Văn bản pháp quy thiếu và yếu, trách nhiệm thuộc về ai? | ||||
02/09/2009 09:15 (GMT + 7) | ||||
Khi biểu quyết thông qua Luật Giáo dục 1998, các ĐBQH Khóa X không thể không biết rằng Chính phủ phải xây dựng rất nhiều Nghị định, đến mức khi trình Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005, Chính phủ thừa nhận vẫn còn nợ 7/ 15 nghị định cần phải ban hành. | ||||
Theo báo cáo, việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đã được triển khai ngay từ đầu tháng 7.2005.
Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 văn bản và ban hành theo thẩm quyền 38 văn bản; năm 2006 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 văn bản và 62 văn bản ban hành theo thẩm quyền; năm 2007 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 văn bản và ban hành 82 văn bản theo thẩm quyền. Tuy nhiên, xét trong cả 3 năm (2006 - 2008) công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản theo kế hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra, số lượng văn bản đạt rất thấp; nhiều văn bản thuộc thẩm quyền cấp trên và nhiều văn bản trọng yếu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được ban hành, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành; không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn, làm chậm quá trình đưa quy định của Luật Giáo dục vào cuộc sống và làm giảm uy tín của Bộ trong công tác này 1. Rất tiếc là báo cáo không nói rõ hơn về chất lượng của các văn bản đã được ban hành, và khi đề cập đến hậu quả chỉ nói đến "làm chậm quá trình đưa quy định của Luật giáo dục vào cuộc sống". Nói về hậu quả mà chỉ chừng đó là chưa thấy hết các tác hại. Thực tế cho thấy không riêng ở ngành nào, địa phương nào, các văn bản pháp quy thiếu, chất lượng không cao là mảnh đất thuận lợi cho sự quản lý tùy tiện phát triển, cho việc biến quyền lực nhà nước thành quyền lợi cá nhân, dẫn tới tha hóa bộ máy nhà nước. Báo cáo tổng kết nêu lên 4 nguyên nhân chủ quan: + Nhận thức và năng lực của không ít cán bộ, chuyên viên chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ; + Sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành và ngoài ngành chưa đạt yêu cầu. + Việc xây dựng kế hoạch soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm chưa sát thực tế thiếu tính khả thi, số lượng văn bản dự kiến quá lớn so với khả năng thực hiện. Ngược lại, nhiều văn bản đã được ban hành ngoài kế hoạch, mặc dù kế hoạch này do chính các đơn vị đề xuất để Bộ trưởng phê duyệt, giao nhiệm vụ. + Kinh phí xây dựng văn bản rất hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các công đoạn của quy trình soạn thảo văn bản. Về phía khách quan, báo cáo nêu lên 4 nguyên nhân: + Một số văn bản điều chỉnh những "vấn đề phức tạp", khó tạo được "sự đồng thuận giữa các cơ quan"; một số văn bản làm căn cứ để ban hành văn bản của Bộ có những quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhận thức chưa thống nhất. + Thủ tục ban hành các văn bản của cơ quan cấp trên rất phức tạp, qua nhiều công đoạn; nhiều trường hợp quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo và các đơn vị chức năng chưa thống nhất, dẫn đến nhiều văn bản phải làm đi làm lại nhiều lần. + Việc góp ý, lấy ý kiến của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài Bộ thường kéo dài hoặc cơ quan lấy ý kiến yêu cầu quá gấp rút, mang nặng tính hình thức. + Trong hai năm 2007 - 2008, Quyết định số 7939/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ, đã có ảnh hưởng nhất định đến tiến độ soạn thảo của nhiều văn bản. Những nguyên nhân nêu lên (còn có thể thảo luận và bổ sung) không phải xa lạ mà phần lớn là rất cũ. Ai không biết sự phối hợp liên bộ vẫn còn là một điểm rất yếu trong bộ máy nhà nước cho đến nay, mà nguyên nhân chủ yếu là do tầm nhìn, nhận thức và quyền lợi cục bộ của không ít vị thành viên Chính phủ. Muốn quản lý nhà nước trong ngành giáo dục có chuyển biến về chất không thể dừng lại ở nguyên nhân mà phải đi đến trách nhiệm. Báo cáo tổng kết hàm ý trách nhiệm là ở "không ít cán bộ, chuyên viên" của Bộ. Điều này đã hẳn và chưa hết. Báo cáo không nói gì tới trách nhiệm của Bộ trưởng. Công bằng và khách quan mà nói, người phải bị "truy nợ", người phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ trước tiên phải là Bộ trưởng. Xin đừng nói Luật Giáo dục 2005 là do Bộ trưởng tiền nhiệm chịu trách nhiệm, bởi tính liên tục của quyền lực mà Bộ trưởng mới thừa kế từ người tiền nhiệm với cả hai mặt thuận lợi và khó khăn.
Trách nhiệm của Bộ trưởng là ở chỗ Bộ trưởng để tồn tại tình trạng nhiều văn bản trọng yếu2 thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được ban hành gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng biết nhưng vẫn để kéo dài tình trạng "Bộ vẫn trực tiếp quản lý, ôm đồm nhiều việc, chỉ giao một phần cho các trường"; hay tình trạng chậm ban hành và thực hiện các quy chế về các trường đại học và cao đẳng, nhất là các trường ngoài công lập. Ngạn ngữ có câu: Sai phạm được biết trước trách nhiệm sẽ nhân đôi. Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ cũng có trách nhiệm về sự yếu kém trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trước nhất bởi lẽ đã trình dự thảo Luật Giáo dục 2005 với rất nhiều điều được giao cho Bộ trưởng quy định mà nội dung chưa rõ ràng, chưa được hiểu thống nhất, hay nói cách khác chưa chín muồi, mà nhiều ĐBQH và nhiều cử tri am tường trong ngành đã cảnh báo tại hội trường QH cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc đó, năm 2005. Thứ đến, nếu sự phối hợp giữa các Bộ và các cơ quan chức năng tốt hơn thì các dự thảo văn bản đã không chịu cảnh "khó tạo được sự đồng thuận giữa các cơ quan", "nhiều trường hợp quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo và các đơn vị chức năng chưa thống nhất, dẫn đến nhiều văn bản phải làm đi làm lại nhiều lần", … Đó là chưa nói đến sự phối hợp càng phải mẫu mực để thể hiện bằng hành động sự quán triệt nghị quyết của Đảng: phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu ! Cuối cùng, là trách nhiệm của QH. Khi thảo luận về Luật Giáo dục 1998, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại về "tính khung" của dự thảo luật, giao quá nhiều nội dung quan trọng về cho các nghị định của Chính phủ và cho Bộ trưởng quy định. Khi biểu quyết thông qua Luật Giáo dục 1998, các ĐBQH Khóa X không thể không biết rằng Chính phủ phải xây dựng rất nhiều Nghị định, đến mức khi trình Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005, Chính phủ thừa nhận vẫn còn nợ 7/ 15 nghị định cần phải ban hành. Điều này lặp lại với Luật Giáo dục 2005 ! Khi biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005, các ĐBQH Khóa XI cũng biết rất rõ rằng có 38 điều được "giao cho Bộ trưởng quy định" hoặc "làm theo quy định của Bộ trưởng" mà nhiều đại biểu đã phát hiện và cảnh báo. Đáng tiếc thay mặc dù vậy, Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi) vẫn được QH thông qua, chỉ có hơn 50 đại biểu Quốc hội là không đồng ý. Trách nhiệm của QH là quá rõ. Mong rằng QH sẽ không để lặp lại tình trạng này một lần nữa trong công tác lập pháp của mình.
---------- 1. Trích từ Báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật Giáo dục (2006-2008) kèm theo Tờ trình số 122/TTr-CP ngày 6/8/2009 của Chính phủ. 2. Như hệ thống điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, văn bản về hợp tác quốc tế trong giáo dục, văn bản về chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục ... (trích Báo cáo tổng kết). *nguồn: TUANVIETNAM |
Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009
Đọc báo tối thứ tư.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét