Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Biệt thự cổ Hà Nội: Không bán không có nghĩa là còn !!!

Ngay trong danh mục 206 biệt thự không bán ban hành kèm Quyết định 4733/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND TP Hà Nội, có địa điểm như số 2 Hai Bà Trưng với diện tích khuôn viên đất cả biển xấp xỉ 1.850m2 được ghi rõ "đã giải phóng mặt bằng, hiện là vườn hoa". Hay như địa điểm 12 Tôn Đản tổng diện tích 1.9111m2 đã được cải tạo thành nhà nhiều tầng.

281ĐC

Biệt thự có diện tích khuôn viên đất cả biển lớn nhất trong danh mục Hà Nội quyết định không bán - 281 Đội Cấn, được chụp ngược từ sân trong...

Tương tự, với địa điểm 47 Trần Quốc Toản, dù quyết định không bán, cơ quan chức năng cho biết từ 1/7/2008 đã có quyết định lập dự án phá dỡ, xây mới. Biệt thự số 3 Nguyễn Thượng Hiền cũng đã được xây dựng, cải tạo lại, hiện là trụ sở của Cục Cảnh sát GTTT. Địa điểm có diện tích khuôn viên đất cả biển lớn nhất trong số các biệt thự không bán - 281 Đội Cấn từ vài năm trước cũng đã có dự án "ngấp nghé"...

Thực tế này, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội, có thể hiểu trong số những biệt thự không bán cũng được phân loại: cái cần giữ gìn, bảo tồn nhưng cũng có cái được phép "chuyển từ dạng này sang dạng khác"...

281

Còn nếu nhìn từ ngoài đường Đội Cấn, khó có thể nghĩ ở số nhà 281 này lại có thể có một biệt thự...

Cũng theo ông Nghiêm - người từng nhiều năm làm công tác quản lý lĩnh vực liên quan đến các biệt thự cổ Thủ đô, nay vẫn rất tâm huyết với đề án liên quan đến "số phận" những ngôi biệt thự này - "những biệt thự trong danh sách không bán không hẳn được giữ lại vì giá trị kiến trúc, hay diện tích khuôn viên đất... mà vì nhiều lý do".

"Đa phần những biệt thự không bán này từ lâu đã được sử dụng vào mục đích công vụ, hoặc phục vụ công tác ngoại giao, làm đại sứ quán, hay đang được nhiều tổ chức, đơn vị trong ngoài nước quản lý, sử dụng với mục tiêu lâu dài", ông Nghiêm cho hay.

25 NHT

Một trong những biệt thự được coi là "có giá trị kiến trúc, là nét văn hóa, đặc sắc riêng của Thủ đô" - 25 Nguyễn Huy Tự.

Thực tế, khá nhiều biệt thự trong danh mục không bán Hà Nội vừa ban hành đã nhiều năm nay là địa chỉ rất quen thuộc với người dân Hà Nội, hoặc nổi tiếng vì "xì-căng-đan": 32 Hàng Bài đang là trường Trưng Vương, 25 Ngô Quyền thuộc Bộ Công Thương, 3 Phan Huy Chú của TTXVN, 36 Ngô Quyền: Hộ sinh A sử dụng; 40 Bông Nhuộm là trường Mầm non 20-10; 12 Nguyễn Chế Nghĩa, 34 Điện Biên Phủ từng nhiều lần làm "sôi" dư luận...

Trong danh mục 206 địa điểm Hà Nội vừa quyết định không bán, 29 biệt thự được coi là có giá trị kiến trúc. Tuy nhiên, chỉ 4 trong số này được giữ lại vì chính lý do "có giá trị kiến trúc". 25 biệt thự còn lại ngoài giá trị kiến trúc còn thuộc các nhóm danh mục khác nhau, có những "số phận" khác nhau.

25

Giá trị kiến trúc? (Chụp địa điểm 25 Nguyễn Huy Tự trung tuần tháng 9/2009)

Những ai mục sở thị 4 ngôi biệt thự không bán thuộc danh mục "có giá trị kiến trúc, là nét văn hóa, đặc sắc riêng của Thủ đô" đều sẽ hiểu rằng sẽ còn phải tốn rất nhiều tiền của, thời gian, công sức và cả lòng quyết tâm, Thủ đô mới có thể "khoe" những giá trị kiến trúc của chúng như một niềm tự hào!

Ngắm biệt thự 25 Nguyễn Huy Tự bằng mắt thường, chỉ thấy rặt mái tôn, "ba-lô" cơi nới, cà-phê "bụi" chắn mặt...

28 NHT

Giá trị kiến trúc của biệt thự 28 Nguyễn Huy Tự chỉ dành riêng cho những ai có... khóa cổng?!

Khối di sản 28 Nguyễn Huy Tự may mắn hơn vì không có hàng quán nào xâm phạm, nhưng có lẽ rất ít người qua đường được ngắm giá trị kiến trúc của nó bởi sự rậm rịt, thâm u của cây cối khuôn viên này.

Trái với sự u tịch ấy, khối di sản 182 Quán Thánh lại lấp ló sau sự hào nhoáng của một nhà may thời trang. Chắc chắn một kiến trúc giá trị không thể tách rời không gian, cảnh quan, không thể thiếu tầm nhìn... Chắc hẳn cũng không ít trong số những người từng coi biệt thự này có giá trị về kiến trúc đã phải xót xa khi khối di sản như được mọc ra từ "sân sau" của nhà may, trở thành... công trình phụ!

182 QT

Muốn ngắm giá trị kiến trúc của biệt thự 182 Quán Thánh, xin mời vào may quần áo, sau đó xin phép ra... phía đằng sau!

Biệt thự 87 Lý Thường Kiệt ở "thời hiện tại" sẽ khiến nhiều người tự hỏi không rõ có nhầm chăng khi tìm đúng địa chỉ, lại thấy lù lù một nhà hàng xây sát ra tận vỉa hè, trước còn án ngữ thêm vài quán nước chè!

Được biết, sau khi quyết định danh mục các địa điểm nhà biệt thự bán và không bán, Hà Nội tiếp tục xây dựng qui chế, tiêu chí bảo tồn, tôn tạo và lập danh mục biệt thự cần bảo tồn, tôn tạo. Tiến tới, Hà Nội sẽ lên kế hoạch kiểm tra, đánh giá chất lượng biệt thự để lên phương án quản lý, chỉnh trang hoặc tôn tạo.

87 LTK

Giá trị kiến trúc của biệt thự 87 Lý Thường Kiệt hiện là một nhà hàng với mặt tiền lấn sát vỉa hè... Những biến tướng này sẽ là "lực cản" rất lớn cho việc tìm lại giá trị kiến trúc thực sự của khuôn viên 607m2 giữa trung tâm Hà Nội. 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng phương án thu hồi, giải phóng một số biệt thự để dùng vào mục đích khác. Những biệt thự được phép cải tạo, xây dựng lại - tổ chức, cá nhân đang quản lý sẽ được cấp phép xây dựng song song với việc thỏa thuận các điều kiện về kiến trúc, qui hoạch.

Tất cả "chiến lược đối xử" với các biệt thự Hà Nội chủ yếu vẫn đang trên giấy. Có thể thấy, để quyết được trên giấy đã là cả quá trình vất vả, nhưng chưa thể gọi là có kết quả nếu thời gian tới, thực tế không có gì thay đổi, hoặc thay đổi không như những gì giấy viết ra...

  • Thoại Mi - (VNN)

Không có nhận xét nào: