Thứ Bảy, 29/08/2009, 15:25 (GMT+7)
Vị đắng của đặc sản
TTO - Biết lắc đầu từ chối những món ngon có được từ sự hủy hoại môi trường là bản lĩnh của văn hóa tiêu dùng. Cái lắc đầu xuất phát từ vị đắng hủy hoại của những món đặc sản...
..................................................
Một tờ báo thản nhiên đăng một bài trên trang du lịch: người dân nô nức đi bán măng rừng. Nơi lấy măng là một huyện vùng cao của Quảng Nam. Bài báo nho nhỏ, được hỗ trợ bằng mấy tấm ảnh rõ rành: măng chất đầy gùi, xếp thành đống và nhiều người hớn hở cõng về xuôi. Cuối bài báo có ghi chú rằng việc hái măng đem lại thu nhập ổn định cho người dân tại chỗ. Chỉ vậy thôi.
Cảnh bán mua măng trúc trên đường lên Yên Tử (Quảng Ninh) - Ảnh: TTO |
Chuyện khác, năm nào cũng lũ. Năm sau lũ to hơn, dữ hơn năm trước. Lũ quét bay cả mấy bản làng, cả nửa xã. Rồi người chết, mất nhà, rồi cả xã hội ùn ùn cứu trợ. Chắc trong số người mua măng cũng có người mủi lòng lá lành đùm lá rách. Nhưng măng thì họ vẫn mua, vẫn ăn hoặc biếu. Mấy ngọn măng thì liên quan gì đến bão lũ? Và mình không mua thì người khác cũng mua, chứ đâu phải là măng ế? Tức là mình không xông vào mua thì vẫn có bão có lũ, và dại là mất phần thôi chứ ích lợi gì?
Nghĩ thêm một chút thôi, đến trẻ nhỏ cũng biết ăn măng là phá rừng. Ăn măng thì không có tre. Không có tre thì không cản được lũ. Không có cây giữ đất thì sạt lở, chết người, mất nhà, tang thương. Người phá rừng bằng dao được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những người phá rừng bằng răng. "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt", câu ấy thì nhiều người thuộc.
Mà đâu chỉ có măng. Có những món dễ kiếm hơn măng. Chắc nhiều người biết và thích món cá ròng ròng kho tiêu. Ròng ròng là cá lóc (cá quả) sơ sinh, bé bằng đầu chiếc đũa. Người xúc cá lừa lúc cá mẹ dẫn con đi gần bờ, xúc gọn cả ổ. Những con cá bé xíu xiu ấy chẳng bao giờ được lớn khi đã bị kho tiêu để phục vụ cho miếng ngon lạ miệng của người thành thị.
Bắt cá ròng ròng được thì cá rô con (còn gọi là cá rô bí) cũng không thể thoát. Cá bé tí, người ta vẫn bắt, ra chợ bán cả mớ. Người mua sẵn sàng làm món cá rô bí chiên giòn để nhai rau ráu, để ngẫm ngợi về vật đổi sao dời, đến cá rô bí mà cũng hiếm dần để bây giờ sắp trở thành đặc sản.
Ở nhiều vùng, bây giờ dân đánh cá không dùng lưới nữa. Ghe cào trang bị ắc-qui điện thế mạnh, càn quét sông nước. Cây "xuyệc" kéo qua, cá tôm rùa rắn gì cũng phềnh bụng nộp mạng. Cứ vậy, mùa này qua mùa khác, sông nước bị tận diệt. Từ rừng xuống đến sông, cái gì ăn được là đều bị chặt bị quét để bán kiếm tiền. Mà đã vậy, chim trời cũng không thể thoát. Những cò vạc thân thuộc với đồng quê nay cũng trở thành món ăn đặc sản chim trong nhà hàng, quán xá.
Biết từ chối những món ngon có được từ hủy hoại môi trường cũng là bản lĩnh của văn hóa tiêu dùng. Sự từ chối ấy muốn thành một nếp nghĩ thì phải có đồng thuận của đám đông, của cộng đồng xã hội. Thói quen có được không phải bằng những kêu gọi to tát, mà bằng cái lắc đầu khi đi chợ hay chọn món khi đi ăn nhà hàng. Cái lắc đầu xuất phát từ vị đắng hủy hoại của những món đặc sản.
VŨ THƯỢNG
1 nhận xét:
Bài này hay lắm, anh. Tớ cũng đã từng góp ý và không nhận mớ ròng ròng (cá lóc con) của một đứa nó biếu. Ăn hủy diệt quá. Tớ mượn một ý để treo blast.
Đăng nhận xét