Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Đọc báo sáng thứ hai.

Giới chuyên gia lo ngại khả năng phục hồi bền vững nền kinh tế Việt Nam

Cũng như một số nước có nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu,Việt Nam cũng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hỏang tài chính tòan cầu. Nhưng dường như kinh tế Việt Nam đang có phục hồi rất mạnh mẽ.

The Economist số ra tuần này có bài viết đặt ra những vấn đề có thể nảy sinh trong sự phục hồi ấn tượng của kinh tế  Việt Nam với tựa đề « V chưa hẳn đã là chiến thắng ». Tờ báo nhận thấy, đầu năm nay, những dự báo kinh tế Việt Nam không sáng sủa gì cho lắm. Trong nước, chính phủ lo ngại thất nghiệp gia tăng tràn lan, đời sống đi xuống, sẽ dẫn đến những đảo lộn xã hội.

Mà thực tế đã diễn ra gần đúng với dự báo. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam giảm 14%. Số hộ trong diện nghèo thiếu ăn tiếp tục tăng thêm. Đầu tư nước ngòai trực tiếp giảm 82%. Thế nhưng theo The Economist, kinh tế Việt Nam giờ đây đang có dấu hiệu hồi phục một cách nhanh chóng và có thể đạt tăng trưởng mạnh trong vòng hai năm tới. Theo con số đánh giá Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ Credit Suisse đưa ra thì tổng sản phẩm quốc nội PIB của Việt Nam năm nay có thể đạt 5,3%, và sang năm tới có thể còn sẽ là 8,5%. Tuy vậy giới quan sát cũng tỏ ra lo ngại là sự bật dậy nhanh chóng như vậy có thể kéo theo một số bất ổn.

Đi vào phân tích, The Economist nhận thấy, cũng như nhiều chính phủ khác để đối phó với khủng hỏang, Việt Nam đã sử dụng nguồn ngân sách lớn để kích thích kinh tế, tạo công ăn việc làm. Gói kích thích kinh tế của chính phủ trị giá một tỷ đô la đã tỏ ra hữu hiệu trong việc ngăn chặn được việc đóng cửa hàng lọat các nhà máy.

Tác giả bài báo cũng nhận thấy năm 2011, Việt Nam sẽ tiến hành đại hội Đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trước mỗi kỳ đại hội như vậy, một hoặc hai năm, thường thì lãnh đạo trung ương Việt Nam vẫn luôn rộng rãi, sẵn sàng cấp ngân sách cho các địa phương, để tìm kiếm sự ủng hộ và tạo thành tích trước khi kết thúc một kỳ đại hội.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế tỏ ý quan ngại về tính bền vững trong sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, bởi vì đến giờ, nền kinh tế đó vẫn được nuôi dưỡng chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tín dụng đi vay với lãi suất thấp. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, ADB, dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam chiếm 4% PIB trong năm 2008, sẽ lên thành 10% trong năm nay.

Vẫn theo ADB, dự trữ ngọai tệ của Việt Nam cũng giảm từ 23 tỷ đô la vào tháng 12 năm ngoái xuống còn 17,3 tỷ tính đến cuối tháng 6 vừa qua. Trong tháng này, chính phủ đã phải vay của ADB 500 triệu đô la để bù vào những thâm hụt ngân sách vì phải chi cho kế họach kích thích kinh tế.

Tờ báo nhận thấy rằng có hai mối quan ngại lớn của các nhà kinh tế nước ngòai khi đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất là họ ghi nhận chính phủ không quyết tâm khống chế chi tiêu, hạn chế vay nợ và giảm thâm hụt ngân sách. Như vậy thì sẽ khó mà kiềm chế được lạm phát. Cuối năm 2008, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam lên tới 28% dẫn đến tình trạng vơ vét gạo và gây lên cơn sốt vàng.

Lo ngại thứ hai, đó là kế họach kích thích tài chính của chính phủ đã làm sao lãng vấn đề cải cách cơ cấu kinh tế. Ông trưởng đại diện Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam đã khuyến cáo chính phủ không nên chạy theo phục hồi kinh tế ngắn hạn mà nên tập trung vào tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế thì hơn.

Điều này có nghĩa là cải cách vi mô như mở cửa đối với ngành viễn thông và doanh nghiệp bán lẻ ra cạnh tranh với nước ngòai. Điều này cũng có nghĩa là tổ chức lại một cách hợp lý các doanh nghiệp nhà nước, đấu tranh chống nạn tham nhũng và cải cách nền hành chính quan liêu. Không có những cuộc cải cách như vậy, Việt Nam khó mà có vươn lên trở thành một nền kinh tế đa dạng và hướng tới sự ổn định lâu dài.

Ở Đài Loan, tham nhũng đã tồn tại như một thứ « văn hóa »

Báo Le Courrier Internationnal số ra tuần này đã trích đăng lại bài báo của tờ China Times xuất bản tại Đài Bắc viết, nhân sự kiện ông Trần Thủy Biển, cựu tổng thống Đài Loan vừa bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng. Tờ báo khẳng định trường hợp của ông Trần Thủy Biển là một minh chứng hùng hồn cho căn bệnh đang gặm nhấm đất nước này.

Tuy nhiên, tác giả bài báo cho biết, khi nhận bản án chung thân, cựu Tổng thống Đài Loan vẫn không tâm phục khẩu phục, cho rằng những tội buộc cho ông đã trở thành một thứ văn hóa của Đài Loan, không đáng bị trừng phạt nặng đến như vậy. Bởi vậy mà ông Trần Thủy Biển đã kháng án. Trong khi đó, đại đa số người dân Đài Loan đều cho rằng bản án là thích đáng, ít nhiều cũng góp phần giữ lại một chút đạo đức chính trị ở các chính khách của Đài Loan.

Tác giả bài báo nhận thấy rằng tham nhũng đã từ lâu nay ăn sâu vào trong xã hội Đài Loan đến mức nó được coi như là một thứ văn hóa chính trị của nước này. Mọi người đều cho đó là bình thường. Quả thực tham nhũng đang là một cơn ác mộng trong xã hội Đài Loan mà người ta chỉ có thể thóat ra được bằng những cố gắng rất lớn và lâu dài.

Ngược dòng lịch sử chính trị của Đài Loan, bài báo cho biết, từ khi ông Trần Thủy Biển lên nắm quyền năm 2000 trở về đến năm 1949, Quốc Dân Đảng là đảng duy nhất nhất nắm chính quyền ở Đài Loan. Đó là thời kỳ báo chí bị hạn chế rất nhiều, nạn tham nhũng tràn lan, nhưng các cuộc tranh luận về đề tài này thì lại rất hiếm hoi và có đề cập đến thì cũng chỉ hời hợt bên ngòai. Những người ủng hộ ông Trần Thủy Biển cho rằng dưới thời của Quốc Dân Đảng, tham nhũng còn lớn hơn bây giờ rất nhiều, thậm chí gần được coi như là việc làm hiển nhiên trong giới lãnh đạo.

Vì vậy, nhìn từ góc độ lịch sử, phe bênh vực Trần Thủy Biển cho rằng án phạt dành cho cựu tổng thống là quá nặng.

Vẫn theo tác giả bài báo, những người ủng hộ ông Trần Thủy Biển không ý thức được một điều : Những tiến triển mới trong việc trừng phạt tội tham nhũng là kết qủa của sự thay đổi tổng thể môi trường chính trị và lịch sử ở Đài Loan.

Dưới tác động của báo chí cộng với nền chính trị hai đảng, nạn  tham nhũng đã bị kiểm sóat nghiêm khắc hơn. Vụ Trần Thủy Biển là vụ án tham nhũng lớn nhất ở Đài Loan từ khi thiết lập nền chính trị nhị nguyên cùng với sự xuất hiện một nền báo chí đại chúng cởi mở.

Tác giả đặt câu hỏi, nếu như bản thân kẻ phạm tội không nhận ra tội lỗi của mình và không chịu ăn năn hối lỗi thì làm sao xã hội lại có thể rộng lòng tha thứ được ?

Thay cho câu trả lời, bài báo kết lận rằng, nếu một khi cựu tổng thống nhận ra tội lỗi của mình, thì xã hội Đài Loan sẽ được cứu dỗi và chính ông sẽ có một vị trí trong lịch sử.

Người nhập cư góp phần vào sự phát triển của nước Úc ngày nay

Vẫn trên trang châu Á, Le Courrier Internationnal cũng trích đăng một bài viết của báo Úc The Sydney Morning Herald về chính sách nhập cư của Úc hiện nay.

Tờ báo đưa ra lời nhận định của tác giả là mặc dù kinh tế hiện nay có khó khăn, nước Úc vẫn phải mở cửa cho làn sóng nhập cư, vì chính những người nhập cư đó đã góp phần cho nước Úc phát triển như hiện nay.

Đúng là không ngạc nhiên gì khi vào thời điểm bất ổn về tài chính như bây giờ hay vào bất kỳ lúc nào khác, các nước vẫn muốn hạn chế nhập cư. Thế nhưng, tác giả bài báo lại nhận thấy đó chính là một giải pháp sai.

Theo tờ báo, chúng ta đang sống trong một xã hội bất ổn về chính trị cũng như khí hậu vì việc di cư là do căn nguyên kinh tế hoặc chính trị, mà sâu xa hơn là vấn đề nhân đạo.

Năm 2007-2008, Úc đã đón nhận gần 130 000 người nhập cư và theo bài báo thì con số này vẫn chỉ ở mức tối thiểu. Năm nay số lượng nhập cư vào Úc được chấp nhận chỉ còn trên 31 000 người. Tác giả đặt vấn đề, phải chăng Úc đang trở nên lãnh đạm, kém rộng lượng và thiếu trách nhiệm trên bình diện quốc tế ?

Sau khi trình bày thực trạng nhập cư vào Úc và đưa những thí dụ trong lịch sử, tác giả bài báo kết luận là lịch sử việc nhập cư ở Úc cho thấy, chính những người di cư đã làm cho dân số Úc trở nên phong phú đa dạng hơn, góp phần vào tăng thêm trí thức, sức sáng tạo và sự phồn thịnh của xã hội Úc.

Vậy thì tại sao nước Úc lại phải bỏ đi cái khả năng phát triển đó của mình? Và có một logic, đó là càng ít người nhập cư thì nước Úc sẽ càng nghèo đi, tri thức và sức sáng tạo sẽ bị giảm sút. Vậy thì  có ai lại muốn điều này xảy ra ?

Thứ trưởng Ngọai giao Mỹ gặp bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam

Theo bộ Ngọai giao Việt Nam, hôm nay, 27/09/2009, ông James B. Steinberg, thứ trưởng thứ nhất bộ Ngọai giao Mỹ tới thăm Việt Nam trong chuyến công du châu Á từ ngày 25/09 đến 01/10.

Thứ trưởng Steinberg tới Hà Nội và trong các họat động chính thức  hôm nay của ông có cuộc gặp xã giao phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, làm việc với bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và thứ trưởng thường trực bộ Ngọai giao Phạm Bình Minh, trao đổi một số vấn đề song phương.

Sau Việt Nam, thứ trưởng Ngọai giao Mỹ sẽ tới Malaysia.

Nguồn tin từ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, thứ trưởng Steinberg dẫn đầu một phái đòan liên bộ tới Việt Nam để thảo luận với các viên chức chính phủ về các vấn đề trong quan hệ song phương, khu vực và quốc tế. 

Ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng : Nỗ lực bất khả do thiếu tin cậy lẫn nhau

Sau những cuộc họp chính trị thượng đỉnh tại Hoa Kỳ với kết quả thất vọng, tiến trình đàm phán về khí hậu mở lại vào ngày mai, 28/09/2009, tại Bangkok, trong không khí bi quan. Các chuyên gia không tin là có đủ thời giờ đi đến một thỏa thuận giảm khí thải CO2 trước điểm hẹn Copenheghen vào tháng 12. Liên Hiệp Châu Âu không giấu được sự bất bình trước thái độ ích kỷ của nhiều nước lớn.

Trong bối cảnh bão tố dồn dập tại Philippines và Việt Nam, đàm phán tìm giải pháp cứu nguy nhân loại trước hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng được mở lại tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, trong tâm lý bi quan và bất lực.

Các nhà khoa học không ngừng nhắc đi nhắc lại phương trình mà toàn thể nhân loại đưa ra đáp án nếu muốn tránh nạn diệt vong mà những hiện tượng đầu tiên là bão lũ thường xuyên hơn, rồi nước biển dâng cao, phủ lấp hàng loạt bình nguyên và thành phố lớn, kéo theo hàng trăm triệu người phải di tản tìm đất sống. Đáp án của phương trình là phải nỗ lực ngăn chận tình trạng nhiệt độ khí quyển tăng thêm 2 độ C. Muốn được như vậy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải ngưng lại, không được tăng thêm kể từ năm 2015, tức là trong 6 năm tới đây. Hội nghị Copenhagen được triệu tập vào tháng 12 để thông qua một hiệp ước trong chiều hướng này.

Một cách cụ thể, các nước công nghiệp phát triển phải giảm từ 25% đến 40% lượng khí CO2 kể từ năm 2020. Đến giờ này, chỉ có Liên Hiệp Châu Âu đưa ra cam kết có số liệu đi kèm là từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 20% lượng khí CO2 so với năm 1990 và sẽ giảm nhiều thêm đến 30%, nếu đạt được một thỏa thuận quốc tế.

Quốc gia thứ hai vừa công bố lập trường thay đổi ngoạn mục là Nhật Bản. Ngay sau khi đảng Dân Chủ Nhật Bản lên nắm quyền, tân thủ tướng Hatoyama đưa mục tiêu giảm 25% khí thải ngay từ năm 2020.

Nghị định thư Kyoto năm 1997 đòi hỏi các nước giàu phải giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Văn bản này sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 và sẽ được thay thế bằng hiệp ước quốc tế Copenhagen. Trong thời gian qua, các nước giàu yêu cầu các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh trong những năm qua và thải ra lượng khí gây ô nhiểm khổng lồ, phải có thái độ trách nhiệm.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập tại NewYork và tiếp theo đó là thượng đỉnh G20 tại Pittburgs, cách nhau 4 ngày trong tuần qua, không có một kết quả nào cụ thể mang lại hy vọng là sẽ đạt được một thỏa thuận chung vào tháng 12.

Trung Quốc, là nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới chỉ đưa ra một lời hứa mơ hồ.

Về phần Ấn Độ, thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố rằng « các nước phát triển phải đưa ra trước những cam kết đáng tin cậy ».

Thời gian vô cùng cấp bách. Từ nay đến hội nghị Copenhagen, chỉ còn hai đợt đàm phán trung gian, một tại Bangkok và lần cuối cùng tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Thế nhưng, bế tắc hiện nay đã trầm trọng đến nỗi văn kiện để thảo luận, dày 200 trang, chỉ là một thứ "tả pí lù". Chuyên gia đặc trách hồ sơ môi trường của Liên Hiệp Quốc, ông Yvo de Boer, nhận định một cách chua chát : "Văn kiện này là một loại "bản kê" tối nghĩa. Tối nghĩa đến mức các thông dịch viên từ chối thông dịch".

Hầu hết các nhà thương thuyết đều cho là rất khó mà vượt qua những bất đồng từ nay đến tháng 12. Nhưng theo chuyên gia Pháp Emmanuel Guérin, không nên quá quan tâm đến hạn định 2020 mà hãy tập trung nỗ lực vào 2030. Lý do chính là hãy để cho Hoa Kỳ có thời gian thích nghi với hồ sơ khí hậu, sau 8 năm dài chối bỏ dưới thời đảng Cộng Hòa.

nguồn : RFI

Không có nhận xét nào: