Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Bonus : Để trả lời cho một câu hỏi.

Khi đoàn thuyền thứ nhất (first fleet) chở tù nhân cập bến cảng New South Wales vào năm 1788, mốc lịch sử nầy được xem như là khởi điểm của Nước Úc . Đến năm 1901 thì Hoàng Gia Anh giao quyền tự trị lại cho người bản xứ, mãi đến sau nầy vào năm 1986 thì các văn bản xác nhận quyền tự trị mới được ký trên văn tự. Dù là thế, người dân Úc vẫn thích giữ lại sự quan hệ mật thiết với Nước Anh, có thể đây là điểm tâm lý, chứng tỏ rằng dù nằm trơ trọi ở tận Nam Bán Cầu, họ vẫn luôn là dòng dõi người da trắng.

Từ lúc ban đầu đến khoảng thập niên 70, dân Úc vẫn cho rằng đây là một quốc gia may mắn (lucky country), đất rộng mênh mông lại nhiều tài nguyên thiên nhiên. Điển hình là một trang trại ở Úc cũng phải đến vài chục ngàn mẫu, trang trại lối tiểu thương cũng đo được vài trăm mẫu, trang trại dùng để nghỉ ngơi xả xì chét thì vài chục mẫu là thường. Có thể nói rằng, nước Úc thừa của lắm tiền là nhờ vào tài nguyên thiên nhiên. Lúc xưa, chỉ với việc sản xuất lúa mì và chăn nuôi trừu bò, khai thác quặng mỏ, ngân khố đã đầy ắp tiền. Những ngành kỹ nghệ khác vẫn có nhưng chỉ là phụ thuộc.

Vì là một quốc gia trẻ, Nước Úc từ đó đến nay vẫn lệ thuộc vào việc thu nhận người di dân để cân bằng vấn đề lao động. Di tích lịch sử cho thấy người Hoa đã có mặt vào những ngày đầu tiên, lúc phong trào tìm vàng ở Sovereign Hill, Ballarat thuộc bang Victoria đang sôi nổi. Phải ngầm hiểu là chính vì thế mà người Hoa có tổ tiên thuộc nhóm khai phá Nước Úc là những người rất giàu có, nhưng dân tộc nầy vốn kín tiếng nên khó mà nhận ra được thực chất của họ. Với sự bành trướng của người Hoa và sự lớn mạnh của người Nhật từ thế giới bên ngoài nên mới phát sinh ra chủ trương Nước Úc cho người da trắng (the white Australia policy).

Đến những năm sau thế chiến, vì là đàn em của Anh nên Úc đã mở cửa thu nhận di dân từ các nước Châu Âu như Do Thái, Ý, Hy Lạp. Nếu là di dân thì dù xuất xứ từ đâu, cũng là những người rất chăm làm để gầy dựng cơ nghiệp. Điều nầy khác hẳn với truyền thống của những người tạm gọi là Úc rặc, không thích làm việc nhiều vì hơi đâu mà làm khi ông cha đã là những người nhiều tiền của. Dĩ nhiên là cũng có những sự căng thẳng nổi lên khi những người mới đến tạo dựng được cơ ngơi đàng hoàng, chỉ là trong chốc lát thôi vì vết thương nào cũng sẽ lành theo năm tháng.

Khi Úc theo chân Anh và Mỹ dính vào cuộc chiến Việt Nam, đến lúc ấy thì người di dân da vàng mới chính thức được thu nhận, chính sách Nước Úc cho người da trắng được cho vào xó. Sau người Việt thì từ đó đến nay, Nước Úc vẫn tiếp tục thu nhận người di dân, gần đây có dân từ Ethiopia, Sudan v.v… những dân thuộc các Nước Châu Phi.

Khoảng thập niên 80 thì Nước Úc lâm vào tình trạng kinh tế hồi trầm. Thời vàng son của việc buôn bán ngũ cốc, hàng hóa từ lông trừu vì bịnh cạnh tranh về giá cả trên thế giới nên đi vào chỗ bế tắc. Lập luận cho rằng nếu muốn có chỗ đứng thì Nước Úc phải trở thành một quốc gia khôn ngoan (clever country). Đây là hàng chữ in đậm cho những việc sẽ bàn sắp tới.

Đến giờ bóp chân, khi nào rãnh tớ sẽ viết tiếp.

PHT


Không có nhận xét nào: