Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Quốc hội Mỹ phạt nghị sỹ như thế nào?

Nguồn tin: Theo Slate Magazine
Ngày đăng: 7 giờ trước

Tháng trước, Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết khiển trách hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Joe Wilson vì hành vi chỉ tay và quát "ông nói dối" khi Tổng thống Barack Obama đang đọc bài phát biểu về kế hoạch cải cách y tế trước Quốc hội.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên và là cách duy nhất Quốc hội Mỹ phạt các thành viên của mình.

Nặng nhất là tước quyền nghị sĩ

Quốc hội Mỹ có thể chọn một trong ba hình thức xử lý các nghị sỹ mắc lỗi gồm: tước quyền nghị sỹ, phê bình và khiển trách.

Tước quyền nghị sỹ là loại kỷ luật nặng nhất. Hiến pháp Mỹ quy định, bất cứ nghị sỹ nào của Thượng viện hoặc Hạ viện đều có thể bị tước quyền nghị sỹ với 2/3 số phiếu thuận của các thành viên trong Quốc hội.

Trường hợp này thường xảy ra khi một nghị sỹ có hành vi phản bội, không trung thực với Chính phủ Mỹ hoặc lạm dụng quyền lực trong Quốc hội để phạm tội.

Trong lịch sử hoạt động, Hạ viện Mỹ đã tước quyền nghị sỹ của 5 thành viên, trong đó có 3 trường hợp tham gia Phe miền nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861); 1 trường hợp dính líu vào vụ nhận tiền hối lộ do FBI dàn dựng trong "chiến dịch Abscam" năm 1980; và 1 trường hợp nhận tiền "lại quả" năm 2002.

Đến nay, Thượng viện Mỹ đã tước quyền nghị sỹ của 15 người, trong đó có 14 người bị buộc tội phản bội thời kỳ nội chiến; 1 người là Thượng nghị sỹ William Blount bị cáo buộc lên kế hoạch giúp Anh xâm chiếm Tây Florida.

Năm 1856, sau khi cầm ba-toong đánh Thượng nghị sỹ Charles Sumner, Hạ nghị sỹ Preston Brooks ở bang Nam Carolina đã chủ động từ chức vì lo ngại sẽ bị Quốc hội Mỹ tước quyền thành viên.

Trong một số trường hợp khác, để tránh cuộc bỏ phiếu kỷ luật, khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ đang xem xét hình thức tước quyền nghị sỹ thì những người phạm lỗi đã nhanh chóng từ chức hoặc về hưu.

Phê bình là kiểu phạt nhẹ hơn. Đó chỉ là một nghị quyết mang tính hình thức do Quốc hội đưa ra để phê bình hành vi xấu của một nghị sỹ nào đó. Ngoài sự ô danh, người bị phê bình thường thất bại trong kỳ bầu cừ sau đó.

Thực tế chỉ có 1 trường hợp tái trúng cử sau khi bị Quốc hội phê bình. Đó là Thượng nghị sỹ Ben Tillman ở Nam Carolina, người đã tấn công một Thượng nghị sỹ khác trong phòng họp Quốc hội.

Ở Hạ viện, khi nghị quyết phê bình được thông qua, Chủ tịch Hạ viện sẽ đọc to để nghị sỹ mắc lỗi lĩnh hội. Ở Thượng viện, nghị quyết phê bình được đệ trình và bỏ phiếu tán thành cũng như các dự luật khác. Nó nhằm phê bình các "hành vi bừa bãi" trong và ngoài phòng họp như: sử dụng từ ngữ thô tục, nhận hối lộ...

Một số trường hợp bị phê bình đáng nhớ nhất gồm: Thượng nghị sỹ Joseph McCarthy với hành động từ chối hợp tác điều tra tư cách đạo đức của mình năm 1954; Thượng nghị sỹ Benjamin Tappan để lộ một Hiệp ước vào tay báo chí (1844); Thượng nghị sỹ William Bynum sử dụng "từ ngữ phi nghị viện" năm 1890...

Có thể phạt tiền

Khiển trách được coi là hình thức xử phạt nhẹ nhất. Tuy nhiên, cho tới nay ở Thượng viện, phê bình và khiển trách vẫn có giá trị ngang nhau.

Riêng ở Hạ viện, các thành viên khiển trách nghị sỹ khi lỗi của họ không nghiêm trọng đến mức Chủ tịch Hạ viện phải cảnh cáo chính thức, nhưng đáng bị đề cập ở chừng mực nào đó.

"Khiển trách" thường dưới dạng một cuộc bỏ phiếu với đa số đồng thuận. Sau đó, nó sẽ trở thành một phần lý lịch chính thức của người bị khiển trách.

Trường hợp đầu tiên theo dạng này xảy ra năm 1976 khi Hạ nghị sỹ Charles Wilson bị khiển trách vì hành vi sai trái liên quan tới tài chính trong vụ bê bối "Korea-gate" (Tình báo Hàn Quốc hối lộ một số nghị sỹ Mỹ để họ gây áp lực buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ bỏ ý định rút hết quân đội ra khỏi Hàn Quốc năm 1973). Trong vụ việc này, 3 nghị sỹ khác cũng đã bị khiển trách.

Cùng với việc phê bình hoặc khiển trách, Quốc hội Mỹ cũng có thể phạt tiền nghị sỹ nếu họ dính líu tới viếc sử dụng sai công quỹ, hoặc đơn giản bắt nghị sỹ trả chi phí điều tra.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì những lý do xung đột lợi ích, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ ngăn chặn cuộc bỏ phiếu trừng phạt nghị sỹ.
  • Võ Giang

Không có nhận xét nào: