Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Đọc báo Thứ hai

Việt Nam có thể tranh thủ hợp tác quốc phòng với Úc để tăng năng lực quân sự bảo vệ chủ quyền

Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam và Úc đã thường xuyên tổ chức những cuộc thương thảo cấp cao về quốc phòng. Quan chức hai bộ Ngoại giao và Quốc Phòng của hai nước, hàng năm đều gặp nhau trong khuôn khổ cuộc đối thoại chiến lược thường niên

Chuyến công du nước Úc lần này của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã thu hút sự chú ý của đến quan hệ Việt-Úc, đặc biệt khởi sắc trong hai lãnh vực kinh tế và giáo dục. Tuy nhiên có một điạ hạt có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam nhưng ít được đề cập công khai : đó là hợp tác quốc phòng giữa hai bên.

Theo các nhà quan sát, căn cứ vào chiều hướng của Úc muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam, Hà Nội nên tranh thủ điều này để nâng cao năng lực quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng tại vùng Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc đánh giá là hợp tác giữa hai nước trong lãnh vực chỉ mới được 10 năm nhưng đã gặt hái được một số kết quả cụ thể, mà rõ rệt nhất là chương trình giúp đỡ Việt Nam đào tạo sĩ quan và cán bộ.

''Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Úc khởi sự từ năm 1999 khi hai bên quyết định đặt tùy viên quân sự tại đại sứ quán mỗi nước. Canberra đã đề ra Chương trình Họp tác Quốc phòng, tên tắt là DCP, tập trung trên một số lãnh vực thông thường như nghiên cứu quân y, trau giồi Anh ngữ...

Nổi bật nhất là chương trình tài trợ và cung cấp học bổng để đào tạo và huấn luyện cho giới quân đội Việt Nam. Từ năm 1999 đến nay, đã có hơn 150 sĩ quan Việt Nam qua Úc quan sát và nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình DCP , trong đó có 40 sĩ quan dược cấp bằng thạc sĩ, và gần 30 sĩ quan cao cấp theo học tại Trường Quốc Phòng Úc Australian Defence College. Úc là nước trợ giúp Việt Nam nhiều nhất trong địa hạt này.

Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác trong lãnh vực chống khủng bố, Binh chủng đặc công Việt Nam đã cử người qua Úc, và cuối năm nay, lực lượng đặc biệt SAS của Úc cũng dự trù ghé thăm Việt Nam.

Từ năm 2001 đến nay, hai nước cũng đã thường xuyên tổ chức những cuộc thương thảo cấp cao về quốc phòng. Quan chức hai bộ Ngoại giao và Quốc Phòng Úc Việt hàng năm đều gặp nhau trong khuôn khổ cuộc đối thoại chiến lược thường niên.''

Theo ghi nhận của giáo sư Carl Thayer, chính quyền Canberra rất muốn nâng cấp quan hệ quốc phòng với Việt Nam lên ngang tầm với một số nước Đông Nam Á, như Indonesia, Singapore, Malaysia hay Philippines.

Úc quan ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc

Một trong những thí dụ là Úc hiện nằm trong khối Thoả Thuận Quốc Phòng Ngũ Cường,  Five Power Defence Arrangements, bao gồm cả Anh Quốc, New Zealand, Malaysia và Singapore. Thành viên của khối năm nước này có nhiệm vụ giúp Malaysia và Singapore chẳng hạn khi hai nước này bị nước ngoài tấn công.

Phiá Việt Nam tuy nhiên vẫn dè dặt trước các đề nghị nâng cấp quan hệ của Úc, chủ trương đi theo một tiến độ thích hợp với mình.

Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam liên tiếp bị sức ép của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông, mà gần đây nhất là vụ đơn phương đưa tầu tuần tra xuống khu vực Trường Sa và Hoàng Sa để chận bắt tàu đánh cá Việt Nam tại những vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ, một số nhà quan sát cho rằng Việt Nam cần phải tranh thủ hợp tác với một số nước cùng lợi ích chiến lược để chống lại sức ép của Trung Quốc.

Theo giáo sư Thayer, Úc mới đây đã gián tiếp bày tỏ mối quan ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc trong Quyển Sách trắng về Quốc phòng 2009, công bố ngày 12 tháng 5 vừa qua và trong một chừng mức nào đó, Hà Nội và Canberra cùng chia sẻ mối quan tâm chiến lược.

''Quyển Sách Trắng về Quốc phòng và dự kiến tăng cường tiềm năng quân sự của nước Úc đã được xem như là một phản ứng của Úc trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc, cũng như tính chất thiếu minh bạch trong các ý đồ chiến lược của Bắc Kinh. Úc và Việt Nam cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược giống nhau, cùng như với một số nước khác như Hoa Kỳ chẳng hạn : đó là ngăn chặn không để Trung Quốc trở thành thế lực bá quyền tại vùng Đông Nam Á và Đông Á.''

Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Thayer, Việt Nam có thể dựa vào Úc để nâng cao tiềm năng quốc phòng của mình vì quân đội Úc là một trong những lực lượng võ trang hiện đại và có năng lực nhất trong khu vực Đông Nam Á, lại có liên minh chặt chẽ với quân đội Hoa Kỳ.

''Úc và Việt Nam có thể phối hợp các nỗ lực ngoại giao và chính trị, còn trong lãnh vực quốc phòng thì có thể chia sẻ thẩm định về năng lực quân sự của Trung Quốc. Nếu có yêu cầu, Úc có thể tập huấn cho Việt Nam về một số địa hạt kỹ thuật mũi nhọn nhằm nâng cao năng lực toàn diện của quân đội Việt Nam''.

Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, nếu tranh chấp bùng nổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Úc khó có thể trực tiếp yểm trợ quân sự cho Việt Nam. Mọi vai trò quân đội Úc khi liên can tới Trung Quốc và vùng Biển Đông thường phải được thực hiện trong sự phối hợp với các đồng minh.

Pháp bị Rumani cầm chân, nên khó tìm được vé dự cúp bóng đá 2010

Tiền đạo Thierry Henry

Tiền đạo Thierry Henry

Cho đến giờ, đã có 7 quốc gia giành được chiếc vé đi dự vòng chung kết cúp bóng đá thế giới 2010 là Nam Phi nước chủ nhà, Hà Lan, Brazil, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Úc và Nhật Bản.

Trước một đối thủ khó chơi là Roumani, và mục tiêu đề ra là phải thắng nên các cầu thủ Pháp vào trận với tâm lý căng thẳng. Họ đã chơi một trận mờ nhạt, di chuyển nặng nề, lúng túng trong những pha bóng quyết định.

Tiền đạo Thierry Henry mở tỷ số trước nhưng sau đó sai lầm lớn của hậu vệ Escudé tự đưa bóng vào lưới nhà đã đưa đội tuyển Pháp trở lại vùng thất vọng.

Trận hòa 1-1 trước Roumani  tối qua trên sân Stade de France chắc chắn buộc đội tuyển Pháp phải tìm đường đến vòng chung kết cúp bóng đá thế giới 2010 bằng xuất tranh vé vớt với 8 đội nhì bảng có điểm cao nhất. Hiện tại Pháp có 14 điểm xếp thứ 2 kém Serbia 4 điểm. Trong ba trận đấu còn lại, với Serbia vào tứ tư tới, Litva và Áo, đội tuyển Pháp không được phép phạm sai lầm.

Trên lý thuyết, Pháp vẫn còn một chút khả năng vươn lên ngôi đầu bảng. Đó là trường hợp Pháp thắng ba trận cuối cùng, phần còn lại sẽ do kết quả thi đấu của các đội khác định đoạt. Nhưng nếu để thua hoặc hòa Serbia trận thứ tư tới đây, thì Pháp hết hy vọng có vé chính thức.

Còn tại khu vực Nam Mỹ, Braxil đã giành chiếc vé chính thức đầu tiên đi World Cup 2010 sau trận thắng  Achentina 3-1 tối qua. Cho đến giờ, đã có 7 nước có vé đi dự vòng chung kết cúp bóng đá thế giới là Nam Phi nước chủ nhà, Hà Lan, Brazil, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Úc và Nhật Bản.

* nguồn : RFI


Không có nhận xét nào: