoàng và từ chính yêu cầu "tôn trọng pháp luật, tôn trọng tự do tôn giáo" mà một vài linh mục đã giảng cho giáo dân Tam Tòa, Thái Hà v.v... thì sẽ khách quan hơn: Việt Nam có chủ trương rất rõ ràng về đất đai các cơ sở tôn giáo. Như lời phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cuối tháng 7 vừa qua, sẽ tập trung giải quyết các khiếu kiện liên quan đến đất đai cơ sở tôn giáo "trên cơ sở chính sách pháp luật hiện hành".

Cụ thể hơn, Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá tình hình đất đai liên quan đến tôn giáo, "có quy hoạch tổng thể về sử dụng đất, có cơ chế giải quyết đất đai, xây dựng nơi thờ tự của các tôn giáo theo nhu cầu hợp pháp, chính đáng, phù hợp với thực tế của địa phương; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật".

Trước đó, trong một chỉ thị ban hành hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ cùng địa phương rà soát quy hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng đất và giải quyết kịp thời những vấn đề nhà, đất liên quan đến tôn giáo.

Khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là "nhu cầu tinh thần của nhân dân", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Đảng và Nhà nước "bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và các nhu cầu chính đáng về nhà, đất" để phục vụ mục đích tôn giáo của tổ chức, tín đồ tôn giáo.

Theo chỉ thị này của Thủ tướng, đối với nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng theo các quy định ban hành trước ngày 1/7/1991 thì thực hiện theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội.

Nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ.

Trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả thì thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; nếu cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp, có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp. Hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định của pháp luật.

"Những hành vi lợi dụng việc giải quyết nhà, đất liên quan đến tôn giáo gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật
".

Pháp luật là tối thượng. Ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định nếu cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố có nhu cầu sử dụng đất đai chính đáng, thành phố sẽ xem xét, trong trường hợp nhu cầu đó phù hợp với quy hoạch thì thành phố sẽ giải quyết.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Giáo hoàng Benedict XVI đã nhấn mạnh với các giám mục cần quan tâm đến các linh mục, những người "phải hướng đến sự thánh thiện" để có thể giảng đạo và hướng giáo dân trong giáo xứ của mình theo tinh thần của Đức Giáo hoàng: "Một tín hữu Công giáo tốt cũng là một công dân tốt".

Giáo hoàng cũng nói với các giám mục Việt Nam: "Giáo hội góp phần vào sự phát triển con người về mặt nhân bản và tinh thần, nhưng cũng góp phần vào sự phát triển đất nước nữa".

Không có nhận xét nào: