Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

"Tốt nhất nên thuê Tây quy hoạch cho ta"

Nhìn lại chặng đường mấy chục năm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam. KTS Nguyễn Trọng Huấn quả quyết: "Thời gian này là cơ hội vàng để Nhà nước đúc rút kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, và "phải tự cứu mình trước khi trời cứu".

Quy hoạch đô thị chạy theo phục vụ chủ trương

Không kể những nhà quy hoạch xuất xứ nông dân, học quy hoạch đô thị ở nông thôn, sống kiểu làng quê, chưa trông thấy chiếc thang máy bao giờ, biết thành phố qua họa báo kiến trúc (như một đầu bếp học nấu ăn qua hình vẽ) mà ngay cả những nhà quy hoạch được đào tạo chính quy từ các trường đại học ở Kiép, ở Mạc tư Khoa, ở La Habana và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng ngỡ ngàng trước một Sài Gòn, mới trở lại với đại gia đình dân tộc sau cả một cuộc đấu tranh giành độc lập trường kỳ, 116 năm, tính từ khi người Pháp san bằng thành Gia Định để xây dựng Sài gòn (1859 - 1975).

Không kể Hà Nội và hệ thống đô thị miền Bắc hiến thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vừa ra khỏi chiến tranh, mình đầy thương tích.

Mạc Tư Khoa và những thành phố xã hội chủ nghĩa khác là những thành phố ổn định, yên bình, mọi người chăm chỉ làm việc, mọi sự đã có nhà nước lo, từ tuổi thơ nơi nhà trẻ đến mãn chiều xế bóng trong nghĩa trang, không dư giả gì nhưng bằng lòng với cái đủ. 20 giờ, tất cả các cửa hàng mậu dịch quốc doanh đóng cửa. Mọi sinh hoạt dường như ngừng lại, chờ ngày mai. Chả có gì phải gấp gáp.

Sài Gòn thuộc về một thế giới khác. Đấy là ấn tượng đầu tiên.

Rộng lớn, sôi động, gần như không ngủ. Ba giờ sáng, tiếng xích lô máy nổ giòn trên mọi ngả đường, chuyển cá chuyển rau về các chợ. Người Hà Nội mới vào chưa quen, không ngủ được. Một lối sống khác, bươn chải, tiêu dùng, tiếp tục tiêu dùng để rồi tiếp tục bươn chải, không giống người miền Bắc, ăn chắc mặc bền, dư tí tiền gửi tiết kiệm phòng cơ nhỡ.

TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: dulichvietnam.

Đường thật rộng, nhà thật cao, xe hơi, xe máy như mắc cửi, thua gì Tây! Cũng có những khu "ổ chuột", nhưng cũng nhiều người ở biệt thự hiện đại, rộng rãi, có sân vuờn, có hồ nước, treo trước cửa biển đề "nhà có chó dữ". "Hơn cả trung ương!". Tìm nhà người quen rất mệt. Đường phố dài cả chục cây số, mỗi nhà chiếm dụng vài chục mét mặt tiền, nhà nọ cách nhà kia khá xa, số nhà trên một đường phố lên đến con số ngàn. Mua bán tự do, chợ đầy ắp hàng, tôm hùm, cua bể tươi nguyên, còn dính rong rêu biển cả. Tivi chất từ sàn đến trần, tủ lạnh, xe máy, muốn mua gì thì mua. Những cái nho nhỏ, nhiều cái nho nhỏ gây ngỡ ngàng cho những người lần đầu mới gặp.

Giới kiến trúc sư miền Nam những ngày đầu tiếp xúc, com lê, cà vạt như tây. Thay vì "đồng chí" thân gần, quen thuộc, mở miệng là "quý  anh kiến trúc sư cách mạng mới vào". Họ là tác giả nhiều công trình nổi tiếng trong thành phố: Dinh Độc Lập, ngân hàng Thương tín, trụ sở Việt Nam Airline, Thư viện quốc gia, quảng trường hồ Con Rùa....  nhiều người tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở Paris, tiếng Pháp, tiếng Anh như gió.

Nhưng kiến trúc sư miền Nam không nhiều người theo ngành quy hoạch đô thị. Nghề ấy không ăn.

Kiến trúc sư công trình dân dụng miền Nam, hành nghề tự do. Tốt nghiệp ra trường, mở văn phòng riêng, tự chịu trách nhiệm. Họ cũng có đoàn thể: "Kiến trúc sư đoàn", một hiệp hội quản lý và bảo vệ quyền lợi tác nghiệp, có tiêu chuẩn, có tiếng nói. Điều lệ kiến trúc sư đoàn miền Nam quy định: "Kiến trúc sư công vụ (đang làm việc cho chính quyền) không được phép nhận công trình trong địa bàn mình phụ trách (để tránh lợi dụng chức, quyền). Không được nhận công trình quá xa để có thể đi về trong ngày, đảm bảo điều kiện chăm sóc quyền lợi khách... khá nhiều ràng buộc. Vi phạm, mời ra. Khác với Đoàn kiến trúc sư Việt nam, sau này đổi thành Hội, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp - chính trị, tập hợp lực lượng kiểu "đánh trống ghi tên". Mọi hoạt động nghề nghiệp do Bộ Xây dựng quản lý. Tất cả kiến trúc sư đều là cán bộ nghiên cứu, ăn lương nhà nước, chỉ được làm việc cho nhà nước, biến Hội thành một câu lạc bộ "cờ, đèn, kèn, trống", có mặt góp vui.

Một tiếp cận mới. Nhiều bỡ ngỡ. Niềm tin "Đồng hồ Liên xô tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ / Trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ /... thực sự bị thử thách.

Nhưng đất nước còn ngổn ngang, chiến tranh biên giới Tây-Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, giặc phỉ Fulro quấy nhiễu trên Tây nguyên,... không một ngày bình yên.

Đại hội Đảng lần  thứ  IV, 1976, kiên định đường lối Chủ nghĩa Mác - Lên nin, đổi tên Đảng, đổi tên Nước, tiếp tục con đường đã chọn, xây dựng Nước Việt Nam Cộng hoà - Xã hội chủ nghĩa trên toàn lãnh thổ vừa thống nhất. Xây dựng 400 huyện thành 400 pháo đài. Hợp nhất nhiều tỉnh nhỏ thành những tỉnh to, chuẩn bị làm ăn lớn. Hải Dương, Hưng Yên thành Hải - Hưng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình thành Hà -  Nam - Ninh, Bình - Trị - Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) thành một tỉnh... Quy hoạch đô thị chạy theo phục vụ chủ trương, vẫn mô hình cũ, thành phố nào cũng có khu công nghiệp, khu nhà ở, công viên văn hoá, một quảng trường trung tâm, có lễ đài để duyệt binh ngày Quốc khánh. Đồ án không trở thành hiện thực vì Nhà nước không có tiền. Quy hoạch đúng như sách dạy, nhưng không thể biết đúng, sai, phải, quấy thế nào.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phỏng theo mô hình đã áp dựng trên miền Bắc không thành công. Các nước thù địch gia tăng cấm vận. Công nghiệp thiếu nguyên liệu, sản xuất cầm chừng. Nhiên liệu cạn kiệt, thỉnh thoảng thành phố sáng đèn, gà kêu, chó suả. Cấm chợ ngăn sông, thiếu lương thực, lại ăn bo bo, bột mỳ!

Và cũng như rất nhiều trường hợp gặp gian nan, người dân chứng minh năng lực tự thoát hiểm. Nuôi gà, nuôi chim cút, nuôi cá trê phi... Phòng tắm, phòng ngủ thu xếp lại, mấy hàng gạch chồng lên nhau, bao quanh đủ cao, lót ni lông thành một chiếc hồ đủ sâu, thả cá trê phi giống vào, cho ăn thấy lớn từng ngày, đủ cân đủ lạng, gọi người đến bán. Trăm phương nghìn cách, cho qua cơn bĩ cực. Lại trải qua một thời kỳ nông thôn hoá thành thị.

Tầm nhìn kiểu "tiện đâu chầu đấy"

Không biết có phải từ tình thế này mà trong một dịp sau đó, một Nhà lãnh đạo đã có một lời căn dặn bất hủ: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu ".

Công tác quy hoạch đô thị vẫn bình thản bên lề cuộc sống, vẫn một bài ca hy vọng mơ về tương lai. Chung cơn hoạn nạn cùng nhân dân vì cũng không biềt làm gì  hơn.

Khoảng 1979 - 1980, rút lực lượng từ Bộ Xây dựng, thành lập Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, phụ trách quản lý xây dựng cơ bản. Chỉ vài năm sau, lại giải thể, tái nhập về Bộ Xây dựng. Mô hình 400 huyện là 400 pháo đài, nhập tỉnh để làm ăn lớn không thành công. Các tỉnh lần lượt tách, trở về biên giới cũ, như thời vua Minh Mạng. Lại quy hoạch lại!

1981 Đại hội Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ III, kiến trúc sư cả nước tập hợp chung vào một hội.

1984, Thành phố Hồ Chí Minh khởi động công tác quy hoạch, mời chuyên gia cả nước cùng tham gia. Luận chứng kinh tế - kỹ thuật  xác định hướng mở phát triển về phía Thủ Đức, ở đấy đất đai cao ráo, có sẵn xa lộ Sài Gòn - Biên Hoà tiện đường phát triển. Sông Sài Gòn sẵn cảng, quy hoạch thêm cảng mới và các khu công nghiệp cho tiện đường sông. "Luận chứng "được Nhà nước phê duyệt. Lại vẫn là một kiểu tầm nhìn "tiện đâu chầu đấy "quen thuộc như vẫn thường làm.

Khủng hoảng "giá - lương - tiền" như một nỗ lực cuối cùng. Thất bại. Cuộc thí nghiệm mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp tự chứng minh sự bất lực, thiếu hiệu quả.  Mô hình kinh tế không thành công kéo theo mô hình đô thị  không còn đất dụng võ. Kinh tế, văn hoá, xã hội là chuyện cơm áo diễn ra hàng ngày, rõ mồn một. Còn quy hoạch là chuyện mơ về tương lai, mười lăm, hai mươi năm sau, chỉ diễn ra trong đầu, trên giấy, tác động không thật rõ, rất khó nhận biết giá trị thực.

Đại hội Đảng VI, tháng 12 năm 1986, quyết định "Đổi mới". Một cột mốc lịch sử tối quan trọng trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển Đất nước trong lâu dài. Chọn cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết bạn với tất cả các nước, hội nhập với thế giới, mời gọi đầu tư.

Tiền đề cho xây dựng và phát triển đô thị từng bước xuất hiện.

1989, "điều chỉnh "Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh, chọn hướng tiến ra biển, lấy  sông Sài Gòn làm trục cảnh quan trung tâm. Định hướng thì vậy, nhưng quy hoạch chi tiết không làm kịp. Trong khi đó, cũng không chờ đợi, Cảng Sài Gòn tăng quy mô, tăng công suất, thêm một loạt cảng mới. Xuất hiện khu chế xuất Tân Thuận, một mô hình kinh tế lạ, không có trong sách, cũng chưa nghe nói bao giờ. Nườm nượp các địa phương trong nước vào học tập.


Quy hoạch vừa chạy vừa xếp hàng, đối phó với tình hình trước đã. Cứ như vậy, luôn đi sau, chạy theo cuộc sống.

1991, khánh thành Nhà máy Thủy điện Trị An, 4 tổ máy, công suất 400 MW, tung lên lưới 1,7 tỷ Kwh.

1992, khởi công Đường dây truyền tải siêu dẫn 500 Kv Bắc - Nam, 1.487 km, 3437 cột, vượt 7 dòng sông, qua 14 tỉnh thành.

1994, 19 giờ 06 phút ngày 27 tháng 5, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đóng điện đường dây 500 kv, hoà hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy cuả Nhà máy điện Hoà Bình, đưa đường dây chính thức vào vận hành.

20 tháng 12 năm 1994, khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình, 8 tổ máy, công suất 1.920 MW, lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp sản lượng hàng năm 8,16 tỷ Kwh.

"... từ sau chủ trương đổi mới cuả Đảng Cộng sản Việt nam vào năm 1986, kinh tế Việt nam có những chuyển biến tích cực:

Giai đoạn 1990 -- 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp  bình quân từ 12% đến 14%. GDP tăng từ 5,1% (1990) đến 9,5 % (1995). Tiêu thụ điện năng tăng hàng năm : 1993 :- 13,12%, 1994 -: 18,43%, 1995 :- 20,62% vv ... "(nguồn Wikipédia).

Từng bước, từng bước, khẩn trương nhưng thận trọng, đất nước ra khỏi bước hiểm nghèo.

Trong thời gian khoảng hơn mười năm, tình hình đất nước không phải lúc nào cũng ổn định để bình tâm phát triển. Quy hoạch đô thị không đủ điều kiện để tự chứng minh.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã lo xa, chuẩn bị lực lượng trước từ nhiều năm, nhưng thế hệ những nhà quy hoạch tiên phong già đi theo năm tháng, người về hưu, hoặc tư duy đã lão hoá, thế hệ trẻ mới ra trường theo chế độ đào tạo "cơm chấm cháo - cháo chấm cơm ", năng lực đảm đương so với yêu cầu công việc có độ vênh nhất định!

Thế hệ trẻ không mắc căn bệnh "tầm nhìn xa" thì ngược lại, do tình hình xã hội, những chuyển biến thời cuộc rất khó nắm bắt, xuất hiện xu hướng thực dụng, đẻ ra vô vàn những bất cập trong đời sống xây dựng đô thị.

Đô thị đứng bên lề cuộc sống

Quy hoạch đô thị vẫn lần mò những bước đi bên lề cuộc sống. Trong khi đó, kiến trúc công trình, ít bị ràng buộc hơn, đua nhau phát triển, tuy nhiên, lực lượng này lại vấp những trở ngại khác, một trong những trở ngại ấy là đô vênh giữa túi tiền và trình độ của chủ đầu tư.

1992, Ban hành và áp dụng chế độ kiến trúc sư trưởng ở 2 thành phố lớn nhất nước:  Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do gửi gắm quá nhiều hy vọng, do chức năng nhiệm vụ không rõ ràng, do trình độ cán bộ, thí nghiệm này thất bại sau mười năm thử nghiệm.

Sau quyết sách của Đại hội VI, kinh tế bừng tỉnh, rầm rộ các nhà đầu tư nước ngoài vào thăm viếng, thương thảo. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Xin mời. Hợp tác đầu tư, Việt Nam không có vốn, chỉ có đất. Vậy thì góp đất. Muốn xây đâu cũng chiều.

Đất đai trở thành một giá trị trao đổi. Xuất hiện những nhà đầu cơ đất đai, buôn đi bán lại, giàu lên nhanh chóng. Thông tin quy hoạch cũng trở thành mặt hàng, một số cơ quan quy hoạch, một số kiến trúc sư cũng giàu lên nhanh  chóng. Đôi ba người dính dáng đến pháp luật.

Thủ tục xây dựng rườm rà, lực lượng quản lý yếu và thiếu, xuất hiện những móc nối. Những ngôi nhà, tiến đến những khu nhà, thậm chí, hàng ngàn ngôi nhà  mọc lên không giấy phép. Kiểu dáng tự làm, trăm hoa đua nở. Lực lượng các nhà thầu tái xuất, tham gia thị trường, bộ mặt kiến trúc đô thị dần mất kiểm soát. Các tỷ phú chân đất mới giàu  lên, muốn chứng minh mình, bất chấp thẩm mỹ kiến trúc, bất chấp mỹ quan đô thị là nguyên nhân xuất hiện một trào lưu kiến trúc mới: "Kiến trúc Liên hiệp quốc ".

Mặt bằng dân trí thấp, quy hoạch đô thị loay hoay, dậm chân tại chỗ,  kinh tế thị trường bộc lộ mặt trái, đồng tiền làm chủ, kiến trúc sư không đủ bản lĩnh khước từ hợp đồng, lực lượng quản lý đô thị tham nhũng, bộ mặt đô thị rối loạn, phản ứng dây chuyền, lan từ miền xuôi lên miền ngược, từ ngoài Bắc vào trong Nam.

Việt Nam chậm chân trong phát triển xây dựng đô thị, mở ra một thị trường mênh mông, các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào, có thời ngủ dậy ra đường đã thấy công trình mới. Lực lượng kiến trúc từ chỗ bói không ra nhà để vẽ, giờ có lúc phải khước từ vì không đủ sức.

Không có quy hoạch vùng vì không có người làm. Các địa phương đua nhau quy hoạch tỉnh, quy hoạch tỉnh lỵ, đón thời cơ. Tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, sân bay.  Ven biển miền Trung, tỉnh nào cũng có cảng  nước sâu, chờ cơ hội.

Hình thành ba vùng kinh tế trọng điểm. Nhưng có tỉnh nằm ngoài vùng trọng điểm biết trải chiếu hoa đón nhà đầu tư, vọt lên trước. Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ  ấy đã có lần xót xa: "tôi rất bức xúc khi các nhà đầu tư xuống sân bay thành phố, rồi lên xe đi thẳng sang tỉnh khác ..".  Vậy thì mở rộng vùng trọng điểm, ba tỉnh thành năm, thành sáu, tỉnh nào cũng muốn tham gia, hy vọng có thêm nguồn  lực.

Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, nhiều nước lao đao, ngay cả láng giềng Thái Lan, nhiều tỷ phú vỡ nợ, xuống đường bán bánh mỳ. Việt Nam đứng bên rìa cơn lốc tài chính, nhờ hội nhập chưa sâu, Việt Nam đồng không phải là đồng tiền chuyển đổi. Công cuộc xây dựng đô thị có phần chững lại.

Thời gian này là cơ hội vàng để Nhà nước đúc rút kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nhưng không thấy làm. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhanh chóng rút ra bài học. Các tỷ phú bản xứ tích góp vốn, liên kết làm ăn lớn. Xuất hiện nhiều công ty địa ốc, những hợp đồng triệu đô, chênh lệch giá đất giữa thị trường và giá nhà nước tạo một khoảng cách có thể khai thác. Xuất hiện đầu cơ đất đai, đền bù giải toả là một bài toán khó, quy hoạch vụn nát, vượt khỏi tầm  quản lý, nhiều khi rối loạn.

Dịch sân gôn, dịch resort, nhiều dự án đầu tư bất động sản, nhiều quy hoạch treo, chiếm đất bỏ không, gây bất mãn trong quần chúng, những người có đất không may bị nhà đầu tư nhòm ngó. Luật pháp không theo kịp tình hình phát triển, cán bộ tham nhũng, khiếu kiện đông người kéo dài. Đất đai là chùm khế ngọt, bên những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn nghiêm túc, không thiếu những nhà đầu tư chụp giật, cũng không thiếu những nhân viên Nhà nước đục nước béo cò. Kinh tế thị trường bộc lộ tính hai mặt truyền thống, cổ điển. Nhiều quy hoạch bị phá sản.

Thành lập Sở Quy hoạch thay cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng. Bên cạnh Sở Xây dựng còn có Sở Giao thông - Vận tải, thêm Sở Tài nguyên và Môi trường. Ba bốn Sở thực hiện quản lý trên cùng một địa bàn.  Riêng chuyện cấp cho người dân một mảnh giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp cho căn nhà, mảnh rất, cũng đủ rối loạn.

Chỉ một trục đường, không biết bao nhiêu ngành tham gia. Kiến trúc, giao thông, điện lực, bưu chính viễn thông, cây xanh, chiếu sáng - vỉa hè v.v và v.v ... Trong khi đó, mỗi trục đường thành phố là một không gian thống nhất đã bị chia năm xẻ bảy, mỗi ngành đầu tư, thực hiện theo cách của ngành mình.

Ngay cả chính quyền cũng áp dụng một mô hình như chính quyền nông thôn, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong khi đô thị là một thực thể năng động, thay đổi từng giờ, cần một chính quyền đô thị với một thị trưởng năng động, quyết đoán, phản ứng kịp thời thì mô hình hiện nay, nhiều việc phải chờ tập thể Thường trực. Đấy là một trong những lý do không thể ráp nối chế độ kiến trúc sư trưởng với cơ cấu chính quyền hiện tại.

Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn không đủ người để rải đi làm quy hoạch cho địa phương, giải pháp đơn giản là phân cấp cho tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh phân cấp cho quận huyện tự làm.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng xây dựng không tập trung mà rải đều, lãnh đạo thành phố yêu cầu cơ quan quy hoạch phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000. Từ "phủ kín" này cũng là đặc sản của ngành quy hoạch Việt Nam vì trên thế giới không ai làm vậy. Những "quy hoạch phủ kín đại trà" đón thời cơ ấy, khi thực sự có  yêu cầu xây dựng đều phải làm lại.

Trong phiên điều trần của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới đây (30 tháng 10/2009), Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thừa nhận: "... Cán bộ thực hiện quy hoạch vừa thiếu vừa yếu, quy hoạch xong lại phải chỉnh sửa nhiều lần trong khi cán bộ quản lý quy hoạch cũng mỏng và yếu không kém nên công tác quy hoạch chậm và không thể triển khai đồng bộ và có chất lượng được ...". (VietNamNet - 31/10/2009).

Đấy là thực trạng ở thành phố lớn nhất nước. Còn các tỉnh, không cần mất nhiều công sức để thấy thực trạng năng lực cán bộ quy hoạch địa phương. Đã có tỉnh, ông chủ tịch sốt ruột, tự làm lấy cho nhanh. Gọi giám đốc Sở Giao thông lên, vạch một con đường, yêu cầu Sở triển khai chi tiết. Khi con đường hoàn thành, gọi Giám đốc Sở Xây dựng lên, yêu cầu làm quy hoạch.

Có những đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt, địa phương thấy cần, bỏ đi làm lại như trục đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Triệu - vành đai ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh mà Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện và báo chí sôi nổi tham gia trong mấy tháng qua. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có lần phát biểu: "Quy hoạch là ý chí và quyền lực cuả lãnh đạo". Nhận định đó không phải không đúng, nhưng có lẽ chỉ nên khẳng định sau khi xem xét kỹ chất lượng đồ án quy hoạch.

"... Lãng phí lớn nhất hiện nay là chất lượng quy hoạch thấp: quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng... chưa phù hợp với yêu cầu phát triển cuả nền kinh tế. Do đó nhiều quy hoạch liên tục phải sửa đổi, điểu chỉnh... " là nhận định trong báo cáo thẩm tra của ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội, phiên họp toàn thể tại Hà nội ngày 29 tháng 9 năm 2009. (Tuổi Trẻ - 30/9/2009).

Lực lượng quy hoạch mỏng, yếu, không đảm đương nổi sự nghiệp đô thị hoá đang đòi hỏi phục vụ gấp. Có lẽ vì vậy mà gần đây, xu hướng  thuê tư vấn nước ngoài trở thành một yêu cầu, một giải pháp, một lối thoát.

"Tốt nhất thuê Tây quy hoạch cho ta". Hà Nội đi đầu. Nghe đâu Cần Thơ sẽ tiếp bước.

nguồn : tuanvietnam


Không có nhận xét nào: