Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Viết ngắn (tt)- Bù cho những ngày không viết.


Chốn tao nhã, chẳng khôn, chẳng dại.
Cõi hồng trần, ai dại, ai khôn ?


Đọc được gì từ tiểu sử của ông Kim-Dae-Jung, giải thưởng No-ben hòa bình 2000, cựu Tổng Thống Hàn Quốc, vừa mới từ trần :

Ông Kim Dae-jung, cựu tổng thống Hàn Quốc, giâi Nobel Hoà bình năm 2000 qua đời ngày 18/8 ở tuổi 84. Báo Le Monde hôm nay đã nhắc lại cuộc đời đấu tranh chính trị của một nhân vật được sánh với cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Ông Kim Dae-jung vừa là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho dân chủ của Hàn Quốc vừa là người mở ra con đường hoà giải dân tộc với cuộc gặp lịch sử năm 2000 giữa lãnh đạo hai miền Nam Bắc. Tháng 10 năm ấy, ông được trao tặng giải Nobel Hoà bình nhờ chính sách Vầng Thái dương.

Trang báo của Le Monde không chỉ nói những hào quang trong sự nghiệp của cựu tổng thống Kim Dae-jung mà còn kể về những mãng tối trong cuộc đời nhiều thăng trầm của một trong những nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử Triều Tiên cuối thế kỷ 20.

Con đường đấu tranh chính trị nhiều gian nan

Xuất thân trong một gia đình nông dân miền tây nam bán đảo Triều Tiên, ông Kim Dae-jung theo học ngành thương mại và trở thành doanh nhân. Tham gia hoạt động chính trị, ông đắc cử dân biểu năm 1961 và 10 năm sau là ứng cử viên tổng thống đối lập với tướng Park Chung-Hee.

Mặc dù thất cử, nhưng ông Kim Dae-jung vẫn bị chế độ cầm quyền liệt vào thành phần nguy hiểm. Tháng 8 năm 1973 ông bị bắt cóc tại một khách sạn tại Tokyo, mang lên một chiếc tàu để sát hại và dìm xuống biển. Nhờ sự can thiệp của Washington ông thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Sau vụ này, tổng thống Park-Chung Hee bị ám sát chết vào tháng 10 năm 1979.

Ông Kim Dae-jung trở lại sân khấu chính trị nhưng không quan hệ với đảng chính trị mà ông từng tham gia, đang đặt dưới quyền lãnh đạo của ông Kim Young-sam. Bị kết án tử hình về tội phản loạn năm 1980, ông Kim Dae-jung sau đó được giảm án và phải sống lưu vong tại Hoa Kỳ cho tới năm 1985. Sau khi trở về nước, ông bị quản thúc cho tới khi chế độ độc tài Chun Doo-whan bắt đầu đi vào con đường dân chủ hoá do áp lực đường phố trước ngày Seoul tổ chức Thế vận hội mùa hè 1988.

Lại thêm hai lần ra tranh cử tổng thống và hai lần thất bại vào năm 1987 và 1992, ông Kim Dae-jung giã từ chính trường, chọn con đường dạy học và du lịch các nước Âu Mỹ. Khi ông đắc cử tổng thống cuối năm 1997, Hàn Quốc đang đứng bên bờ phá sản, phải xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI giúp đỡ.

Trong tình hình đen tối này của đất nước, ông Kim Dae-jung đã chứng tỏ được khả năng lãnh đạo. Sau một năm suy sụp, kinh tế Hàn Quốc đã trỗi dậy và lúc này nhà lãnh đạo Kim Dae-jung có thời gian thực hiện chính sách ôm ấp lâu nay, là hoà giải với miền bắc. Chính sách Vầng Thái dương đã mở đường cho hai miền nam bắc tiến tới gần nhau trong 8 năm bất chấp chính sách cứng rắn lúc đó của Washington đối với Bình Nhưỡng.

Đoạn cuối cuộc đời u tối

Những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống đối với ông Kim Dae-jung có lẽ là đoạn đường xuống dốc thê thảm hơn cả trong cuộc đời hoạt động chính trị.

Hai người con trai bị bắt giam về tội hối mại quyèn thế đã bôi xấu hình ảnh thanh liêm chính trực của người cha và công luận Hàn Quốc không quên lời cam kết đấu tranh chống tham nhũng của ông Kim Dae-jung.

Công trình hoà giải dân tộc của ông cũng gặp trở ngại khi một phần công luận Hàn Quốc đã tán đồng những lời chỉ trích từ phiá đối lập, cho rằng chính sách Vầng Thái dương đã không mang lại kết quả đối xứng từ phía Bắc Triều Tiên.

Lại thêm câu chuyện những khoản tiền bí mật được chuyển cho Bình Nhưỡng trước ngày gặp gỡ liên Triều cấp cao năm 2000 bị vỡ lở, những cộng sự viên thân tín bị bắt, càng bôi đen thêm hình ảnh của tổng thống Kim Dae-jung.

Ngày rời khỏi chính trường Hàn Quốc, tổng thống Kim Dae-jung là một người cay đắng, bị suy yếu cả về thể lực lẫn uy thế chính trị. Chỉ vài tuần trước khi vĩnh biệt cõi đời, nhân kỷ niệm 9 năm tuyên bố bắc nam ông mới lên tiếng kêu gọi hoà giải giữa hai miền sau khi đã chỉ trích chính sách cứng rắn của chế độ Lee Myung-bak.

Rồi đây khi thời gian đã làm lắng đọng hết mọi lời chỉ trích cay nghiệt cuối đời tổng thống Kim Dae-jung, ông sẽ được mọi người nhắc đến như một nhân vật lừng lẫy trong lịch sử Triều Tiên cuối thế kỷ 20.

* (đọc báo)

Không có nhận xét nào: