Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Về Cần Thơ ăn trâu luộc mẻ

Đuôi trâu nấu lẩu ăn rất mát và bổ dưỡng 

(TNTT>) Nếu dân sơn cước tự hào với đặc sản thịt trâu xông khói thì ở ĐBSCL , trâu luộc mẻ chính là món ngon chân truyền nổi tiếng khắp vùng.

Thời xưa, ở vùng châu thổ sông Cửu Long, bất đắc dĩ lắm người ta mới mổ trâu lấy thịt, đơn giản vì "con trâu là đầu cơ nghiệp". Chiến tranh và lũ về, rồi những rủi ro khiến phải mổ trâu xẻ thịt. Nhưng trong cái khoảnh khắc phải chọn lựa ấy, năng khiếu tài tình của những người có"tâm hồn ăn uống"đã biến thịt trâu thành món ngon trần thế.

Vừa bổ dưỡng vừa thanh nhiệt

Mùi vị thịt trâu ngọt, cay, tính mát, thanh nhiệt, không độc, hàm lượng đạm rất cao. Thịt thơm ngon, vừa dai vừa mềm.

Chị chủ quán "Trâu luộc mẻ" số 83 đường Cách  Mạng Tháng Tám, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết: "Trâu luộc mẻ" là đặc sản của miền Tây, được nhiều nhà hàng, quán ăn khai thác và biến tấu thành nhiều món ăn phong phú, nhiều kiểu cách khác nhau, trong đó cơm mẻ là thành phần không thể thiếu được khi làm các món liên quan đến thịt trâu.

Cũng giống như các loại lẩu cá, lẩu thịt nhưng nét đặc trưng của lẩu trâu là người ăn sẽ được thưởng thức nhiều bộ phận nội tạng vừa ngon vừa có chất dinh dưỡng cao.

Hóa ra có nhiều cách chế biến thịt trâu, từ trâu luộc, nấu cà ri, sườn trâu nướng vỉ cho đến nướng sả ớt, hấp chao, xào lá cách, xào hành, lúc lắc, um nước dừa, phèo trâu nướng…Nhưng hình như đa số thực khách đều khoái món trâu luộc mẻ.

"Phải là thứ thịt trâu thật tươi đem về xắt ngang thớ, ướp gia vị sả, tỏi, ớt, muối, đường, bột ngọt và hành tây xắt mỏng mới đúng điệu", anh chủ quán Kim Huệ ở P. An Thới, TP. Cần Thơ nói.

Tách thịt nạc xong, các đầu bếp giỏi thường dùng cả sườn, dụm, nạm, đuôi, gân, lưỡi, trâu vò viên và bộ đồ lòng gồm phèo, lòng bàn, lá mía, lá xách, tàn ong… Người ăn sẽ từ từ nhúng đồ lòng và thịt vào chiếc lẩu đang sôi ùng ục. Họ được giải thích công dụng từng thứ như một thang thuốc bổ. Y học cổ truyền cũng khẳng định người thường xuyên ăn thịt trâu sẽ tăng thêm khí lực, bổ tì vị, mạnh gân cốt, ích huyết và có thể trị được chứng nhức mỏi, phù thũng, đi tiểu gắt, đại tiện nóng và làm giảm khát nước.

Vị thuốc từ lẩu trâu
 
Bạn sẽ hết sức bất ngờ nếu biết rằng cho đuôi trâu vào lẩu thì nước lẩu hóa thành vị thuốc tổng hợp. Nước lẩu phải được dân điệu nghệ chế biến, nêm nếm mới ra hồn, dù thành phần chủ yếu tạo nên vị ngon đặc trưng vẫn là sả và cơm mẻ.

Nước chấm là cơm mẻ tán nhuyễn thêm tí muối, vẫn kèm chút sả, ớt nhưng nhờ pha chế khéo léo mà thành một món vừa nồng, vừa chua, mặn, ngọt, và cay tới hốc mũi, vừa ăn vừa hít hà nhưng chẳng có ai bỏ đũa.

Thưởng thức món trâu luộc mẻ phải ăn với rau vườn: cần nước, ngò gai, cải bẹ xanh, cải trời, bông súng, kèo nèo, dưa leo, mướp… và không thể thiếu khế chua, chuối chát.

Vào những ngày cuối tuần, vợ chồng con cái hoặc bạn bè rủ nhau đi tẩm bổ bằng "trâu luộc mẻ" thật không có gì thú vị bằng. Cũng nên nhớ, giới mày râu nên mang theo một chai rượu thuốc vì với món trâu luộc mẻ không mấy ai uống bia bao giờ!

Hoài Phương

Không có nhận xét nào: