Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Nhật Bản đòi quyền bình đẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ

Thủ tướng Hatoyama công khai tuyên bố Tokyo muốn có quan hệ bình đẳng với đồng minh chiến lược là Hoa Kỳ đặc biệt trong vấn đề tương lai căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. Đây sẽ là bài toán trắc nghiệm về tính khả tín của chính phủ trung tả Nhật Bản.
Hôm nay (26/10) phát biểu trước Nghị viện về chính sách của tân chính phủ, thủ tướng Yukio Hatoyama đã công khai tuyên bố là Nhật Bản muốn có quan hệ bình đẳng với đồng minh chiến lược là Mỹ.
Theo giới quan sát, sau nửa thế kỷ thuần phục Hoa Kỳ giờ đây Tokyo dám đương đầu, có những tiếng nói khác biệt với Washington, đặc biệt trong vấn đề tương lai căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Okinawa. Đây sẽ là bài toán trắc nghiệm về tính khả tín của chính phủ trung tả Nhật Bản.
Tuần trước, để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Nhật Bản của tổng thống Barack Obama, vào các ngày 12-13 tháng 11, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tới Tokyo và có ý định buộc chính phủ Hatoyama phải tôn trọng thỏa thuận được ký kết năm 2006 về việc quy hoạch lại các căn cứ quân sự Mỹ, được đặt trên lãnh thổ Nhật Bản từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai.
Ông Gates còn đòi chính phủ Nhật Bản phải giải quyết xong vấn đề này trước khi tổng thống Obama tới Tokyo.
Một trong những bất đồng chính giữa Mỹ và Nhật Bản trong hồ sơ này là dự án di chuyển căn cứu không quân Futenma. Sân bay trực thăng của lực lượng Marines Mỹ này ở gần thành phố Ginowan, trung tâm Okinawa, gây ra nhiều nguy hiểm và tiếng ồn đối với người dân.
Theo thỏa thuận 2006, căn cứ này sẽ được chuyển đến vịnh Henoko, ở phía bắc hòn đảo vào năm 2014 và khoảng 8000 binh sĩ Mỹ cũng sẽ được rút từ Okinawa về căn cứ Guam. Nhật Bản sẽ phải tài trợ một phần lớn các chi phí di chuyển nói trên.
Ngoài việc không chấp nhận các căn cứ quân sự, người dân Okinawa còn rất bất bình sau những vụ binh sĩ Mỹ gây tai nạn hoặc phạm tội ác đối với thường dân mà không bị trừng phạt thích đáng do họ được hưởng quy chế đặc biệt.
Do vậy, chính phủ của thủ tướng Hatoyama muốn xem xét lại thỏa thuận 2006 và liên tục nhắc đến mong muốn đưa ra căn cứ này ra khỏi hòn đảo.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Hatoyama đã cam kết sẽ thiết lập mối quan hệ « bình đẳng » với Washington và sẽ chuyển căn cứ không quân Futenma đến một khu vực khác trên lãnh thổ Nhật Bản, qua đó, giảm nhẹ gánh nặng cho người dân Okinawa.
Hiện nay, Mỹ có gần một chục căn cứ quân sự và 47 ngàn binh sĩ hiện diện trên lãn thổ Nhật Bản. Hai phần ba số căn cứ này và trên 20 ngàn lính đóng tại đảo Okinawa.
Trước đòi hỏi của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã đáp lại rằng Nhật Bản là một Nhà nước dân chủ, tôn trọng ý chí của người dân. Ông nói « Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều mà Hoa Kỳ nói với chúng tôi, chỉ vì đó là Mỹ ».
Ngoài thỏa thuận 2006, chính phủ Hatoyama còn muốn xét lại quy chế ưu đãi dành cho binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.
Vừa qua, Tokyo còn tuyên bố, kể từ tháng giêng năm tới, sẽ chấm dứt các hoạt động tiếp tế nhiên liệu cho các tầu của Liên quân quốc tế phục vụ chiến trường Afghanistan, mở điều tra về những thỏa thuận bí mật giữa Washington và Tokyo trong những năm 60 của thế kỷ trước liên quan đến việc đưa vũ khí nguyên tử vào Nhật Bản.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Minoru Morita, tác giả cuốn « Chữa cho Nhật Bản khỏi căn bệnh phụ thuộc Mỹ », được AFP trích dẫn, « Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua, Nhật Bản nổi dậy chống lại Hoa Kỳ ».
Tờ Washington Post còn trích dẫn nhận định của một quan chức bộ Ngoại giao Mỹ, là đối với chính quyền Obama, « hiện nay, hồ sơ khó  khăn nhất không phải là Trung Quốc mà là Nhật Bản ».
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại tỏ ra thận trọng hơn. Theo họ, những khó khăn trong quan hệ Washington-Tokyo có thể do tân chính quyền Nhật Bản không có kinh nghiệm và mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước khó bị đe dọa.
Ông Kiichi Fujiwara, giáo sư chính trị quốc tế thuộc đại học Tokyo cho rằng vấn đề các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản giống như một câu chuyện dài nhiều tập không kết thúc.
Trong khi đó, giáo sư Takehiko Yamamoto, đại học Waseda thừa nhận là quan hệ Nhật-Mỹ căng thẳng nhưng không ai có thể tính tới việc giải thể liên minh chiến lược song phương. Bởi vì điều này sẽ dẫn đến những hậu quả trong lĩnh vực đối nội.
Theo giải thích của chuyên gia Morita, « trong suy nghĩ của mình, người dân Nhật Bản không độc lập và nếu Hoa Kỳ cảm nhận thấy chính quyền Hatoyama mềm yếu thì họ sẽ lấn lướt và áp đặt các đòi hỏi ».
Về phần mình, giáo sư Mikitaka Masuyanma, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị Quốc Gia cảnh báo, « nếu chính phủ Nhật Bản không thể đạt được một thỏa hiệp thì người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu nghi ngờ về khả năng lãnh đạo ».

Thủ tướng Nhật Bản hứa hẹn xây dựng một xã hội tương thân tương ái hơn

Trong khóa họp đặc biệt của Nghị viện ngày 26/10, thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã đọc một diễn văn nói về đường lối chính sách chung của tân chính phủ. Ông cam kết xây dựng một xã hội tương thân tương ái hơn, hạn chế lãng phí trong chi phí ngân sách.
Trong khóa họp đặc biệt của Nghị viện ngày 26/10, thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã đọc một diễn văn nói về đường lối chính sách chung của tân chính phủ.
Sau khi tố cáo những khía cạnh thái quá của chủ nghĩa tư bản, thủ tướng Hatoyama hứa hẹn sẽ xây dựng một xã hội tương thân tương ái hơn, hạn chế lãng phí trong chi phí ngân sách.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng công luận Nhật Bản đang chờ đợi những biện pháp cụ thể của tân chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế, giảm nạn thất nghiệp.
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles tường trình.
"Trước Quốc Hội, thủ tướng Yukio Hatoyama chỉ lên tiếng tố cáo những yếu tố thái quá của tư bản, ông gợi lên con số 1000 người tự tử hàng năm ở Nhật vì gặp khó khăn tài chính. Ông muốn chống lại tình trạng này bằng cách khôi phục truyền thống liên đới, trương trợ lẫn nhau của người Nhật. 
Nhưng ông Hatoyama lại không hề nói đến từ ngữ cải tổ. Vấn đề là nếu không cải tổ thì Nhật không thể thoát ra khỏi nạn giảm phát.
Về quan hệ với Hoa Kỳ, trong bối cảnh thủ tướng Nhật sẽ đón tổng thống Mỹ Obama trong hai tuần lễ tới đây, ông Hatoyama chưa nói được là ông có dời căn cứ không quân của Mỹ tại Okinawa đến một cái vịnh trong vùng như Hoa Kỳ đã yêu cầu hay không, hay đưa đến một nơi khác trên lãnh thổ Nhật Bản, hoặc là đóng hẳn căn cứ này, bất chấp ảnh hưởng đến liên minh với quốc gia che chở mình.
Thủ tướng Hatoyama chưa đọc hết đoạn một trong chính sách chung của ông trước Quốc hội, thì thị trường chứng khoán Tokyo đã bắt đầu giảm sụt. Các nhà đầu tư cũng như đa số người dân Nhật chờ đợi thủ tướng của họ nói rõ là ông sẽ làm cách nào để tạo ra công việc làm, đưa kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát, thu hẹp món nợ nhà nước, mà theo một số đánh giá, có thể chiếm từ 210 đến 240% của GDP, vào tài khoá này.
Về đối ngoại, cũng trong bài diễn văn hôm nay, thủ tướng Hatoyama nhắc lạ cam kết của ông trong chiến dịch vận động tranh cử là tạo vị thế để Nhật Bản bình đẳng trong quan hệ với đồng minh chiến lược Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên, kể từ nửa thế kỷ qua, một thủ tướng Nhật Bản dám đưa ra những tuyên bố cứng rắn, đòi bình đẳng trong bang giao với Mỹ".

nguồn : RFI





Không có nhận xét nào: