Cầu Cần Thơ, công trình trọng điểm cấp quốc gia, được khởi công ngày 25/9/2004 và sẽ chính thức thông xe vào ngày mai. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đại diện chủ đầu tư dự án cầu Cần Thơ, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong lễ thông xe như từng xảy ra với cầu Mỹ Thuận, chỉ những người có giấy mời, có thẻ đeo mới được lên cầu dự lễ khánh thành.
Đúng 9h sáng mai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ. Ảnh: TTXVN |
Dự kiến, lúc 16h cùng ngày, Bộ GTVT sẽ tổ chức nghi thức chuyến phà cuối cùng vượt sông Hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ ngành sẽ đi chuyến phà này và ngược về hướng cầu Cần Thơ.
Trong thời gian đầu, việc qua cầu được miễn phí hoàn toàn và thời điểm bán vé cũng như giá vé qua cầu sẽ được Bộ GTVT ấn định vào thời điểm thích hợp. Sau khi thông cầu, phà Cần Thơ vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có quyết định chấm dứt của Bộ GTVT.
Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tin rằng cầu Cần Thơ thông xe sẽ làm thay đổi vận hội thu hút đầu tư về thành phố và các tỉnh Tây sông Hậu, tiếp tục đánh thức, vực dậy tiềm năng về kinh tế của vựa lúa, vựa cá và trái cây lớn nhất nước. Đồng thời, giao thông thuận lợi, hàng hóa trao đổi nhanh chóng, sẽ đảm bảo tăng trưởng GDP cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long là ba địa phương được hưởng lợi trực tiếp.
Cầu Cần Thơ đã trải qua 2.000 ngày xây dựng, có công lao đóng góp của hàng ngàn công nhân, kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước thuộc liên danh ba nhà thầu Nhật Bản Taisei+Kajima+Nippon Steel (TKN) và 20 nhà thầu phụ trong và ngoài nước. Toàn tuyến cầu dài 15,85km, chiều rộng 23,1m với bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m cùng hai làn dành cho người đi bộ. Điểm khởi đầu cầu tại km 2061 trên Quốc lộ 1, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối cầu tại km 2077 Quốc lộ 1, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, với tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (thời điểm năm 2001 là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Ông Masayyuki Karasawa - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho rằng quy mô cầu Cần Thơ có thể tương đương một trong năm cầu lớn nhất Nhật Bản và là một trong 10 cây cầu lớn nhất thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét