Cử tri Nhật Bản tán đồng chủ trương kinh tế phải phục vụ người dân
Chiến thắng của Đảng Dân chủ Nhật Bản trong cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 30/08/2009 dù được dự báo trước nhưng vẫn gây ngạc nhiên. Báo giới Pháp xác định : người Nhật đã bác bỏ mạnh mẽ mô hình ưu tiên cho phồn thịnh kinh tế để bỏ phiếu cho một chính sách phục vụ đời sống người dân."Nhật Bản đã dám thay đổi", "Thất bại lịch sử của liên minh cầm quyền từ 54 năm nay", "Khúc quanh chính trị chưa từng thấy ở Nhật Bản", báo giới Pháp đều ghi nhận thắng lợi của đảng Dân chủ Nhật Bản qua các dòng tựa đập mắt. Kết quả tuy đươc dự báo trước qua các cuộc thăm dò nhưng vẫn gây ngạc nhiên do sự tham gia bỏ phiếu đông đảo của cử tri và đã dồn phiếu cho đảng đối lập.
Đằng sau kết quả này, tờ La Croix nhìn thấy sự thay đổi trong ý thức của người dân Nhật, đã dứt khoát chấm dứt sự thống trị gần như liên tục của đảng bảo thủ PLD trong 55 năm qua. Và họ đã làm một cách ngoạn mục, trong lúc mà cho đến nay họ thường bị coi là những công dân không mấy quan tâm đến chính trị.
Thế thì chuyện gì đã xẩy ra ở xứ Hoa anh đào ? La Croix nhắc lại sự chán ngán đối với một chính quyền xơ cứng, và nhất là nỗi lo sợ trước thất nghiệp gia tăng, công việc làm bấp bênh. Đối với người Nhật, không thể sống bằng đồng lương lao động của mình là điều không thể chấp nhận được, trong lúc mà chi phí giáo dục, y tế đắt đỏ lên.
Bên cạnh đó, với một xã hội ngày càng lão hoá, khẩu hiệu tranh cử của đảng Dân chủ : 'một chính sách phục vụ đời sống người dân' đã vô cùng hữu hiệu. Cứ tựa như là ưu tiên dành cho sự phồn thịnh kinh tế, thực hiện từ hơn 50 năm qua, từng thành công trong 30 năm, đã trở thành vô nghiã.
Theo tờ báo, trong 15 năm qua, những biện pháp cải tổ kinh tế theo xu hướng tự do hoá kinh tế nhiều hơn nữa, để có thể giữ sức cạnh tranh, đã làm xáo trộn xã hội Nhật. Khi sức bật không đươc đảm bảo, những người đóng góp công sức vào đấy không đươc bảo vệ, thì họ mơ cái gì cho ngày mai ? Chính mô hình này đã bị người Nhật bác bỏ mạnh mẽ.
Đối với La Croix, nước Nhật hiện nay tương tự như Hoa Kỳ cách đây gần một năm : người dân hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã nói ''đủ rồi'', và họ muốn có một chính sách khác, không gạt qua một bên "cuộc sống của người dân".
Trích dẫn chuyên gia Pháp về Nhật Bản, Jean Marie Buissou, báo Libération cũng nhận định gần như vậy : những chủ trương của đảng Dân chủ là nhằm ''chôn vùi'' những cải cách mà cựu thủ tướng Koizumi đã thực hiện trong thời gian cầm quyền từ 2001 đến 2006.
Theo chuyên gia Pháp, cuộc bầu cử hôm qua là một cuộc trưng cầu dân ý chống đảng của thủ tướng Taro Aso. Từ hơn 50 năm qua, đảng này đã thống trị nhờ phép lạ kinh tế, ngày nay thì quả không còn hợp thời nữa, tương tự như cái nhìn đối với phe đối lập cho là không đáng tin cậyy. Thời đại đó đã qua rồi.
Con đường tương lai sẽ trắc trở đối với tân lãnh đạo Nhật Bản
Một thời đại mới, nhưng con đường sẽ không bằng phẳng chút nào đối với lãnh đạo tương lai. Libération nêu bật trong một hàng tiểu tưạ : '' thách thức rất to lớn'', vì theo các nhà kinh tế, những biện pháp xã hội mà đảng Dân chủ đưa ra trong cuộc vận động, như tăng tiền lương tối thiểu, bảo đảm mức lương hưu, trợ cấp gia đình v.v.. rất khó thực hiện. Vả lại theo ông Buissou, chỉ có 8% cử tri bỏ phiếu cho đảng này là thực thụ tin vào lời hứa sẽ thực hiện chương trình xã hội mà không tăng thuế.
Tờ báo kinh tế Les Echos thì chờ đợi xem ngân sách mà ông Hatoyama sắp phải đưa ra trong tháng 9 này sẽ như thế nào. Theo tờ báo, nhiều chuyên gia thắc mắc trên vấn đề tài chính. Thủ tướng tương lai lấy tiền đâu và như thế nào để tài trợ cho chương trình của mình ?
Câu hỏi này càng được báo chí Nhật nêu lên. Nhìn chung các nhật báo ở Tokyo, từ thiên tả như tờ Asahi Shimbun, đến bảo thủ như tờ Sankei Shimbun, đều tỏ ra hoải nghi về khả năng lãnh đạo mới thực hiện được chương trình của họ. Đối với báo giới Nhật, cử tri trừng phạt đảng cầm quyền, nhưng điều đó không có nghiã là họ thật sự tin tưởng vào năng lực đảng đối lập.
Tờ Asahi Shimbun ghi nhận : ''Người Nhật đầy hy vọng nhưng cũng rất lo ngại về hoạt động của chính quyền mới''. Yomiuri Shimbun, cũng ghi nhận : "Người Nhật khá lo ngại trước sự thiếu kinh nghiệm điều hành của đảng Dân Chủ". Tờ Japan Times nhắc lại đảng Dân chủ lên nắm quyền trong tình hình kinh tế khó khăn, cho nên con đường trước mặt họ khá gập ghềnh.Thủ tướng mới phải chứng tỏ năng lực đưa ra những quyết định nhanh chóng và có cái nhìn dài hạn.
Bắc Kinh cảnh cáo : quan hệ Nhật Trung khó thể cải thiện nếu...
Cuộc bầu cử tại Nhật cũng đươc theo dõi kỹ ở Bắc Kinh. Tờ China Daily, vừa nêu sự kiện nhưng cũng có những lời nhắn nhủ mang tính chất cảnh báo : ''Thắng lợi đươc dự báo của Đảng Dân Chủ là một sự kiện có ý nghiã lớn. Không những nó chấm dứt 50 năm thống trị của đảng Tự do Dân chủ, nhưng nó cũng mở ra hy vọng về một thời đại mới trong quan hệ Trung Nhật''.
Quan hệ giữa cường quốc kinh tế thứ nhì và thứ 3 của thế giới, theo tờ báo, thường bị các vấn đề lịch sử khuấy động. Tờ China Daily nhắc lại là thủ tướng tương lai đã hứa không đến viếng đền Yasukuni, biểu tượng quá khứ quân phiệt của Nhật. Nhưng đây chưa phải là một sự bảo đảm.
Ngoài ra tờ báo nhắc lại : "Phải giải quyết vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), cũng như không được quyền ủng hộ lực lượng ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Bằng không thì quan hệ Trung Nhật sẽ nhanh chóng xấu đi''.
Trung Quốc bối rối vì sắc tộc Kokang tại Miến Điện
Trong quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc đang đứng trước một mối đau đầu khác : cuộc chiến giữa phiến quân Kokang và quân đội Miến Điện.
Theo Irrawady, báo trên mạng giới ly khai Miến Điện, lần đầu tiên hôm qua, chủ nhật, đài truyền hình Miến Điện đã đề cập đến sự kiện này. Miến Điện thông báo có 26 người trong quân đội và 8 phiến quân bị thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài 3 ngày ở vùng giáp ranh với Trung Quốc. Irrawady cũng nhắc lại thông tin 700 phiến quân Kokang đã qua Trung Quốc và giao nộp vũ khí.
Tuy nhiên điều làm cho nhà báo tờ Irrawady thắc mắc là tại sao phiến quân Kokang lại giao nộp vũ khí sớm như thế trong lúc mà một ngày trước đó, họ đã thành công trong cuộc phục kích nhắm vào đoàn quân xa Miến Điện.
Theo Irrawady, tình hình xấu đi hơn sẽ làm cho Bắc Kinh bối rối thêm do quan hệ chặt chẽ một mặt với chính quyền Miến Điện và mặt khác với lực lương Kokang, vì đó là một sắc dân Trung Quốc.
Lịch sử gia đình Kennedy trùng hợp với lịch sử Hoa Kỳ
Với hàng tựa nhỏ nhưng trên trang nhất, nhật báo Pháp Le Monde đã ghi nhận sự kiện nước Mỹ tưởng niệm lần cuối Thượng nghị sĩ Ted Kennedy và hồi kết trong câu chuyện nhiều tập của gia đình Kennedy. Bức ảnh đen trắng chụp năm 1960 đăng trên trang nhất nêu bật điểm đầu và điểm kết của câu chuyện này.
Người ta thấy người anh cả John Kennedy, ngồi nghiêng mình qua bên cạnh như muốn nói một điều gì với cậu em trai Edward còn rất trẻ. Cố tổng thống John F. Kennedy là người đưa giòng họ mình lên đỉnh vinh quang trong lúc Edward, người cuối cùng trong số ba anh em nổi tiếng thì cũng vừa qua đời.
Ở bên trong, Le Monde đã dành trọn 4 trang báo khổ lớn để kể lại câu chuyện về giòng họ Kennedy, từ người bố Joseph Kennedy, đầy tham vọng chính trị nhưng không toại nguyện, cho đến ba người con có thể nói là công thành danh toại, nhưng hầu như bị định mệnh nghiệt ngã theo đuổi.
John đã trở thành tổng thống nước Mỹ, trước khi bị ám sát. Robert bộ trưởng tư pháp, cũng nuôi cao vọng như anh mình rồi cũng bị ám sát. Còn sót lại Edward, một thượng nghị sĩ đã trở thành người đấu tranh cho những tấng lớp thấp cổ bé miệng ở Hoa Kỳ. Ngay cả cậu bé John-John con trai của JFK, người có thể "kế thừa" sự nghiệp của cha chú cũng bị tử nạn phi cơ vào năm 1999 khi đang trong độ tuổi thanh niên.
Đối với Le Monde, lịch sử gia đình Kennedy trùng hợp với lịch sử Hoa Kỳ, và với sự kiện Ted Kennedy qua đời, nước Mỹ đã mất đi ''Tiếng nói lớn của chủ nghĩa tiến bộ'' cũng như biểu tượng của ''Cánh Tả mới''.
Riêng đối với đương kim tổng thống Obama, từng được gia đình Kennedy hết sức ủng hộ, cái chết của Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã làm ông mất đi hậu thuẫn quý giá trong việc xúc tiến kế hoạch cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế.
* nguồn RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét