- Thông tin về bộ hài cốt của một giáo dân cách đây gần 200 năm ở Nam Định, khi cất sang tiểu vẫn thấy xương dính máu đã khiến nhiều người hiếu kỳ không quản ngại đường xa, thậm chí cả từ trong Nam ra, tới chứng kiến thực hư.
Nhiều người còn đồn đại về khả năng "cầu được ước thấy" khi trực tiếp đến tận nơi, sờ vào nắp quan tài.
Để tìm hiểu thực hư, PV Bee đã về xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Đinh) nơi hiện đang lưu giữ hài cốt không đầu giáo dân tên Phêrô Đỗ Tựu.
Mảnh vải gói hài cốt chữa bách bệnh?
Cách TP Nam Định khoảng 40 km, tại thị trấn Liễu Đề, ai cũng nghe nói về những đoạn cốt (xương) dính máu tươi của giáo dân này. Hơn thế, nhiều người còn tin rằng chỉ cần lấy được một mảnh vải gói cốt của người này thì có thể chữa khỏi nhiều bệnh.
Ô tô nối đuôi nhau tới xem bộ hài cốt, náo động cả một vùng quê. |
Bà Vũ Thị Liên, bán nước tại thị trấn Liễu Đề cho biết: "Cách đây gần hai tháng, người ta nghe tin đổ xô về cầu xin phù hộ mỗi lúc một đông, nhất là vào ngày cuối tuần".
Khi tới xã Trực Hùng, trước mắt chúng tôi là một dãy dài dằng dặc ô tô nối đuôi nhau. Dù đã trưa nhưng vẫn còn rất nhiều người ở các tỉnh xa vừa tới. Đa số mọi người đến đều mua một vật gì đó (có thể là chai nước, bó hoa, khăn mặt, khăn tay hoặc bất cứ thứ gì có trên người) rồi vào nhờ người xoa lên nắp quan tài đậy kính. Có người còn xoa mũ bảo hiểm lên nắp quan tài với ý muốn đi đường tránh được tai nạn.
Nhiều người có bệnh chữa lâu năm không khỏi bỏ cả bệnh viện về đây cầu khấn. Anh Nguyễn Thế Thắng ở xã Quang Vinh (huyện Ân Thi, Hưng Yên) từ sáng sớm đã đưa đứa con thứ ba bị liệt hai chân tới đây. "Cháu sinh ra được 6 tháng thì tôi phát hiện ra cháu bị bệnh, điều trị ở Viện Nhi ba năm rồi cũng không giảm. Tôi từng đưa cháu sang cả Nhật để chữa cũng không ăn thua. Nghe ở đây chữa bệnh thiêng lắm nên tôi đưa cháu tới và tin là có thể khỏi được".
Bị hành quyết từ thời vua Tự Đức
Theo ông Bùi Công Thụ - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Lác Môn của xã Trực Hùng, giáo dân có tên Phêrô Đỗ Tựu cùng 7 giáo dân khác sống vào khoảng những năm 1838 -1867, thời vua Tự Đức.
Hình ảnh bộ hài cốt trong quan tài và người dân hiếu kỳ. Ảnh: X.Trung |
Lúc đó, những người theo đạo được coi là "trái với tự nhiên" (theo tuyên cáo của vua Tự Đức), nên sẽ bị hành quyết (chém nửa người, chém đầu), ông Đỗ Tựu cũng nằm trong số những người xấu số đó.
Sau khi bị chém đầu, ông và 4 người khác được chôn cất tại xã, cho tới năm 1958, hài cốt các ông được bốc sang Đài (mộ chôn tập chung) nhưng không mở quan tài. Cho tới ngày 4/7/2009, 5 ông được sang cất để chôn riêng.
Nhiều người chờ đợi bên ngoài chờ tới lượt được vào tận mắt chứng kiến hài cốt của ông Đỗ Tựu. Ảnh: X.Trung |
Trong quá trình bốc hài cốt, duy chỉ có hài cốt ông Đỗ Tựu là có biểu hiện lạ thường, các đốt xương dính máu và được sang cất riêng với mục đích để cho người theo đạo tới cầu nguyện.
Bên trong quan tài ông Đỗ Tựu, sau khi mở nắp thì không thấy đầu mà chỉ thấy một hộp nhỏ, nhiều người cho rằng trong đó là xương đầu nhưng khi mở thì chỉ thấy nhiều đoạn xương nhỏ có dính máu.
Những hiện tượng này hiện chưa lý giải được.
Dịch vụ ăn theo mọc như nấm
Ăn theo dư luận, nhiều người dân trong xã Trực Hùng đã mở hàng loạt hàng quán hai bên đường dẫn vào trụ sở UBND xã để kinh doanh. Nhiều tệ nạn như cướp giật, móc túi cũng đã diễn ra.
Nhiều người cọ mũ bảo hiểm lên quan tài để khỏi tai nạn. Ảnh X.Trung |
Đường dẫn vào sâu trong xã hiện đã ngập trong rác, dịch vụ ăn uống mọc lên như nấm ngay cạnh cổng nhà thờ. Việc mất trật tự, ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, nguyên nhân chủ yếu do các chủ quán bày bán ngang nhiên hàng thờ cúng giữa đường.
Ông Hoàng Tiến Trung - Trưởng công an xã Trực Hùng cho biết: "Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi vẫn thường xuyên nâng cao cảnh giác, đề phòng những kẻ lợi dụng cơ hội để tuyên truyền kích động nhân dân. Hai tháng qua, có rất nhiều người các nơi tới cầu nguyện".
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Trực Hùng khẳng định, việc chữa bệnh ở đây chỉ là tin đồn. "Có mấy người trong miền Nam cũng gọi điện ra cho tôi hỏi có đúng như thế không và đòi ra tận đây".
- Xuân Trung
- Trao đổi với PV Bee, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm tiềm năng con người, Liên hiệp các Hội KH&KT VN cho biết: trường hợp này không phải là hiếm gặp trong lịch sử và hoàn toàn có thể lý giải cả về góc độ khoa học và tâm linh.
Thưa ông, một bộ hài cốt được chôn cách đây gần 200 năm mà khi sang cất tiểu thấy xương vẫn còn dính máu tươi thì có phải là hiện tượng kỳ dị không?
Hoàn toàn không. Lịch sử đã từng ghi nhận những trường hợp tương tự như vậy. Ví dụ, thời vua Lê Chiêu Tông sang Trung Quốc, vua Càn Long coi kinh chỉ tiếp Quang Trung mà bỏ rơi Lê Chiêu Tông nên ông này uất hận đến chết. Sau này cải mả, mặc dù xương cốt của Lê Chiêu Tông đều tan rã hết nhưng trái tim thì vẫn còn máu tươi nguyên. Điều này đã được chính sử ghi chép cẩn thận.
Hoặc như vụ nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo cũng cho thấy, xương thịt ông cháy thành tro nhưng trái tim thì vẫn còn nguyên.
Một ví dụ dễ nhận thấy nhất là trường hợp thoát xác của hai nhà sư ở Chùa Đậu. Hai vị sư này chết rồi nhưng cả xương cốt và trái tim vẫn còn nguyên dù trải qua hằng trăm năm nay. Các nhà khảo cổ đã chứng minh được điều này bằng việc chiếu X- quang. Đó là những câu chuyện lịch sử có thật.
Còn truyền thuyết cũng có kể về câu chuyện chàng Trương Chi, vì bị cô gái con quan từ chối do hình hài quá xấu, nên khi chết, trái tim chàng biến thành khối ngọc. Khối ngọc này sau được đúc thành chiếc cốc, mà mỗi lần cô gái rót nước, đều hiện hình một chiếc thuyền, chỉ có giọt nước mắt nàng nhỏ xuống, hình ảnh đó mới mất đi.
Như vậy, cả nhân chứng lịch sử và truyền thuyết đều ghi nhận hiện tượng xác thịt còn nguyên khi đã chết.
Dưới góc nhìn của người chuyên nghiên cứu về ngoại cảm và tâm linh, ông nhận định sao về những cái chết như thế này?
Đúng là những cái chết này có một đặc điểm chung: đó là chết trong sự uất ức. Ví dụ như trường hợp hài cốt không đầu giáo dân tên Phêrô Đỗ Tựu ở xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định) mà báo đã đưa thì cũng là bị xử trảm, chết trái với tự nhiên.
Chẳng thế mà truyện Kiều đã có câu: Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan. Ý chỉ, khi tâm tư bị ức chế, ấm ức, thậm chí là uất hận, thì không thể nguôi ngoai, đến cả thể xác và tâm hồn.
Còn về lý giải khoa học đơn thuần thì sao thưa ông?
Một khi con người chết trong sự uất ức, thậm chí là quá uất ức, thì cơ thể họ phát sinh ra luồng từ trường. Dòng từ trường này bao bọc cơ thể nên dẫn đến việc khó tan xương, thịt.
Thu Ba (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét