Một năm sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, vị thế Barack Obama không còn như trước.
Nhiều cử tri Mỹ tỏ thái độ hoài nghi trước những hồ sơ dang dở đối nội cũng như đối ngoại. Trên phương diện quốc tế, Barack Obama chưa thực hiện được trọn vẹn tham vọng nào. Còn tại nước Mỹ, các bước cải thiện đều chậm chạp : khủng hoảng kinh tế chưa kết thúc, cho dù Hoa Kỳ đã nối lại với tăng trưởng.Phải chăng ngôi sao Barack Obama đang bị lu mờ ? Liệu tổng thống Obama có đủ tầm vóc để đáp lại kỳ vọng vĩ đại mà cử tri Mỹ đã đặt nơi ông, khi chọn bầu cho ông một năm trước đây, mồng 4 tháng 11 năm 2008 ? Như một điềm gở được dự báo, hôm qua, hai ứng cử viên của Đảng Cộng hoà thuộc đối lập, đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua tranh chức thống đốc bang Virginia và New Jersey.
Cho dù 2 cuộc bầu cử địa phương không thể mang giá trị trưng cầu dân ý, thế nhưng dường như Barack Obama, biểu tượng của sự đổi thay, hiện thân của sự đoạn tuyệt với các chính sách của người tiền nhiệm Georges W. Bush, đang phải chạm trán với nhiều thực tế cay nghiệt. Mới lên nắm quyền hơn 9 tháng mà thôi nhưng những nỗ lực của ông Obama vẫn không xua tan được sự hoài nghi của nhiều cử tri Mỹ, trước những hồ sơ dang dở, đối nội cũng như đối ngoại.
Con đường còn xa trước khi đến điểm hẹn
Trên phương diện quốc tế, Barack Obama chưa thực hiện được đầy đủ, trọn vẹn tham vọng nào. Tại Afghanistan và Pakistan, tình hình ngày một xấu đi đến nỗi, tổng thống Obama vẫn chưa quyết định cụ thể về dự án tăng viện. Tại Iran, mặc dù Washington đã chìa bàn tay nhưng chính quyền nước này vẫn trả lời nước đôi. Irak cũng có nguy cơ lún vào vòng xoáy bạo lực, vào thời điểm Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân năm 2010. Hồ sơ Palestine-Israel hoàn toàn bế tắc. Tại Đông Á, lãnh đạo cộng sản Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên mới hôm qua, còn dương cao mối đe doạ vũ khí hạt nhân. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng con đường còn xa trước khi đến điểm hẹn.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, các bước cải thiện đều chậm chạp : khủng hoảng kinh tế chưa kết thúc, cho dù nước này đã nối lại với tăng trưởng. Cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, chương trình trụ cột của nhiệm kỳ Obama, vẫn trì trệ và tổng thống phải đối mặt với phản ứng quyết liệt của một phần công luận.
Dự án đóng cửa nhà tù Guantanamo cũng gặp nhiều rắc rối. Những chậm trễ trong tiến trình thực hiện cam kết đã khiến bảng thành tích của tổng thống Obama, ngày hôm nay, không đủ sức thuyết phục. Ông Obama cũng như các vị tiền nhiệm, đang phải thích ứng với thực tế là uy tín bị giảm, sau một thời gian nắm quyền.
Dẫu sao, phải đợi đến các cuộc bầu cử Quốc Hội vào năm tới, ở giữa nhiệm kỳ tổng thống, thì mới phán xét được một cách khách quan, liệu Obama và đảng Dân chủ có thực sự bị xói mòn và bị cử tri Mỹ bỏ rơi hay không.
Obama : hào quang lu mờ ?
Sự kiện thế giới được chú ý và bình luận nhiều hôm nay là cách đây một năm Hoa Kỳ hân hoan bầu tổng thống mới : Barack Obama. Nhìn lại quãng đường một năm sau, các báo soi rọi dưới nhiều góc độ thành quả cũng như thất bại của vị tổng thống đã làm dấy lên nhiều hy vọng. Nhận định chung như tờ Le Figaro đã tóm lược trong hàng tựa trang quốc tế là ''Hào quang của ông đã bị phai mờ''.
Le Figaro nhắc lại kết quả thăm dò vừa qua : 51,7% người ủng hộ, so với 68% trước đây. Tờ báo phân tích thế đứng khó khăn của tổng thống Mỹ : dĩ nhiên phe đối lập không nương tay với ông, nhưng ông Obama cũng bị đả kích từ phiá cánh tả chỉ trích chủ trương thận trọng, nỗi ám ảnh của ông hướng về một chính sách "trung dung".
Tờ báo cũng không quên nhắc lại rằng quyền lợi các nhóm thế lực ở cả hai cánh ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã gây khó khăn rất nhiều cho những dự án của tổng thống Obama, như trên vấn đề bảo hiểm xã hội. Theo Le Figaro, với kinh tế chưa hẳn khả quan, thất nghiệp tiếp tục nghiêm trọng hơn, hào quang của ông sẽ càng bị mờ thêm.
Tờ Les Echos, nhấn mạnh trên mặt tích cực, ghi nhận là tổng thống Mỹ đã thúc đẩy được nhiều hồ sơ, và ông vẫn hy vọng đạt một kết quả trên hồ sơ bảo hiểm y tế. Theo les Echos, đó là hồ sơ gây khó khăn nhiều nhất cho ông Obama bên cạnh vấn đề Afghanistan.
Tờ La Croix một cách khách quan, đã điểm qua những hồ sơ lớn, gai góc mà tổng thống Obam phải đối phó, và nói đến 7 công trình gian nan, nhưng đặc biệt chú ý đến mặt ngoại giao : 7 hồ sơ đi từ khí hậu đến Cận Đông, Iran, Irak, Afghanistan.
Tờ báo cũng xem xét uy tín của ông Obama trên thế giới. Theo cơ quan nghiên cứu Pew, tại Châu Âu và Châu Á, tổng thống Mỹ vẫn được từ 70 đến hơn 90% người tán thưởng, cao nhất là ở Châu Âu, (Đức, Pháp), ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Tại Trung Quốc, ông đươc 64% tín nhiệm. Nhưng tại vùng Trung Đông thì uy tín ông Obama giảm nhiều. Tại Ai cập ông chỉ còn được 42% người tán thưởng, và 31% ở Jordani.
Trung Quốc công khai xác định ý muốn quân sự hoá không gian
Tư lệnh Không quân Hứa Kỳ Quang hôm mồng 1 tháng 11 đã công khai tuyên bố : ''Không quân Trung Quốc sẽ mở rộng tầm hoạt động từ không gian đến vũ trụ, từ bảo vệ lãnh thổ đến tấn công vào những mối đe dọa''. Phát biểu trên đây đã lập tức tạo ra quan ngại ở Hoa Kỳ và trong công luận quốc tế.Giới quan sát ghi nhận đây là lần đầu tiên mà Không quân Trung Quốc công khai nói đến kế hoạch đưa vũ khí lên vũ trụ và nhấn mạnh đến năng lực tấn công của họ. Tuyên bố của tướng Hứa Kỳ Quang đã đi ngược lại quan điểm chính thống từng được Bắc Kinh hô hào từ trước đến nay : đó là sử dụng vũ trụ một cách hoà bình.
Để giải thích cho quan điểm cần phải quân sự hoá vũ trụ, Tư lệnh Không quân Trung Quốc đã cho đấy là một ''tất yếu lịch sử'' và chỉ có ''sức mạnh mới có thể bảo vệ được hoà bình''. Theo ông, quốc gia nào kiểm soát được vũ trụ là khống chế được các vùng chiến sự cả trên bộ lẫn trên biển.
Ngay sau tuyên bố của tư lệnh không quân Trung Quốc, Hoa Kỳ là nước đấu tiên tỏ ý quan ngại. Theo tướng Kevin Chilton, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, thì trong một thập niên qua, chương trình vũ trụ của quân đội Trung Quốc đã đạt những bước tiến đáng kể, vấn đề là mục tiêu của Bắc Kinh vẫn không rõ ràng.
Trả lời phỏng vấn của báo chí vào hôm qua, viên tướng lãnh đạo cơ quan chuyên trách việc điều phối các chiến dịch của quân đội Mỹ ngoài vũ trụ cho rằng Washington cần tăng cường đối thoại thêm với Bắc Kinh để hiểu rõ hơn về mục tiêu chương trình không gian vũ trụ của Trung Quốc. Dẫu sao thì tướng Chilton cũng thừa nhận rằng hiện nay, vũ trụ đã trở thành trường cạnh tranh quân sự giữa các quốc gia, kể cả iran và Bắc Triều Tiên.
Phản ứng của chính giới Mỹ gay gắt hơn. Ông Michael Turner, một dân biểu thuộc tiêu bang Ohio đã ra một thông cáo lên án Trung Quốc tiếp tục chính sách quân sự hoá vũ trụ, cho dù ngoài mặt thì nói ngược lại''.
Theo nhận định của nhật báo Anh, The Financial Times, trong bối cảnh giới chuyên gia quân sự Mỹ đã cảnh báo từ lâu về tiềm lực quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc, tuyên bố của Tư lệnh Không quân Trung Quốc chắc chắn sẽ được Washington coi là biểu hiện của việc Trung Quốc muốn tấn công vào uy lực của Mỹ trên vũ trụ hiện nay.
Nhật báo Anh Quốc ghi nhận : Trung Quốc đã từng yêu cầu nghiêm cấm việc sử dụng vũ trụ vào mục tiêu quân sự nhưng bị Hoa Kỳ bác bỏ. Đến năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công việc bắn hạ một vệ tinh thời tiết. Sự kiện đó đã cảnh báo giới quan sát viên quân sự tại Mỹ, vì điều đó cho thấy là Bắc Kinh đã có năng lực tấn công vệ tinh của đối thủ và tiến hành cuộc chiến trên không gian.
Theo một chuyên gia về bang giao quốc tế tại Singapore, tuyên bố mới đây của Tu lệnh Không quân Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trong lập trường của Quân Đội Trung Quốc. Trả lới nhật báo Singapore The Straits Times, chuyên gia này nhận định xin trích : Trung Quốc và Quân đội của họ ngày càng tự tin hơn và không còn tìm cách che dấu ý định cũng như năng lực của họ nữa''.
Nói cách khác, thời kỳ Bắc Kinh lớn tiếng hô hào phi quân sự hoá vũ trụ đã qua rồi. Chủ trương hiện nay của Trung Quốc là đưa vũ khí lên không gian để sẵn sàng tấn công đối phương khi cần thiết.
Quan hệ Mỹ-Nhật bị thử thách, ngoại trưởng Katsuya Okada từ bỏ kế hoạch sang Washington.
Quan hệ giữa Tokyo và Wasshington đã bắt đầu nguội lạnh sau khi thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama thuộc phe trung tả lên nắm quyền và ông chủ trương Tokyo phải triển khai một đường lối đối ngoại độc lập hơn với Hoa Kỳ.Thông tín viên Frederic Charles tường thuật từ Tokyo
"Như vậy là ông Katsuya Okada bãi bỏ dự án sang Washington. Phe đối lập Nhật Bản tố cáo chính phủ trung tả của thủ tướng Hatoyama là nguyên nhân phương hại đến liên minh Mỹ-Nhật. Ngọai trưởng Katsuya Okada đề xuất ý kiến chuyển dời căn cứ không quân Mỹ Futenma tại đảo Okinawa bằng cách sát nhập nó vào làm một, với căn cứ Kadena cũng của Mỹ, trên đảo này.
Nhưng theo một cuộc thăm dò dư luận do một nhật báo của Okinawa thực hiện thì 70% dân cư tại Okinawa mong muốn chuyển dời hẳn căn cứ không quân Futenna ra khỏi hòn đảo này, hoặc ra khỏi nước Nhật.
Hiềm một nỗi là Hoa Kỳ từ chối không muốn thương lượng một lần nữa một thỏa thuận đạt vào năm 2006 mà họ đã phải bỏ công nhiều năm trời đàm phán với các chính phủ trước của Nhật Bản. Washington còn đòi hỏi là vấn đề này phải được giải quyết trước khi tổng thống Barack Obama viếng thăm Tokyo vào tuần tới.
Chính phủ của thủ tướng Hatoyama đã mong cân bằng hóa quan hệ với Washington, để Nhật Bản được giữ vai trò bình đẳng hơn. Một số thành viên trong liên minh cầm quyền còn đòi hỏi xem xét lại quy chế của khoảng 50.000 lính Mỹ đóng tại Nhật Bản. Họ muốn Washington rút quân về nước".
Bão lụt tại miền Trung Việt Nam làm ít nhất 90 người chết.
Theo tổng kết tạm thời được thông báo hôm nay, bão lụt tại các tỉnh miền nam trung bộ Việt Nam đã làm cho ít nhất 90 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có ít nhất 22 người bị mất tích. Hơn 200 ngàn người không nhà. Thác lũ còn cuốn trôi hàng ngàn căn nhà.Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng Việt Nam bị bão lụt với quy mô lớn kỷ lục. Bão nhiệt đới Mirinae đã gây thiệt hại cho Philippines, làm 19 người chết, trước khi đổ bộ vào Việt Nam với cường độ suy yếu rất nhiều. Tuy nhiên, Việt nam lại bị lũ lụt kinh hoàng với thiệt hại vật chất và nhân mạng nặng nề gồm 112 người chết và mất tích.
Ủy ban Quốc gia Phòng chống Thiên tai thừa nhận đây là cơn lũ khủng khiếp nhất tại Phú Yên từ 30 năm nay. Báo chí trong nước gọi đây là ''cơn Đại Hồng Thủy''.Câu hỏi đặt ra là do đâu mà tình trạng lũ lụt lại nghiêm trọng như thế ? Câu trả lời là do đập Phú Yên bị vỡ trên một chiều dài khoảng 100 mét.
Theo báo chí trong nước, các hồ thủy điện sông Ba Hạ, sông Hinh xả lũ làm ngập tỉnh Phú Yên. Nước lũ phối hợp với triều cường lên đến đỉnh đã làm vỡ đập Đá Vải, cuốn trôi hơn một chục người đân địa phương và làm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định bị chìm trong biển nước.
Các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi và kể cả Gia Lai trên cao nguyên cũng bị mực nước đe dọa. Chỉ riêng tại tỉnh Bình Định, hơn 200 ngàn dân bị cô lập hoàn toàn cho đến hôm nay. Chiều hôm qua, chính quyền trung ương chỉ thị cho chính quyền địa phương tăng cường cứu trợ nạn nhân. Ủy ban phòng chống thiên tai cho biết hai ngàn binh sĩ được huy động để làm công tác cứu trợ.
Tại hiện trường, các tu sĩ, tín đồ Phật Giáo, Công Giáo đã nỗ lực quyên góp và cứu trợ trực tiếp nạn nhân. Không ít người dân bình thường không thể đứng yên nhìn đồng báo của mình đói lạnh vì tai ương ương liên tục nên tự động đi cứu trợ với tiển túi của mình. Tại Sài Gòn, nhiều khu phố đặc biệt là ở quận 12 bị ngập nặng. Trong khi đó, báo chí trên mạng lo ngại các đập thủy điện Trị An , Thác Mơ, Cần Đơn có khả năng phải xả nước vì sức chứa đạt giới hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét