Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Đọc báo sáng thứ bảy.

Công ước về quyền trẻ em tròn 20 tuổi, nhưng tình cảnh của nhiều thiếu niên trên thế giới còn rất đáng thương.
Liên Hiệp Châu Âu chỉ định vị Chủ tịch đầu tiên đại diện cho toàn khối.
Dư luận Pháp vẫn chưa « nuốt trôi » bàn tay của cầu thủ Thierry Henry cho phép đội tuyển Áo xanh đoạt vé tham dự cúp bóng đá 2010. Chính quyền Cam Bốt ra lệnh cấm toàn bộ nhân viên Thái Lan làm việc trong cơ quan kiểm soát không lưu sau khi một kỹ sư bị kết tội làm gián điệp. Phnom Penh vừa có thêm một động thái gây căng thẳng thêm trong quan hệ với Bangkok.
Trong nhiều ngày qua, những người tại Việt Nam muốn truy cập vào mạng Facebook đã gặp rất nhiều khó khăn. Theo hãng tin AFP, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã nhận được lệnh của bộ Công An là khoá cửa trang thông tin xã hội trên phạm vi toàn quốc từ cuối tháng 8.

Các cường quốc Liên Hiệp Châu Âu thỏa hiệp trong việc cử chủ tịch và ngoại trưởng để duy trì quyền lực

Tối 19/11/2009, lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã nhanh chóng đạt đồng thuận trên việc đề cử người vào hai chức vụ chủ chốt đại diện toàn khối trên trường quốc tế. Đương kim thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy, 62 tuổi, được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, một chức vụ tương đương với tổng thống một liên bang, trong lúc Ủy viên Thương mại Châu Âu người Anh, bà Nam tước Catherine Ashton, 53 tuổi, trở thành Đại diện Ngoại giao Cao cấp Châu Âu, tức là ngoại trưởng.
Theo tinh thần Hiệp định Lisboa vừa có hiệu lực sau khi được toàn thể 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu có nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, sẽ là đại diện thường trực cho Liên Hiệp Châu Âu trên các diễn đàn quốc tế, thay thế cho chế độ chủ tịch luân phiên 6 tháng một lần hiện hành cho đến nay. Còn ''Ngoại trưởng'' Liên Hiệp Châu Âu thì được giao phó trách nhiệm phụ trách vấn đề đối ngoại và an ninh, sánh vai cùng các đồng nhiệm khác Nga, Mỹ, Trung Quốc...
Hai nhân vật ít được biết đến và chưa nhiều kinh nghiệm
Điều nghịch lý mà các nhà quan sát nêu bật ngay sau khi tính danh hai nhân vật được công bố là cả hai người đều ít được biết đến ngoài phạm vi quốc gia của họ, đồng thời hầu như không có kinh nghiệm trong công việc được giao phó. Từ Bruxelles, Thông tín viên Quentin Dickinson ghi nhận :
Sau khi tên hai người được công bố, các lời chỉ trích mà người nghe thấy khắp nơi là ông Van Rompuy là một người không ai biết đến, trong lúc bà Ashton bị cho là không biết gì về lãnh vực sẽ đảm trách.
Thoạt nhìn thì thật khó mà bác bỏ các đánh giá trên. Herman Van Rompuy đã xây dựng sự nghiệp của mình trên thái độ khiêm tốn, khắc khổ, dè dặt. Bây giờ thì người ta yêu cầu ông làm nhân vật có mặt mọi nơi, làm gương mặt đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu, không chỉ đối với các công dân Châu Âu, vốn sẽ phải vất vả để ghi nhớ và đọc tên ông, mà cả đối với thế giới.  Vả lại, quyết định đầu tiên của ông Rompuy là sẽ không tiếp xúc với báo chí truyền thống trong những tuần lễ tới đây.
Còn bà Nam tước Catherine Ashton, thì chưa bao giờ được bầu làm đại diện dân cử. Trong chính quyền bà cũng chưa hề làm bộ trưởng. Cho đến nay thì bà chỉ nắm giữ những chức vụ thứ yếu tại Anh Quốc mà thôi. Riêng trong lãnh vực ngoại giao quốc tế, nơi mà những mối quan hệ quen biết cá nhân là những yếu tố tối cần thiết, thì bà không hề có một kinh nghiệm nào cả.
Xin nhắc lại là ông Herman Van Rompuy chỉ mới được cử làm thủ tướng Bỉ trong vòng không đầy một năm nay, còn bà Catherine Ashton thì cũng mới được bổ nhiệm làm Ủy viên Thương mại Châu Âu, thay thế cho ông Peter Mandelson vào tháng 10 năm 2008.  Kinh nghiệm hoạt động tầm cỡ thế giới của họ như vậy không là bao, trong lúc trách nhiệm chính của họ sắp tới đây sẽ là thay mặt Châu Âu.
Các nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu muốn duy trì uy thế ?
Như vậy tại sao các lãnh đạo Châu Âu lại chọn lựa hai nhân vật này ? Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, thủ tướng Đức Angela Merkel là hai người tiến cử ông Van Rompuy, trong lúc chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso và thủ tướng Anh Gordon Brown thì nhất trí ủng hộ bà Ashton. Một số nhà quan sát đã cho rằng sở dĩ hai người này được các thành viên châu Âu, đặc biệt là các nước nặng ký như Pháp, Đức và Anh thỏa hiệp với nhau để tán đồng, đó là vì họ sẽ không lấn lướt uy thế của các quốc gia đang là đầu tầu trong khối. Thông tín viên Quentin Dickinson phân tích :
Loạt chỉ trích thứ hai nhắm vào phương thức đề cử hai gương mặt đầu đàn mới của Châu Âu, sau nhiều tuần lễ mặc cả bí mật. Ngay cả nhiều người tham gia cuộc họp tối qua cũng nói rằng họ hy vọng lần này sẽ là lần cuối mà họ thấy một cách chọn lựa như thế.
Nhưng dầu sao thì mục tiêu chủ yếu đã đạt được : cặp Van Rompuy - Ashton sẽ không che khuất uy thế của đương kim chủ tịch ủy ban Châu Âu, José Manuel Barroso cũng như các lãnh đạo quốc gia Châu Âu đã tiến cử họ

Chức chủ tịch Hội đồng châu Âu : hữu danh vô thực

Sự kiện nổi bật trong phần thời sự châu Âu đương nhiên là việc khối này vừa chọn ra hai nhân vật đại diện cho toàn Liên Hiệp. Le Figaro đưa tin nhưng không bình luận nhiều. Libération không khoan nhượng với hàng tựa « Liên Hiệp Châu Âu : một ông chủ tịch để làm cảnh »
Đương kim thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy và ủy viên châu Âu đặc trách hồ sơ thương mại, bà Catherine Ashton người Anh được 27 nước thành viên chỉ định vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu và phó Chủ tịch kiêm đại diện ngoại giao của Liên Hiệp.
Cả hai nhân vật cùng bị coi là khá « mờ nhạt »
Trên sân khấu chính trị quốc tế, Van Rompuy hoàn toàn không được biết đến. Ông cũng chưa bao giờ lên tiếng về vấn đề Châu Âu. Cặp bài trùng và cũng là động cơ của con tàu Châu Âu là Pháp và Đức khó có thể nào tìm được một người đứng đầu Liên Hiệp « kín tiếng » hơn thủ tướng đương nhiệm của vương quốc Bỉ.
Tờ báo mỉa mai : một trong những đức tính lớn của chủ tịch Hội đồng châu Âu tương lai là ông có tài của một  ông bác sĩ « gây mê » để ru ngủ dư luận trước những vụ xung đột chính trị hay mang màu sắc sắc tộc.
Tài đức của ông chủ tịch hội đồng châu Âu thế nào chưa biết, chỉ biết rằng theo tiết lộ của báo kinh tế Les Echos khi chính thức nhậm chức vào ngày 1/1/2010 Herman van Rompuy sẽ nhận được khoản lương trên 300 ngàn euro một năm thêm vào đó là nhiều khoản thù lao phụ trội. Văn phòng chủ tịch của ông sẽ bao gồm 22 cộng tác viên. Ngân sách của Hội đồng châu Âu dựu trù vào năm tới là 25 triệu euro.
Ủy tín của Châu Âu ?
Trở lại câu hỏi tại sao Liên Hiệp Châu Âu lại đề cử hai nhân vật mờ nhạt đại diện cho cả khối : theo cái nhìn của Libération, đơn giản là vị họ sẽ không làm lu mờ các lãnh đạo của 27 nước thành viên trong khối cho dù đây là "sự chọn lựa tệ hại nhất".
Một « tai họa » như lời một nhà báo Anh nói về bà Ashton : « Bà là một người thông minh, nhưng chưa từng được bầu lên ở một chức vụ nào và không có lấy một ít kinh nghiệm về bang giao quốc tế. Bà là người của đảng Lao động đưa vào ».
Theo quan điểm của một nhà ngoại giao châu Âu được Libération trích dẫn, với việc đề cử bà Catherine Ashton, ý đồ phá hoại Liên Hiệp của Luân Đôn coi như đã thành công !
Catherine Ashton sẽ làm thế nào để bảo vệ lập trường của Bruxelles trên bàn cờ quan hệ quốc tế khi bà phải đối đầu với những nhà ngoại giao lão luyện như Hillary Clinton của Mỹ, hay các các ông Dương Khiết Trì của Trung Quốc và Sergei Lavrov của Nga ?
Công ước quốc tế về quyền trẻ em
20 năm sau khi chính thức ra đời, quyền của trẻ vị thành niên bị chà đạp hầu hết khắp nơi trên thế giới. Le Monde ghi nhận một số tiến bộ cụ thể là trong lĩnh vực bảo đảm y tế và giáo dục.
Tuy nhiên hiện có koảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới, chủ yếu là tại châu Phi và Nam Á vẫn không được bảo đảm về các quyền cơ bản. Tại hai châu lục này, tỷ lệ trẻ em bị cưỡng bức hôn nhân phá kỷ lục. Hai phần ba không có khai sinh. Ngoài ra hàng năm có đến 1,2 triệu trẻ em trên thế giới bị mua đi bán lại ; 150 triệu trẻ nhỏ sống trong cảnh màn trời chiếu đất, và có từ nửa 500 triệu đến 1 tỷ rưỡi em bị gia đình hay xã hội hành hạ thể xác.
Báo L'Humanité chú ý nhiều hơn đến tình trạng của riêng nước Pháp : năm 2007, tại Pháp đã có đến 47 trẻ em thiệt mạng vì bị gia đình đánh đập, hai triệu thiếu niên sống dưới ngưỡng nghèo khó, bốn chục ngàn em phải tự kế sinh nhai ; 150 ngàn trẻ nhỏ trong cảnh thất học.
Bàn tay của cầu thủ Thierry Henry
Về thời sự nước Pháp, báo cáo của hai cựu thủ tướng Juppé và Rocard về dự án vay 35 tỷ euro nhằm để tài trợ nhiều công trình đầu tư công cộng dài hơi tuy được nhắc đến, nhưng có lẽ không thu hút chú ý độc giả bằng các bài phân tích về "bàn tay thần diệu" của cầu thủ bóng đá Thierry Henry trong trận đấu lượt về với đội tuyển Ai Len ngày 18/11. Nhừ thủ hòa, Henry đã mở đường cho đội tuyển quốc gia đến Nam Phi vào năm tới.
Bàn tay của đội trưởng Henry trở thành một chuyện « quốc gia đại sự », tựa lớn trên trang nhất của báo Le Figaro. Một cái gai trong quan hệ giữa Paris và Dublin, như xã luận bài báo cho thấy : tại cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tối hôm qua, thủ tướng Ai Len đã ngỏ ý với ông Sarkozy là nên để cho đội tuyển hai nước đấu lại trận lượt về.
Riêng giới hâm mộ bóng đã thì dường như vẫn chưa « nuốt trôi » kết quả chận đấu vừa qua : về phía Ai Len, thì niềm tự hào của cả một dân tộc bị tổn thương. Đối với giới yêu thể thao của Pháp thì thanh danh của cả một dân tộc bị xúc phạm.
Le Figaro cay đắng đưa ra nhận xét : những năm gần đây, Pháp chẳng vinh dự gì trong các Cúp bóng đá thế giới. Người ta còn nhớ cú húc đầu của ngôi sao Zinedin Zidane. Lần này lại đến lượt bàn tay tội lỗi của thần tượng Thierry Henry. Cầu thủ bóng đá là những ngôi sao, « là thần tượng của hàng triệu thanh thiếu niên, họ phải là những tấm gương sáng không tì vết ».
Libération không khoan nhượng đăng ảnh một bàn tay ngay trên trang đầu. Đó là bàn tay trái của Henry. Ở trang trong là hình ảnh của một Thierry Henry giơ cả một cánh tay để tố cáo đối thủ đụng tay vào bóng trong một trận đấu ở cúp vô địch châu Âu 2008. Thắc mắc lớn của tờ báo là tại sao một cầu thủ danh tiếng và uy tín như Thierry Henry lại không báo với trọng tài là anh đã đụng tay vào quả bóng ?
Về chiếc vé đi Nam Phi vào năm tới, Libération gọi đây là một "chiến thắng vô đạo đức".
Bàn tay « tội lỗi » của Thierry Henry khiến Libération điểm lại một vài bàn tay khác trong các trận đấu quyết liệt trên sân cỏ quốc tế : năm 1986 cầu thủ Achentina, Diego Maradona đã loại đổi tuyển Anh trong trận tứ kết ở cúp bóng đá thế giới Mêhico.
Năm 1990 cánh tay của Vata trong đội tuyển Lisboa đã làm tiêu tan hy vọng của Marseille ở trận bán kết cúp Châu Âu.Gần 20 thập niên sau, người dân Marseille vẫn chưa quên cánh tay định mệnh đó.

Cam Bốt cấm nhân viên Thái đến làm việc tại trạm kiểm soát không lưu ở phi trường Phnom Penh

Thông tín viên Phamk Phan tường thuật từ Phnom Penh.
"Hôm qua 19/11, chính quyền Cam Bốt đứng ra nắm giữ Cơ Quan Kiểm Soát Không Lưu tại phi trường Phnom Penh do người Thái điều hành hoạt động và ngăn cấm tất cả nhân viên người Thái không được đến làm việc tại đây nữa sau khi bắt giữ một kỹ sư Thái bị cho là ăn cắp thông tin liên hệ đến chuyến bay ông Thaksin và Thủ Tướng Hun Sen.
Cơ Quan Kiểm Soát Không Lưu thuộc công ty Samart có trụ sở tại Băng Cốc và đã ký hợp đồng làm việc với chính quyền Cam Bốt trong thời gian 32 năm. Hiện tại cơ quan này thuê mướn 9 người Thái trong phần hành chuyên môn. Các đại diện Cơ Quan Hàng Không Dân Sự Cam Bốt từ chối bình luận về việc chính quyền chiếm quyền kiểm soát Cơ Quan Kiểm Soát Không Lưu trong thời gian bao lâu.
Phát Ngôn Nhân Hội Ðồng Bộ Trưởng ông Phay Siphan nói sự kiện chính quyền đảm nhận cơ quan này chỉ là tạm thời nhưng cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn công cộng. Những hoạt động tài chính của Cơ Quan Kiểm Soát Không Lưu sẽ không bị ảnh hưởng. Hành động này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Jatuporn Prompan, dân biểu thuộc đảng đối lập Puea Thái nói rằng ông có băng ghi âm việc Ngoại Trưởng Thái Kasit Piromya ra lịnh ăn cắp thông tin chuyến bay của ông Thaksin. Tuy nhiên Bộ Ngoại Giao Thái phủ nhận sự hiện hữu của băng ghi âm này.
Ngoại Trưởng Thái đang chờ thêm thông tin về việc chính quyền Cam Bốt nắm giữ Cơ Quan Kiểm Soát Không Lưu để có hành động đáp trả thích ứng. Khi tình hình quan hệ Thái – Cam Bốt cứ nóng dần lên, Bội Vụ Cam Bốt đề ra chỉ thị ghi ngày 15/10 kêu gọi các giới chức chính quyền phải bảo vệ thông tin liên hệ đến an ninh nhà nước. Phát Ngôn Nhân Bộ Nội Vụ Cam Bốt ông Khieu Sopheak nói rằng các biện pháp này nhằm đáp ứng với hoàn cảnh ngoại giao hiện thời.
Viên kỹ sư Thái ông Siwarak Chotipong hiện đang bị tạm giam tại nhà tù Prey Sar ở ngoại ô Phnom Penh chờ xét xử. Luật sư biện hộ cho Siwarak là Kav Soupha nói hôm thứ Năm là ông không tin việc lộ ra ngoài thông tin về chuyến bay cựu Thủ Tướng Thái Thaksin sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia Cam Bốt".

Tại Việt Nam, giới cung cấp dịch vụ Internet xác nhận chính quyền đã phong tỏa mạng Facebook

Theo hãng tin AFP, bộ phận tiếp xúc với khách hàng của một công ty cung ứng dịch vụ Internet tại Việt Nam hôm qua, 19/11/2009 đã xác nhận : chính quyền đã ra lệnh phong tỏa mạng này. Trả lời câu hỏi của AFP với tư cách một người sử dụng bình thường, công ty này cho biết đã đóng cửa trang Facebook từ nhiều ngày qua. Theo nguồn tin này : ''Chúng tôi đã nhận được lệnh của bộ Công An là khoá cửa trang này trên phạm vi toàn quốc từ cuối tháng 8''.
Cũng theo nguồn tin trên, các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác chắc chắn cũng đã nhận được chỉ thị kể trên. Tuy nhiên, khi được hỏi qua điện thoại thì các công ty đó chỉ nêu lên vấn đề kỹ thuật mà thôi. Riêng hai công ty FPT và VNPT thì đã trả lời thẳng thắn với hãng tin Đức DPA rằng họ đã nhận được lệnh của chính quyền từ tuần trước, và bắt đầu áp dụng chỉ thị kể từ tuần này.
Theo ghi nhận của AFP, từ hơn một tuần lễ nay, việc phong tỏa không còn liên tục nữa, nhưng nhiều người sử dụng Internet vẫn than phiền là khó truy cập được vào trương mục Facebook của họ. Một người xin giấu tên đã nói với AFP rằng anh bị trở ngại trong những ngày trước đây, nhưng đến hôm qua thì đã vào được trang của mình.
Đối với hãng AFP, chính quyền Việt Nam đã hiểu rõ là mạng Internet cung cấp cho người dùng một quyền tự do ngôn luận không thể thấy nơi các phương tiện thông tin truyền thống. Mới thứ ba vừa rồi, bộ trưởng bộ Thông tin Việt Nam đã nhắc lại ý định kiểm soát internet một cách chặt chẽ hơn.
Theo ghi nhận của hãng tin Đức DPA, chính quyền Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều biện pháp nhằm đàn áp các tiếng nói bất đồng trên mạng internet và trên báo chí. Nhưng đây là lần đầu tiên mà chính quyền tìm cách phong toả nguyên một mạng xã hội.
nguồn : rfi





Không có nhận xét nào: