Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Con-ong.net.vn chạy 'tít' hay phết !!!


Hà Nội cần tậu… bô hơn!
14/04/2010 20:00:56
- Mấy tuần nay bà con hàng phố cứ lèo xèo, ỉ eo về chuyện Hà Nội có ý định mở Đại xờ - pa (spa) mông má lên đời phố, đặng đón 1000 năm tuổi cho nó sáng sủa, tân cổ giao duyên, bằng cách quét sơn lại mặt phố, như chuyện tô son trát… vữa cho bốt Hàng Đậu (thực ra là tháp nước) chẳng hạn, nghe mà sốt cả ruột.
TIN LIÊN QUAN

Bèn cuối giờ chiều, liệng xe qua vườn hoa Hàng Đậu xem thực hư người ta phối màu, tô công vẽ phượng ra sao. Quả nhiên, thấy ở đây đang bắc giáo để "thẩm mỹ viện" cho cụ bốt những trăm tuổi có lẻ thực, chứ không phải chuyện eo xèo của hàng phố nữa.
Lại nghe nói, dự toán tiền "mông" của dự án cải lão hoàn đồng cụ bốt này lên những hơn 4 tỷ, chỉ để chít trát lại cái vỏ thì quả những người làm dự án vôi ve Thủ đô ta thật vĩ đại.
Điều oái oăm, ngược đời, không chỉ là các chuyên gia chuyên gia công dự án vẽ được ra những hơn 4 tỷ, mà hơn 4 tỷ quốc khố (dân gian gọi là tiền chùa) chỉ để xoá cái giá trị cổ thực, giá trị mà giới chơi đồ cổ hao tiền tốn của, lao tâm khổ tứ chỉ để làm cho đồ của mình nhái như cổ, đặng ra được chợ, còn không dễ ra. Thế mới nể mặt trình độ "mần" dự án tân trang của nước ta. Nó vẫn loanh quanh đâu đó ở tầm văn hoá… bờ hồ!
d
Tháp nước Hàng Đậu

Từ vài thập kỷ trước, Hà Nội đã xuất hiện thuật ngữ "tranh bờ hồ", hay "văn hoá bờ hồ", để chỉ những sản phẩm văn hoá quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh; đại loại, nó là những sản phẩm lai tạo, gán ghép kệch cỡm, uốn éo, tô vẽ loè loẹt, nhạt nhẽo…thể hiện rất chi là "bờ hồ" . Văn hoá bờ hồ quả là một phát minh ngôn ngữ thú vị của các bác dân gian nhà mình. Cũng giống như sau này, nhiều từ phát sinh na ná "bờ hồ" hay được nhắc đến: "cải lương, diễn, vôi ve, mông má... quá!".

Tu sửa, chỉnh trang là cần thiết. Ai mà không thích đẹp. Có những tu sửa, chỉnh trang tốn kém vẫn phải làm. Bà con hàng phố chỉ lo, có bao nhiêu hậu dụệ "bờ hồ", hoặc dị bản bờ hồ xuất hiện? Ấy là các dự án dạng ao chuôm, kênh rạch, cống rãnh, vỉa hè… cùng bám theo ngày đại lễ.
Mà các lò sản xuất dự án sinh lợi của ta rất manh mún, cò con, nhưng dự án trông vào hầu bao quốc khố thì thính nhạy, ra vào cửa sau một cách kỳ tài. Và như vậy, món nợ hầu bao trên vai con cháu ngày càng chồng chất, biết khi mô cởi nợ hè?

Hèn gì, mấy bác quán nước, bia hơi quanh quanh vườn hoa Hàng Đậu cứ rỉ rả rằng, giá người ta bỏ tiền vào những công trình "kỷ niệm" thiết thực hơn, văn minh hơn, cũng đẹp cái mỹ quan đô thị. Chẳng hạn, sao Hà Nội không tậu thêm…bô?
Sao Hà Nội không dẹp mấy "nữ quái" giả dạng thôn nữ bán hàng dong, đeo bám, nhảy xổ, ấn quang gánh vào vai khách du lịch ngoại quốc bắt chụp ảnh và đòi cát - xê, quanh khu Hồ Gươm, Hàng Đào, như báo chí rộ lên, thì Tây cũng hãi muốn tè ra quần.

Tậu bô ư? Mấy bác bia hơi cười khì. Những nhà vệ sinh, những thùng rác công cộng, bác bảo chả là cái bô to thì là cái gì. Mà bô to, thùng rác đẹp còn qúa thiếu. Mấy bác xe ôm, mấy mợ hàng rong, mấy cụ rỗi việc, lại máu ăn thua, mài đũng quần suốt ngày ở vỉa hè, bờ hồ tá lả, cờ bạc, vốn quen tiện thể, coi phố như làng, làng như phố, lúc mót, đành nhắm mắt coi gốc cây, cột điện, tường bao là bô để xả, cho nó nhẹ cái người. Vậy ai bảo tậu bô không quan trọng, không đẹp mặt phố phường?

Chẳng nói đâu xa, gần cơ quan tôi, chân cầu vào Nhà văn hoá Thanh niên, tại bán đảo hồ Thiền Quang, thì cha mẹ ơi, là một bãi tiểu nồng nặc xú uế (tôi đã từng nói đến), đến nỗi, cứ mỗi lần vào ăn ở bán đảo này, khách ẩm thực phải bịt mũi, nhắm mắt vì "hương vị" rất đặc trưng của những người "ăn mặn đái khai".
Và không ít lần phải lấy làm xấu hổ, quay mặt lướt nhanh, không thể chấp nhận được mấy ông xe ôm, mấy tay cờ bạc vỉa hè, mấy thanh niên xì ke vạ vật trên ghế đá, cứ biến chân cây cầu cong duyên dáng này thành cái bô công cộng, ngay ở một công trình văn hoá.

Làm thế nào để Hà Nội không còn nơi xú uế, nhếch nhác; người Hà Nội có ý thức giữ gìn Thủ đô sạch đẹp, có lối sống văn hoá, thanh lịch của người Tràng An quả là một dự án khẩn thiết, khó khăn, nhưng đáng dồn sức, quyết tâm, bền bỉ mà cải cách nó từ trong những cái đầu, vào bậc nhất hiện nay.
Vôi ve lại lối sống, truân chuyên lắm, Hà Nội!
Trần Quang Quý               

nguồn : bee


Không có nhận xét nào: