Điều này là do việc áp dụng chính sách ngoại hối của NHNN từ năm 2001 đến 2007. Sự điều chỉnh này giúp bình ổn niềm tin của người dân vào giá trị VND trong tương lai bằng việc giảm bớt những quan ngại về sự sụt giá VND. Theo đó, NĐT có xu hướng tích trữ VND hơn là USD, do vậy sẽ giảm áp lực thanh khoản trong nước lên đồng ngoại tệ này.
Ông Tai Hui - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á của SCB - dẫn số liệu từ NHNN cho biết, dự trữ ngoại hối của VN trong tháng 10/2009 tương đương với giá trị NK trong 12 tuần. Theo tính toán của SCB, con số này vào khoảng 16 tỷ USD, giảm từ mức 20,3 tỷ USD trong tháng 6/2009 (số liệu do của IMF).
Giải thích nguyên nhân sụt giảm của dự trữ ngoại hối, chuyên gia này cho rằng, một phần là do dòng kiều hối và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, dự đoán sẽ giảm tới 20%, xuống mức 5,8 tỷ USD trong năm 2009. Trong khi đó, các nhà chức trách lại đang tìm kiếm các khoản vay bằng đồng USD từ NH Thế giới (WB), các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á và NH Phát triển châu Á (ADB) nhằm gia tăng nguồn dự trữ. Hiện tại, Việt Nam đã vay 500 triệu USD từ ADB và đang theo đuổi khoản vay 1 tỷ USD từ WB.
"Trong khi tình hình vẫn được giám sát chặt chẽ, chúng tôi tin rằng sự gia tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng kiều hối trong năm 2010 sẽ giảm áp lực thanh toán quốc tế" -ông Tai Hui nói.
Đối với thâm hụt thương mại của Việt Nam, chuyên gia này cho rằng, việc giá hàng hóa ổn định sẽ hạn chế sự gia tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam. So với nửa đầu năm 2008 khi thâm hụt thương mại trung bình hàng tháng là 2,4 tỷ USD và chạm mức 3,3 tỷ USD vào tháng 3, thì mức thâm hụt thương mại hiện tại chưa đáng báo động.
"Chúng tôi tin rằng giá cả của hầu hết các mặt hàng sẽ không tăng cao như năm 2008, kể cả giá dầu và thép" - chuyên gia của SCB nhận định. Điều này sẽ hạn chế việc NK các sản phẩm dầu tinh và thép - hai mặt hàng làm tăng đáng kể NK của Việt Nam trong nửa đầu năm 2008.
Việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế thâm hụt thương mại do cơ cấu về năng lượng - Việt Nam là nước XK dầu thô, nhưng NK dầu tinh. Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, chệnh lệch giá giữa sản phẩm dầu tinh và dầu thô càng nhiều thì thâm hụt thương mại càng cao. Nhu cầu nội địa sẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia tăng kim ngạch NK trong năm 2010; tuy nhiên cán cân thương mại sẽ được điều chỉnh do hoạt động XK được cải thiện xuất phát từ nhu cầu bên ngoài gia tăng, đặc biệt là nhu cầu từ các nước châu Á.
nguồn : vietstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét