Tại Paris, giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz đề xuất chỉ số chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của con người
Cách nay một năm, ngân hàng Lehman Brother sụp đổ, khai màn cho cuộc khủng hỏang kinh tế tòan cầu. Các báo hôm nay đều trở lại với đề tài này. Đặc biệt ngày hôm qua, một nhóm các nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới dưới sự chủ trì của giải Nobel kinh tế người Mỹ Joseph Stiglitz, đã trao cho chính phủ Pháp bản báo cáo của họ về hiệu qủa kinh tế và tiến bộ xã hội.Le Monde chạy tựa lớn: « Sự tăng trưởng mới đặt ưu tiên cho chất lượng cuộc sống con người ». Đây chính là ý tưởng chủ đạo của bản báo cáo do Pháp đặt nhóm các nhà kinh tế nói trên sọan thảo từ cách đây 18 tháng, tức là trước khi nổ ra cuộc hỏang kinh tế tòan cầu.
Trong kết luận của báo cáo, Joseph Stiglitz cùng các cộng sự của ông đưa ra khuyến cáo, thế giới nên có một cuộc cách mạng về thống kê kinh tế. Điều này có nghĩa là cần phải thóat ra khỏi những tỷ lệ tăng trưởng hay con số về tổng sản phẩm quốc nội để đánh giá sự tăng trưởng một nền kinh tế. Sản xuất và tiêu dùng phải hòa nhập với các yếu tố khác, như chất lượng cuộc sống, y tế, môi trường và hệ thống xã hội, hạnh phúc của con người.
Stiglitz là khách mời đặc biệt của Liberation ngày hôm nay. Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ báo, chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới này đã khẳng định, cần phải có một quan điểm mới về kinh tế trong tương lai. Ông giải thích rằng « cần phải thay đổi mô hình thống kê kinh tế và phải tính đến chất lượng cuộc sống và mức độ hạnh phúc của con người ».
Theo Liberation, với việc thay đổi công cụ đo lường mức phát triển kinh tế, Stiglitz đã đưa ra một hình thức phát triển kinh tế mới, bền vững hơn, tôn trọng việc bảo vệ môi trường hơn nữa.
Nhân chuyện này Liberation liên hệ trực tiếp với nước Pháp, vì dù sao đây cũng là bản báo cáo do Pháp đặt hàng. Tờ báo nhận thấy, nếu như tổng thống Pháp Sarkozy đồng ý với bản báo cáo Stiglitz thì bây giờ sẽ là giai đọan quan trọng trong cuộc cải cách những suy nghĩ đi theo hướng nhân bản hơn mà cho đến giờ vẫn chỉ nặng về lời nói và những con số mà thôi.
Tờ báo khẳng định, việc tính đến các chỉ số xã hội và môi trường để đo hiệu qủa kinh tế của một xã hội sẽ làm thay đổi quan điểm về thế giới trong tương lai, một thế giới kinh tế không thể chỉ dựa trên thị trường. Từ trước tới nay, người ta vẫn dựa trên chỉ số tổng sản phẩm quốc nội làm thước đo tăng trưởng kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Mỹ này thì bản thân con số không sai, nhưng một chỉ số đó không thể đánh giá được hết mức độ phát triển kinh tế.
Báo cáo của nhóm các nhà kinh tế nói trên đang mở ra những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh cách tính tóan sản xuất của cải vật chất của nhân lọai.
Vẫn liên quan đến đề tài kinh tế, Le Figaro nhìn qua nước Mỹ, nơi khởi phát cuộc khủng hỏang tài chính tòan cầu. Lúc này tổng thống Obama bắt đầu chĩa mũi nhọn lên án thị trường tài chính Wall Street. Một năm sau vụ đổ bể ngân hàng Lehman Brothers, tổng thống Mỹ kêu gọi thế giới tài chính và Quốc hội không làm cản trở việc cải cách điều tiết ngân hàng trong chương trình của Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Theo Le Figaro thì tổng thống Mỹ nhận thấy, trong cuộc khủng hỏang kinh tế thế giới có trách nhiệm tập thể của các ngân hàng và chính quyền Mỹ. Nhưng trước khi có các luật định, ông kêu gọi các ngân hàng hãy tự điều chỉnh chính mình vì tổng thống Mỹ nhận thấy là các nhân hàng đến giờ vẫn không chịu rút ra bài học của cuộc khủng hỏang.
Nhìn sang làng báo châu Á. Dù chính phủ Hàn Quốc đã công khai ủng hộ cuộc đối thọai trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên nhưng dư luận của nước này vẫn còn nhiều điều muốn nói.
Báo chí Hàn Quốc lại đưa ra phát hiện mới. Tờ Chosun Ilbo sáng nay đã có bài phác họa chân dung của một nhân vật mà theo tờ báo là người «đứng đằng sau chính sách đối với Bắc Triều Tiên của ông Barack Obama ». Đó là ông James Steinberg, thứ trưởng Ngọai giao. Theo tờ báo, nhân vật này giữ vai trò quyết định trong chính quyền Obama trong việc thay đổi chính sách và đạt được các thỏa thuận song phương với Bắc Triều Tiên trên hồ sơ hạt nhân.
Bắc Triều Tiên chuẩn bị dư luận trong nước cho Kim Jon-un lên lãnh đạo đất nước, trong khi đối với bên ngòai vẫn giấu kín thông tin.
Tờ The Korean Herald hôm nay lại quan tâm nhiều đến việc chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên. Theo tờ báo mặc dù chưa tung ra quốc tế, nhưng những dấu hiệu trong những ngày qua ở Bắc Triều Tiên về việc Kim Jong un, con trai thứ ba của lãnh tụ Kim jong-il sẽ kế tục quyền lực của cha là điều gần như chính thức ở trong nước. Các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên đang mở một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp để nâng cao vị thế của Kim Jong-un. Đài phát thanh liên tục kể đủ thứ chuyện về nhân vật mới này với vai trò như một nhà lãnh đạo chỉ chăm lo đến lợi ích của nhân dân và đất nước.
Những chuyện kế tục quyền lực của người con trai này trước đây là điều cấm kỵ, nhưng giờ đây, các công chức ở Bắc Triều Tiên có thể công khai bàn luận về chuyện này.
Tờ báo cũng nhận thấy, mặc dù chiến dịch tuyên truyền trong nước đang cho thấy rõ ràng là lãnh tụ Bắc Triều Tiên sắp chuyển giao quyền hành lãnh đạo cho con trai mình, nhưng Bình Nhưỡng lại vẫn có vẻ chưa muốn công bố cho quốc tế biết. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo của Nhật mới đây, ông Kim Yong Nam, chủ tịch Quốc hội Bắc Triều Tiên đã tuyên bố những tin đồn về việc kế vị bố của Kim Jong-un là không có cơ sở và rằng Bắc Triều Tiên chưa hề đặt vấn đề này ra để thảo luận.
Tuy nhiên tờ báo Hàn Quốc cũng nhắc lại, chính vị chủ tịch Quốc hội này đã từng nói dối về tình hình sức khỏe của Kim Jong-il trong một cuộc phỏng vấn khác với Kyodo vào năm ngóai và cho rằng đây không phải là lần đầu tiên ông ta giấu diếm sự thật. Điều này chỉ càng chứng tỏ họ không cởi mở với thế giới bên ngòai.
Bắc Kinh kiện Washington nâng thuế đánh vào lốp xe Trung Quốc nhập khẩu Mỹ
Một thời sự châu Á khác được báo Pháp rất chú ý tới nữa đó là việc Trung Quốc kiện Hoa Kỳ quyết định tăng 35% thuế hải quan đánh vào mặt hàng lốp xe hơi Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ. Trang kinh tế của Le Figaro cho biết, Bắc Kinh vừa mới chính thức nộp đơn kiện Hoa Kỳ lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Bắc Kinh coi đây là một quyết định «vô lối ».
Theo tờ báo thì quyết định trên của Hoa Kỳ đã gây một làn sóng phản đối ở Trung Quốc. Theo một số chuyên gia được Tân Hoa Xã trích dẫn, quyết định của Hoa Kỳ đánh thuế vào mặt hàng lốp xe hơi của Trung Quốc có thể khiến cho 100 nghìn lao động ở Trung Quốc mất việc làm. Về phía chính phủ, bộ Ngọai giao Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo đây là một hình thức bảo hộ mậu dịch nghiêm trọng của phía Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng nó sẽ gây tổn hại đến quan hệ thương mại và tài chính giữa hai nước và đe dọa phục hồi nền kinh tế thế giới.
Để trả đũa lại, bộ Thương mại Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra chống phá giá về sản phẩm gia cầm và phụ tùng xe hơi nhập của Mỹ. Tờ Báo cũng cho biết từ đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất sang Hoa Kỳ lượng lốp xe hơi trị giá 1,3 tỷ đô la, trong khi đó, Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc hơn một tỷ đô la tiền linh kiện xe hơi trên và sản phầm thịt gà.
Tờ báo cũng nhận định rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này hiện đang có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, cả hai cùng cần nhau phải khỏe mạnh. Cuộc chiến kinh tế của họ sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên.
Người có việc làm cũng khổ sở.
Kinh tế thế giới vẫn chưa thóat ra khỏi khó khăn, trong lúc đó người lao động lại ngày càng phải làm việc trong những điều kiện khổ cực. Đó là chủ đề chính của tờ La Croix. Tờ báo đưa câu hỏi làm tựa lớn : "Tại sao người ta lại khổ cực ở nơi làm việc ?" như để cố gắng lý giải về hiện tượng, gần đây, hàng lọat các nhân viên của Hãng France Telecom tự tử mà nguyên nhân có thể là do bị sức ép trong công việc. Điều này đang khiến cho các công ty ở Pháp phải có ý thức đến điều kiện làm việc của những người làm công ăn lương.
Tờ báo đặt vấn đề, tại sao người lao động lại phải khổ sở ở nơi công sở như vậy trong khi mà nhiều thập kỷ trước đây, điều kiện làm việc của người lao động còn vất vả hơn nhiều ? Thế giới ngày càng phát triển, con người ngày càng phải đối mặt với những mối lo toan mới ngay chính trong công việc, khiến cuộc sống nơi công sở ngày càng trở nên như là một sức ép về tinh thần và vì thế mà người làm công ăn lương luôn phải đánh vật với chính công việc mình có.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, 40 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu
Trong báo cáo thường niên được công bố ngày hôm qua, 15/09/2009, tại Nairobi, Kenya, Ngân Hàng Thế Giới dự báo, nạn biến đổi khí hậu sẽ đào sâu thêm sự phân hóa giữa các nước giầu và các nước nghèo.Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ phải hứng chịu phần lớn thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, có ít nhất 40 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu do biến đổi khí hậu. Bởi vì cũng như một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, Việt Nam bị tác động bởi ba yếu tố chính:
- Một là 40 triệu người Việt Nam sống dọc theo bờ biển hoặc ở đảo thấp,
- Thứ nhì, cùng với một số nước nghèo, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp. Ở đây, Ngân Hàng Thế Giới viết : "Khi sức ép lên đất đai, nguồn nước và rừng gia tăng, hậu quả của tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường do công nghiệp hóa quá nhanh. Các nước này sẽ còn gặp nhiều vấn đề hơn nữa về quản lý vì khí hậu sẽ ngày càng khó lường và khốc liệt. Chẳng hạn như ở đồng bằng sông Mekong, mùa mưa sẽ có lượng nước mưa cao hơn trong khi mùa khô có thể kéo dài thêm hai tháng,
- Yếu tố thứ ba là nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Duơng vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thủy hải sản và do đó phải chịu sức ép từ ô nhiễm công nghiệp, phát triển ven biển, việc đánh bắt quá mức các nguồn thủy hải sản, hệ quả của thuốc trừ sâu và dinh dưỡng bị cuốn trôi".
nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét