Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Thủ tướng cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ

10 giờ sáng nay (24/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng nối hai bờ sông Hậu và lớn nhất Đông Nam Á. 

Thủ tướng khẳng định: "Cầu Cần Thơ không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội và quốc phòng an ninh quan trọng đối với miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước, đã hiện thực hoá ước mơ ngàn đời nay của đồng bào hai bờ sông Hậu cũng như nhân dân ĐBSCL".

Cầu Cần Thơ từ đây sẽ tăng cường sự thông thương thuận lợi giữa TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Tây Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam sông Hậu với trên 16 triệu dân.

Từ nay, toàn bộ tuyến đường bộ quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau được nối liền vì không còn bến phà nào nữa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ

Thủ tướng cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam những sự giúp đỡ to lớn, trong đó có nguồn vốn vay ODA ưu đãi giúp Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Cây Cần Thơ được khánh thành hôm nay là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Xúc động khi nói về các kỹ sư, công nhân không may đã tử nạn trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng, qua bài học xương máu này, ngành xây dựng cầu đường ta có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý, thiết kế, xây dựng… để việc xây dựng cầu đường tới đây được an toàn, bảo đảm chất lượng, từng bước vươn lên làm chủ công nghệ và kỹ thuật, xây dựng được nhiều cây cầu khác không chỉ bằng mà sẽ lớn và đẹp hơn cầu Cần Thơ.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cũng gửi lời tri ân sâu sắc đến những nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ tháng 9/2007. "Tôi mong những người đã khuất được yên nghỉ, những người bị thương nhanh chóng trở lại cuộc sống thường ngày như mọi người".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba trên cầu Cần Thơ

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đánh giá, cầu Cần Thơ cùng với cầu Mỹ Thuận đã nối liền phần còn lại của đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước.

Cùng với các các công trình giao thông trọng điểm trong khu vực như tuyến Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, cầu Rạch Miễu, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương… cầu Cần Thơ sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của 7 tỉnh miền Tây sông Hậu. Đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông cho toàn vùng, giúp việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân dễ dàng hơn. 

Khởi công năm 2004 với tổng đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (thời điểm 2001) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%), cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á với độ dài toàn tuyến 15,85km.

Cầu bắc qua sông Hậu, nối TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, quy mô gấp 3 lần so với cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền; mặt cắt ngang của cầu rộng quy mô 4 làn xe ôtô và 2 làn xe máy; tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Ngắm cầu Cần Thơ trước và trong ngày khánh thành:

Cầu Cần Thơ nối liền hai bờ sông Hậu hùng vĩ ban ngày...

Lung linh lúc hoàng hôn

Càng rực rỡ hơn khi màn đêm buông xuống

Thủ tướng cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại sứ Nhật Bản và lãnh đạo bộ, ngành sải bước trên cầu

10h20' sáng 24/4, những chiếc xe đầu tiên lưu thông qua cầu

 

Cầu Cần Thơ hiện thực hóa ước mơ bao đời của người dân miền sông nước

Dưới cái nắng gay gắt, người dân Vĩnh Long xếp hàng cả cây số chờ đợi được là những người đầu tiên lên cầu. 

Không có nhận xét nào: