Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Đọc báo sáng Chủ nhật

Ít thải carbon nhưng các nước nghèo lại là nạn nhân đầu tiên vì biến đổi khí hậu.

Ba tháng trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen, nhưng ngay từ bây giờ các nước nghèo đã lên tiếng cho thấy rằng họ là nạn nhân chủ yếu của tình trạng biến đổi khí hậu tòan cầu nên cần phải được trợ giúp mạnh mẽ. Đó cũng chính là nội dung của bài viết trên Le Monde.

Theo tờ báo, tại Hội Nghi thượng đỉnh Copenhagen sắp tới các nước nghèo, trong đó số đông nằm ở châu Phi, sẽ lên tiếng đòi hỏi phải có quyền lợi trong các quyết định về chiến lược nhằm chống lại việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Sở dĩ có thái độ trên vì trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, tiếng nói của các nước nghèo thường không được quan tâm.

Le Monde cũng cho biết nhiều nghiên cứu khẳng định các nước chậm phát triển là nạn nhân đầu tiên của việc biến đổi khí hậu trong khi chính các nước đó phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ít nhất. Vì thế họ sẽ có trách nhiệm ít hơn về hiện tựợng biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu khác của văn phòng thẩm định các nguy cơ tòan cầu của Anh quốc mới đây, hôm mùng 2 tháng 9 cũng đã công bố một nghiên cứu cho thấy có 28 nước dễ phải hứng chịu hậu qủa nghiêm trọng của hiện tượng trái đất ấm lên, trong số đó có 22 nước châu Phi.

Còn tại Manila, ngày 2/9 Ngân hàng Phát triển châu Á đã đưa ra kết qủa cuộc điều tra kết luận rằng việc tan chảy băng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn do trái đất nóng lên đang đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực và nguồn nước của 1,6 tỷ dân vùng Nam Á. Le Monde lưu ý là hiện một nửa số dân nghèo nhất trên thế giới đang sống trong khu vực này.

Tờ báo đưa thêm một dẫn chứng đó là ngày 1 tháng 9 tại New York ông Rob Vos, Giám đốc bộ phận kinh tế xã hội của Liên Hợp quốc nhận định rằng « Nếu người ta không giảm bớt phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính một cách đáng kể thì những thiệt hại gây ra cho nền kinh tế của các nước nghèo sẽ lớn gấp 10 lần so với các nước phát triển ».

Liên Hợp Quốc nhận thấy mỗi năm phải đầu tư khỏang 1% tổng thu nhập quốc nội của tòan địa cầu để đấu tranh chống lại thay đổi khí hậu, tức là khỏang 500 tỷ đô la.

Theo Le Monde, nhận định trên đây đã dẫn đến việc các nước nghèo khó nhất đòi các nước công nghiệp phải đóng góp nhiều hơn nữa cho các nước nghèo trong công cuộc đấu tranh chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Vấn đề nguồn tài trợ thích ứng với hiện tượng khí hậu biến đổi sẽ là chủ đề chính và vẫn thường là điểm bế tắc của các cuộc hội đàm về biến đổi khí hậu.

Các nước châu Âu muốn tập hợp nhóm lợi ích cùng với những nước nghèo nhất thông qua hợp tác. Từ nay đến ngày hội nghị Copenhagen khai mạc các nước chậm phát triển cố gắng tập hợp để có được lập trường chung trong các cuộc thương thuyết với các nước công nghiệp phát triển.

Tranh cãi ở Pháp xung quanh dự luật đánh thuế vào phát thải carbon

Vấn đề bảo vệ môi trường mấy ngày qua cũng đang là một đề tài nóng bỏng trong các cuộc tranh luận chính trị ở nước Pháp xung quanh dự  luật đánh thuế vào việc phát thải khí carbon. Dự luật này đang gây ra nhiều tranh cãi không chỉ giữa các đảng phái chính trị mà ngay trong đa số cầm quyền UMP.

Le Monde thì chạy tựa : «Thuế carbon gây phân hóa các đảng phái và thêm sự phản đối của người dân ». Trong khi đó tựa của Le Figaro : Thuế carbon : Ông Sarkozy quyết tâm thuyết phục người Pháp.

Một chủ chương của chính phủ trong công cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu bỗng nhiên trở thành một hồ sơ gai góc không chỉ cho chính đảng cầm quyền mà ngay cả trong đảng đối lập là đảng Xã hội.

Trang bìa của Liberation, tờ báo thiên tả, chụp bức ảnh Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Fillon trong tư thế như đang tranh luận gay gắt với nhau, ở giữa là hàng tựa lớn : Thuế carbon đang làm nóng cánh hữu

Sự việc bắt đầu trong cánh tả từ hôm thứ năm vừa rồi khi Thủ tướng Fillon trình bày nội dung của dự luật trên, ông đã đưa ra con số là đánh thuế 14 euros cho một tấn carbon phát thải. Ngay sau đó phủ tổng thống đã bác bỏ rằng chưa có quyết định cuối cùng và chính Tổng thống mới là người quyết định.

Như vậy là đã xảy ra ngay chuyện «ông chẳng bà chuộc » ngay trong  chính nội bộ hành pháp về một đạo luật mà 2/3 dân Pháp không tán đồng. Sự việc này khiến báo giới quan tâm nhiều hơn đến vị trí và vai trò của Thủ tướng trong chính phủ. Liberation gọi Thủ tứơng Fillon là "người thợ hành pháp".

Taliban liên tục tấn công vào liên quân quốc tế tại Afghanistan

Một thời sự khác cũng được các báo Pháp quan tâm không kém đó là chiến trường Afghanistan.

Hôm qua cuộc chiến Afghanistan lại lấy đi thêm một người con nữa của nước Pháp, kể từ khi bắt đầu tham gia cuộc chiến này số binh sĩ Pháp bỏ mạng tại chiến trường Afghanistan này đã lên tới 30 người.

Sự kiện lớn hơn cũng diễn ra ở chiến trường ác liệt này là vụ không quân Nato ném bom làm 90 người chết mà trong đó có khá đông là thường dân. Đây không phải là lần đầu tiên liên quân đánh nhầm vào dân thường Afghanistan.

Le Figaro nhận thấy Taliban đang phục hồi các họat động tại Afghanistan.

Theo tờ báo, cuộc bầu cử tại Afghanistan vẫn chưa kết thúc. Ủy ban bầu cử chưa kiểm xong phiếu trong khi đó người ta thấy quân Taliban đang trở lại với các cuộc tấn công vào lực lượng liên quân quốc tế. Vụ thứ nhất, quân Taliban tấn công vào đòan xe tiếp liệu cho liên quân và sau đó đẫn đến vụ ném bom của không quân Nato như đã nói trên. Tiếp đó là vụ Taliban phục kích bằng mìn nhắm vào đòan xe của một đơn vị quân Pháp khiến một binh sĩ bị chết và 4 lính khác bị thưong nặng. 

Chiến trường Afghanistan ngày càng trở nên khốc liệt.

Sự phục hồi các họat động của Taliban là một cản trở lớn cho chiến lược mới của Mỹ tại Afghanisstan. Cách đây vài ngày tướng Mc Chrystal đã trình bày chiến lưựoc mới với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ thừong dân, thứ đến là cùng với quân đội Afghanistan giữ địa bàn, tạo điều kiện cho các dự án phát triển. Việc lọai bỏ quân nổi dậy có vũ trang là điểm thứ yếu trong chiến lược này của Mỹ.

Đội tuyển bóng đá Pháp trước hai cơ hội cuối cùng kiếm vé đi  Nam Phi  2010

Tối nay đội tuyển bóng đá Pháp sẽ bước vào trận đấu với đội tuyển Roumanie trên sân nhà trong khuôn khổ vòng lọai cúp bóng đá thế giới 2010 tại Nam Phi.

Đây là một trong hai trận quyết định để tuyển Pháp có vé đi dự cúp bóng đá thế giới vào năm tới. Đội tuyển Pháp đang ở vào tình trạng chỉ có thắng mới bảo đảm đựoc cuộc đua tiếp theo. Chính vì tính chất quyết định của trận đấu mà các báo Pháp hôm nay trên trang thể thao đều dành những bài viết cho đội quân áo lam của mình.

Tờ Liberation thì đánh giá đội tuyển Pháp bây giờ không còn quyến rũ được nguời hâm mộ. Vì lối chơi thiếu thuyết phục, thiếu ổn định và không hiệu qủa nên ngày càng có nhiều người hâm mộ Pháp không tin vào đội tuyển nhà như trước nữa.

Le Figaro cũng nhận thấy tối nay đội tuyển Pháp phải chiến thắng Roumanie thì mới giữ đựơc cơ may đi tiếp. Trong khi đó nhìn vào lực lượng, người ta thấy đội tuyển Pháp vẫn duy trì một đội hình thi đấu không có hiệu qủa đặc biệt ở hàng công. Tuyển Pháp mới chỉ có được 4 bàn thắng trong số 7 trận thi đấu quốc tế gần đây nhất.

Hàng thủ cũng tỏ ra yếu kém, không thể hiện rõ phong cách chơi và thiếu gắn kết. Đó là lý do mà hiện tại đội tuyển Pháp vừa bị tụt xuống hạng 10 trong bảng xếp hạng của FIFA. Dù gì thì hai trận tối nay gặp Roumanie và tứ tư gặp Serbia là hai trận chung kết để tìm đường đi tới Nam Phi.  

Nỗi lo ngại bóng đá Pháp vắng mặt tại Nam Phi được La Croix thể hiện bằng hàng tựa : Đội tuyển bóng đá Pháp bên bờ vực sâu.

Tờ báo cho rằng sau một lọat trận thi đấu không thành công để đến giờ hậu quả là đội tuyển Pháp như đang đi trên dây. Viễn cảnh năm 2010 không có Cúp thế giới đối với bóng đá Pháp đang rõ dần.

Tờ báo cũng nhắc lại là suốt từ 13 năm dù có những trục trặc này khác nhưng Pháp luôn có mặt tại vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới và cúp bóng đá châu Âu.

Tối nay người hâm mộ bóng đá Pháp sẽ được theo dõi một trận cầu nghẹt thở vì hồi hộp lo lắng cho đội tuyển nhà.

Tin mới nhất : Pháp 1-1 Ru-ma-ni.

* nguồn: RFI

Không có nhận xét nào: