Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc muốn thay đổi định kiến của các nước giàu đối với tình trạng di dân nhập cư
Từ lâu nay, các nước phát triển vẫn tìm mọi cách ngăn chặn làn sóng di dân từ các nước nghèo, xem đó như một gánh nặng. Báo cáo của UNDP - Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc được công bố hôm 05/10 và được Le Monde giới thiệu hôm nay, có ý muốn xóa bỏ định kiến ấyTrước hết nói về làn sóng di dân từ các nước phía nam, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy, số di dân từ các nước nghèo tới các nước giàu chỉ là một con số nhỏ. Trên tổng số một tỷ người di cư trên toàn cầu, thì 740 triệu người đã thay đổi địa bàn họat động trên chính đất nước họ, tức gấp ba lần con số di dân quốc tế.
Đi xa để kiếm sống
Hiển nhiên, làn sóng di dân tới những nước nghèo chỉ chiếm một phần nhỏ nhoi. Tỷ lệ di dân tới những nước có chỉ số phát triển con người (gọi tắt là IDH) thấp là dưới 1% so với gần 5% ở những nước có IDH cao. Khi đã đặt chân tới một nước giàu, người di cư từ nước có IDH thấp có thể nâng thu nhập của họ lên gấp 15 lần, số con cái được tới trường tăng gấp đôi trong khi tử suất trẻ con giảm bớt gấp 16 lần.
Điều đáng ngạc nhiên hơn, ngay người dân những nước đang phát triển thay đổi nơi làm việc trên đất nước họ hay tới những nước cùng mức độ phát triển thì thu nhập của những người nghèo nhất cũng được cải thiện. Tại Guinée chẳng hạn, chỉ số phát triển con người của những người thay đổi đất sống cũng cao hơn những người bám lấy mảnh đất quê hương 23%.
Lao động hải ngoại góp phần xây dựng đất nước
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2008, số tiền mà người lao động nhập cư ở các nước đang phát triển gởi về quê nhà đã đạt 308 tỷ đôla, gấp 3 số viện trợ phát triển của thế giới. Đối với các nước nghèo, số tiền này còn là nguồn ngoại tệ quý giá. Do hậu quả khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lượng kiều hối thế giới năm 2009 đã giảm xuống còn 293 tỷ đôla. Ở Senegal, lượng kiều hối cao gấp 12 lần vốn đầu tư ngoại quốc.
Vào lúc các nước giàu tìm cách ngăn chặn quyết liệt hơn các làn sóng di dân, báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy người lao động nhập cư gây thiệt hại cho nền kinh tế, thị trường lao động hay ngân sách nước chủ nhà trong khi ngược lại, người nước ngoài định cư góp phần đa dạng hóa xã hội và khả năng đổi mới.
Nước tíếp nhận di dân có lợi nhiều hơn thiệt hại
Căn cứ trên các nghiên cứu, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc cho biết, di dân giúp tăng thêm việc làm, và trong ngắn hạn, sự gia tăng dân số làm tăng Tổng sản phẩm quốc nội thực sự của mỗi đầu người .
Theo nhận định này, PNUD cho rằng, tình trạng suy thóai hiện nay là cơ hội cho các nước phía bắc sửa đổi chính sách nhập cư như tăng thêm tỷ lệ lao động nhập cư, đặc biệt là lao động giản đơn, cho phép họ dễ dàng được hưởng các quyền lợi và dịch vụ công ích v.v.. Tình trạng dân số đang sụt giảm và già đi ở các nước tiên tíến được Liên Hiệp Quốc nhắc đến như là một yếu tố cần lưu ý trong việc xét lại chính sách nhập cư. Tại châu Âu, số người trong tuổi lao động sẽ bớt đi 23% trong thời gian từ 2010 đến 2050.
Nhưng cũng nên để ý tới một nhận định của nhà nghiên cứu Catherine Wihtol de Wenden khi trả lời phỏng vấn trên Le Monde trong hồ sơ di dân là các nước giàu chỉ có lợi với điều kiện phải có quy chế rõ ràng cho người nhập cư, những người này sẽ trả những khỏan đóng góp xã hội, họ tiêu thụ, gởi tiền về giúp gia đình, chứ không nên để họ sống trong tình trạng trốn lánh trong nhà suốt ngày vì không có giấy tờ hợp lệ.
Trung Quốc hay những thách thức của một Nhà nước độc đảng
Nhân 60 năm Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trên Le Monde, nhà chính trị học, chuyên nghiên cứu về Trung quốc Jean Luc Domenach đã tìm cách làm sáng tỏ những mảng tối trên bức tranh lịch sử 60 năm chế độ cộng sản trên lục địa này.
Người ta khó hiểu lịch sử cầm quyền của chế độ cộng sản Trung Quốc vì trước hết nó gồm hai đọan tương phản nhau trong chính sách : thời kỳ Mao Trạch Đông (1949 đến 1976) và thời kỳ ưu tiên phát triển kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Từ một chế độ độc tài quan liêu, Trung Quốc chuyển sang chế độ tòan trị tài phịệt ngày càng đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không phải là những nhân vật xuất chúng và họ cũng không muốn mọi người tin tưởng như thế, đó chỉ là những người được ủy quyền cai trị mà thôi.
Một trong những biến cố quan trọng có thể thay đổi chế độ Trung Quốc là cuộc nổi dậy mùa xuân 1989 khi giới trẻ, được sự ủng hộ của dân chúng đã giương cao ngọn cờ dân chủ theo kiểu Tây phương. Đây là một sự thách thức triệt để đối với giai cấp lãnh đạo và họ đã không ngần ngại đàn áp đẫm máu thành phần thanh niên phản kháng trước sự chứng kiến của tòan thế giới qua màn ảnh truyền hình. Một khi củng cố được quyền lực sau biến cố Thiên An Môn, chế độ tòan trị Trung Quốc đã chọn một giải pháp táo bạo, gia nhập thị trường thương mại tòan cầu hóa mà mục tiêu cuối cùng là gia nhập WTO năm 2001.
Lấy phát triển kinh tế để biện minh cho mọi sai lầm lịch sử, cho chế độ tòan trị, cho chủ trương đại Hán, nhưng ngày nay Trung Quốc phải gánh hai di sản nặng nề. Một bên là con cháu những bậc công thần đang giữ những chức vụ quan trọng ở cấp địa phương, còn nặng tinh thần quan liêu tỉnh lẻ, cản trở chỉ đạo cấp trung ương. Một bên là những lãnh đạo đang tài phiệt hóa ngày càng nhiều trong những năm gần đây, thường là những thế lực hỗ trợ mạnh mẽ cho các công ty xuất khẩu.
Hai sức mạnh này đối nghịch nhau có thể gây ra rối loạn trong guồng máy cầm quyền, làm cản trở những chủ trương cần thiết cho đất nước. Nói cách khác, sau những thắng lợi gần đây, Trung Quốc có thể sẽ phải đối phó với một thời kỳ mới nhiều khó khăn và phức tạp hơn.
Không có gì bảo đảm là Bắc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân
Hôm qua, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã tuyên bố với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo là Bình Nhưỡng sẳn sàng trở lại đàm phán sáu bên. Nhưng ông Kim Jong Il đã kèm theo điều kiện là trước hết Bắc Triều Tiên phải thương lượng song phương với Hoa Kỳ để cải thiện quan hệ giữa hai nướcQua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ, hôm qua cũng đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận song phương trong khuôn khổ đàm phán sáu bên. Nhưng Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ toàn bộ các vũ khí hạt nhân. Việc Bình Nhưỡng đặt điều kiện ràng buộc đàm phán sáu bên với thảo luận song phương với Hoa Kỳ khiến các nhà phân tích nghi ngờ về thực tâm của Bắc Triều Tiên. Nói cách khác, chưa có gì bảo đảm là chế độ Kim Jong Il sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.
Theo lời ông Yu Ho Yeol, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Séoul, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, việc Bình Nhưỡng chấp nhận trở lại bàn đàm phán với điều kiện thật ra là một cử chỉ ngoại giao để vớt vát thể diện cho Bắc Kinh. Ông Yu Ho Yeol nhận định rằng : '' Bắc Triều Tiên vẫn nhắm tới mục tiêu là được công nhận như là một cường quốc hạt nhân, nhưng vẫn tiếp tục được Trung Quốc trợ giúp kinh tế và giải tỏa các biện pháp cấm vận của quốc tế. Mục tiêu của họ không phải là đối thoại''.
Việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân là điều khó tin
Ông Peter Beck, nhà nghiên cứu tại trường đại học Stanford, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn hôm nay, cũng cho rằng Bắc Triều Tiên '' rõ ràng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc và chứng tỏ là họ đánh giá rất cao những trợ giúp kinh tế của Trung Quốc''.
Nhưng theo ông Peter Beck, Bình Nhưỡng vẫn dọn sẵn đường rút, nếu mà thấy không đạt được những gì mong muốn, họ sẽ lại rời khỏi bàn hội nghị. Ông Peter Beck, nhấn mạnh rằng : ''Gần đây, Bắc Triều Tiên đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ về sự cần thiết của chương trình phát triển vũ khí nguyên tử. Cho nên, khó có thể tin rằng họ sẽ nhanh chóng từ bỏ chương trình đó''.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay trích lời ông John Feffer, thuộc Viện nghiên cứu chính sách tại Washington, cũng cho rằng những tuyên bố của ông Kim Jong Il chỉ là nhằm làm hài lòng Trung Quốc. Bắc Triều Tiên thấy rằng Trung Quốc là quốc gia bỏ công sức nhiều nhất cho tiến trình đàm phán đa phương. Cho nên, họ nói với Trung Quốc những điều Trung Quốc muốn nghe, tức là đàm phán đa phương rất quan trọng.
Ông Denny Roy, thuộc Trung tâm Đông Tây ở Honolulu, cho hãng tin Yonhap biết là có thể đặc phái viên của Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Bosworth sẽ gặp đại diện Bắc Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hoặc ở Bắc Kinh, nhưng ông không nghĩ là các cuộc thương lượng sẽ dễ dàng hơn trước.
Về phần ông Yang Moo Jin, thuộc trường đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, tỏ ra lạc quan hơn vì ông dự báo một kịch bản là đầu tiên sẽ có cuộc họp bốn bên gồm hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ và Trung Quốc, để chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, Bình Nhưỡng có thể trở lại đàm phán sáu bên.
Nhưng đó cũng chỉ là những dự báo. Trong bối cảnh mà chế độ khép kín nhất thế giới này đang chuẩn bị cho việc kế nhiệm lãnh tụ Kim Jong Il, lập trường của Bình Nhưỡng có thể thay đổi 180 độ, như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Giải Nobel y học lần thứ 100 được dành cho công trình nghiên cứu có thể giúp con người "trẻ mãi không già"
Hôm qua, Ủy ban Nobel đã dành giải thưởng y học lần thứ 100 tặng cho ba nhà khoa học Mỹ mà thành quả nghiên cứu của họ là khám phá phân hóa tố télomérase, bảo vệ tế bào không bị lão hóa đến mức được xem là "trường sinh bất tử".Giáo sư người Mỹ gốc Úc Elisabeth Blackburn, đại học California, cũng như hai đồng nghiệp Mỹ là giáo sư Carol Greider, đại học John Hopkins và giáo sư Jack Szostak, đại học y khoa Harvard khởi đầu các công trình nghiên cứu của họ do sự tò mò.
Các chuyên gia này không hiểu nhờ vào sự che chở nào mà hệ nhiễm sắc thể trong tế bào luôn được bảo toàn sau mỗi lần phân bào. Trong quá trình này, phân hóa tố Telomerase có vai trò vô cùng quan trọng.Giải Nobel vật lý về tay ba nhà khoa học ''bậc thầy về ánh sáng''
Giải Nobel vật lý hôm nay đã được trao cho ba nhà khoa học được coi là '' bậc thầy về ánh sáng '', đó là ông Charles Kao, người đi tiên phong trong lĩnh vực sợi quang học, và cặp bài trùng George Smith và Willard Boyle, hai người đã làm thay đổi sâu rộng lĩnh vực ảnh kỹ thuật số.
Ông Charles Kao là người gốc Hoa, sinh trưởng tại Thượng Hải, Trung Quốc, và hiện giờ có cả hai quốc tịch Anh và Mỹ. Ông hiện đang làm công tác thuyết trình tại Hồng Kông.
Về phần mình,
Theo Ủy ban Nobel, các công trình của ba nhà khoa học nói trên, là tiền đề của nhiều sáng chế hữu dụng cho cuộc sống thường ngày và của nhiều dụng cụ mới cho nghiên cứu khoa học.
nguồn : RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét