Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Hèn chi !!! Quan hệ cá nhân Hun Sen-Thaksin khuấy động bang giao Cam Bốt-Thái Lan.

Thái độ công khai bênh vực cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin của đương kim thủ tướng Cambốt Hun Sen đang gây bất bình trong công luận Thái Lan. Nhật báo The Bangkok Post cho rằng ông Hun Sen đã vì tình bạn cá nhân mà sẵn sàng gây hấn với nước láng giềng.

Báo giới Thái Lan hôm nay 28/10/2009 không tán đồng chút nào về thái độ ân cần mà thủ tướng Cam Bốt đã bày tỏ đối với người bạn thất thế, và khả năng ông Thaksin đang sống lưu vong, có thể đến ở Cam Bốt nếu ông muốn, và thủ tướng Hun Sen sẵn sàng tìm việc làm cho ông. Cùng với những ngườI vẫn chống đối Thaksin, họ nhận thấy là cựu thủ tướng Thái Lan đang tìm cách quay trở lại khu vực, định cư ở Cambốt để gầy dựng lại sự nghiệp.

Tờ Bangkok Post đăng ảnh những người Thái Lan biểu tình trước Đại sứ quán Cam Bốt hôm qua đồng thời nhắc lại lời cựu thủ tướng Thái đã hứa là sẽ đến Phnom Penh để cám ơn ông Hun Sen, mà theo ông Thaksin, là một người bạn lâu đời.

Tờ báo cũng nêu phản ứng từ phía chính quyền Bangkok. Hôm qua, phó thủ tướng Thái cho biết là ông đã giải thích với thủ tướng Cam Bốt là ông Thaksin không phải là một nạn nhân. Phó thủ tướng Thái đồng thời cảnh báo nếu lãnh đạo cho phép ông Thaksin ở Cambốt thì Thái Lan sẽ sử dụng luật pháp quốc tế yêu cầu cho dẫn độ Thaksin.

Theo The Bangkok Post, Bộ Ngoại giao Thái đang chuẩn bị một công hàm gởi đến Phnom Penh giải thích tình hình. Trong lúc đó thì tư lệnh quân độI Thái Lan, khẳng định rằng thái độ của ông Hunsen sẽ không ảnh hưởng gì đến tình hình biên giới ở hai nước.

Tuy nhiên trong bài xã luận, The Bangkok Post tỏ ý không hài lòng về phản ứng của chính quyền Abhisit. Trước tiên là việc phủ thủ tướng và bộ ngoại giao, trong việc này, đã tấn công vào chủ tịch đảng Pua Thai, tướng Chavalit Yongchaiyudh, người đã phổ biến, công bố lời lẽ của thủ tưóng Cam Bốt. Theo tờ báo, chính quyền chỉ nhắm bắn vào ''người đưa thư''' thay vì bảo vệ quyền lợi quốc gia Thái.

Theo Bangkok Post, đáng lý ra chính quyền Thái Lan phải công khai nêu bật ''thái độ chia rẽ và không ngoại giao chút nào'' của lãnh đạo Khmer. Tờ  báo công nhận là khi đọc lại những lời chứng tỏ lập trường thân thiện Thaksin của ông Hun Sen - mà ông Chavalit đã trích dẫn - người ta đã thấy sáng tỏ nguyên nhân tại sao lãnh đạo Cam Bốt  lại thường tìm cơ hội để chống đối chính quyền và Nhà nước Thái Lan.

Tờ báo nhắc lại là từ giữa năm 2008, sau khi Thái Lan đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, thì ông Hun Sen luôn có những lời công kích Bongkok. Ông cũng đã vận động làm dấy lên một phong trào để đẩy Thái Lan ra khỏi chiếc ghế chủ tịch ASEAN, và liên tục gây khó khăn trong vấn đề biên giới chung quanh đền thờ Preah Vihear. Vào tháng 9 vừa qua, thì thủ tướng Cam Bốt còn ra lệnh cho quân độI nổ súng vào bất kỳ người Thái nào thâm nhập vào vùng biên giới đang tranh chấp.

Theo nhiều ngườI thì sở dĩ thủ tướng Hun Sen hành động hung hăng như thế, đó là vì quyền lợi của Cam Bốt. Thế nhưng, nhờ chuyến đi của ông Chavalit, người ta thấy rõ thêm nguyên nhân đằng sau thái độ thù nghịch của ông Hunsen đối với Thái Lan : đó là ông đã đi theo tiếng gọi của  "tình bạn mạnh mẽ đối vớI Thaksin'', cho rằng bạn của ông đã trở thành một nạn nhân không khác gì bà Aung Suu Kyi, ở Miến Điện.

So sánh này, theo tờ báo, quả thật là khó chấp nhận, ngay cả đối vớI những ủng hộ mạnh mẽ ông Thakisn, không kể là nó đang làm cho các nhà dân chủ Miến Điện bất bình.

Khủng hoảng kinh tế vừa qua không phải là toàn cầu

Trên bình diện kinh tế, dướI tựa đề ''Châu Á vượt qua khủng hoảng, tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển dẫn đầu tăng trưởng'',  tờ báo Thái lan, The Nation hôm nay, đăng  bài nhận định của giáo sư Ivan Tselichtchev, đại học Niigata, Nhật Bản. Chuyên gia này nhận thấy là rốt cuộc trong thực tế, khủng hoảng không phải là chung của ''toàn cầu''. Những quốc gia đang phát triển mạnh ở Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và trong một chừng mực nào đó, Philippines, chẳng những đã tránh được kinh tế suy thoái mà còn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng gây ấn tượng.

Theo tác giả bài viết, sự bật dậy này bắt nguồn từ hai yếu tố. Trước tiên ông Tselichtchev nhắc lại các chính sách công nghiệp cũng như tài chính đề ra sau cuộc khủng hoảng 97-98. Kế đến, là sức cầu nộI địa cao - không chỉ trên mặt đầu tư , mà cả trong lãnh vực tiêu thụ cá nhân, bù đắp cho xuất khẩu giảm sụt.

Xu hướng này sẽ có ảnh hưởng tốt cho tăng trưởng cả Châu Á trong dài hạn. Nhưng ông Tselichtchev cũng cảnh báo là các quốc gia kể trên phải thận trọng. Thách thức lớn đối với họ sẽ là vấn đề năng lượng cũng như mô hình khai thác tài nguyên triệt để, phục vụ tăng trưởng.

Pháp : thanh niên vẫn tin tưởng vào tương lai mặc dù kinh tế khó khăn

Nhật báo Pháp La Croix phân tích kết quả thăm dò dư luận mà tờ báo củng thực hiện vớI hai cơ quan La Poste, Phosphore, trong giớI thanh niên Pháp, lứa tuổi từ 15 đến 25. Nhận xét đầu tiên của tờ báo: thế hệ 2009, là một thế hệ thực tế.

Theo cuộc thăm dò, 86% thanh niên được hỏi cho là tình trạng  thế giới không mấy tốt, nếu không muốn nói là rất xấu. 73% còn cho là sẽ còn xấu hơn nữa trong thờI gian sắp tới. Tuy nhiên, theo La Croix, nhận định trên không phải là vì họ bi quan, mà là vì họ không có ''ảo tưởng'' như thế hệ đàn anh. Nếu họ cũng không có sự luyến tiếc đối vớI một quá khứ mà họ không từng biết qua, thế hệ này cũng cho thấy là họ không chiụ xuôi tay trước nghịch cảnh.

88% cho là phải thay đổI, không  thay đổI một cách triệt để, mà một cách thực tế, thích nghi dần dần. 79% còn tin tưởng vào tương lai, cho là họ sẽ vưon lên.

Theo La Croix cho dù 2/3 số người được hỏi cho là họ dựa trên nổ lực bản thân để xây dựng tương lai của mình, nhưng tờ báo cũng nhìn thấy là thanh niên Pháp hiện nay ngày càng quay sang dựa vào gia đình, vào cha mẹ, anh chị em.  93 % không loại trừ khả năng nhờ đến gia đình. Đối vớI 40% đây là chỗ dựa đầu tiên.

 La Croix kết luận, gia đình ngày nay trở nên quan trọng, quan hệ giữa cha mẹ và lứa tuổi thanh niên bớt phần đối kháng.

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu kêu gọi Hoa Kỳ cân bằng hoá ảnh hưởng Trung Quốc tại Châu Á

Theo cựu thủ tướng Singapore, Châu Á Thái Bình Dương là tâm điểm kinh tế, nơi mà Hoa Kỳ có nguy cơ đánh mất ưu thế vào tay Trung Quốc. Trong bài diễn văn đọc tại Washington, ông Lý Quang Diệu tỏ ra lo ngại trước tiềm lực quân sự không ngừng được tăng cường của Bắc Kinh.

Hôm qua, nhân việc nhận một giải thưởng tại Washington, ông Ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore, người đã đưa quốc đảo này trở thành một đô thị hiện đại và giàu có, đã đọc một diễn văn kêu gọi Hoa Kỳ dấn thân vào Châu Á để làm đối trọng với thế lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc.

Theo ông Lý Quang Diệu, Châu Á Thái Bình Dương là tâm điểm kinh tế, nơi mà Hoa Kỳ có nguy cơ đánh mất ưu thế vào tay Trung Quốc, và điều này sẽ dẫn đến việc nước Mỹ sẽ mất thế vượt trội trên toàn thế giới. Trong diễn văn, ông Lý Quang Diệu tỏ ra lo ngại trước tiềm lực quân sự không ngừng được tăng cường của Bắc Kinh.

Một mặt, ông Lý Quang Diệu đã nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đã phô trương nhiều vũ khí tối tân trong cuộc diễu binh nhân Quốc Khánh lần thứ 60. Điều này dự báo cho việc hình thành một lực lượng quân sự tối tân hiện đại của Trung Quốc, trong vòng 2 hoặc 3 thập niên sắp tới. Mặt khác, ông Lý Quang Diệu cho rằng mục tiêu của việc hiện đại hoá này không nhắm vào đối tượng Đài Loan, mà vào các nước Châu Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Ông Lý Quang Diệu biện minh rằng : việc Bắc Kinh xây dựng một hạm đội hùng mạnh, có tầm hoạt động xa ngoài khơi, với nhiều hàng không mẫu hạm, không phục vụ cho mục tiêu răn đe, đề phòng một sự can thiệp của nước ngoài, trong trường hợp có xung đột giữa Đài Loan với Trung Quốc. Ông Lý Quang Diệu cho rằng tại Đông Nam Á, hạm đội hùng mạnh này nhằm gây sức ép để tranh giành chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi củng cố quan hệ với quân đội Trung Quốc

Về quan hệ quân sự Mỹ-Trung, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates đã kêu gọi củng cố hơn nữa quan hệ với quân đội Trung Quốc, tránh tình trạng lúc có, lúc không như trong thời gian qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố như trên vào hôm qua nhân buổi tiếp xúc tại Lầu Năm Góc với nhân vật số hai trong quân đội Trung Quốc là Phó chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, hiện đang công du Hoa Kỳ.

Theo một viên chức quốc phòng xin giấu tên, được AFP trích dẫn, thì Tướng Từ Tài Hậu sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự vớI Mỹ, nhưng đồng thờI đã liệt kê một số trở ngại. Cản lực trước tiên được nêu lên là chính sách của Mỹ yểm trợ quân sự Ðài Loan, kế đến là sự hiện diện của các tàu quan sát của Mỹ tại các vùng biển mà Trung Quốc coi là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của họ.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, ngoại trưởng nước này đã đến Manila vào chiều nay, khởi sự một chuyến công du kéo dài 2 ngày. Theo chương trình dự kiến, hai bên sẽ ký kết hai thỏa thuận được coi là rất quan trọng.

Trước hết là Kế hoạch hành động hỗn hợp trong công cuộc họp tác chiến lược Philippines-Trung Quốc, quy định hợp tác mọi mặt giữa hai nước trong vòng năm năm sắp tới. Văn kiện thứ hai là một thỏa thuận về lãnh sự cho quy định thủ tục giúp đỡ kiều dân hai nước trên lãnh thổ của nhau. Theo chính quyền Manila, đây là thỏa thuận lãnh sự đầu tiên mà Philippines ký kết với một nước khác.

Việt Nam, chủ tịch Asean 2010, cần nâng cao vai trò của khối này trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

Việt Nam đã chính thức đứng ra nhận trách nhiệm làm chủ tịch luân phiên Khối Đông Nam Á vào năm 2010 nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Hua Hin (Thái Lan) kết thúc ngày 25/10/2009. Thách thức đặt ra cho Việt Nam rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là làm sao phát huy được vai trò của toàn khối Asean trong quan hệ với hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc.

nguồn : RFI

Không có nhận xét nào: