RFI và cuộc đình công
Cuộc đình công kéo dài từ bốn tháng qua tại đài RFI được hai tờ báo nói đến hôm nay, nhân dịp hôm qua Tòa Phúc thẩm Paris đã đưa ra phán quyết đình chỉ kế hoạch xã hội của ban giám đốc, một kế hoạch mà mục tiêu là dẹp bỏ hơn 20% chỗ làm và đóng cửa sáu ban ngoại ngữ.
Bài báo trên tờ Le Monde gọi cuộc đình công ở RFI là một cuộc đình công lạ lùng, làm cho thính giả ở xa không hiểu được nguyên nhân.
Theo tờ báo đây là lần đầu tiên có một cuộc đình công kéo dài đến như thế trong ngành truyền thanh truyền hinh của Nhà nước Pháp. Nhiều nhân viên của RFI, ngay cả trong hàng ngũ tích cực trong các công đoàn kêu gọi đình công, không chống đối một kế hoạch cải tổ RFI.
Như trường hợp nhà báo Pascal Paradou, thuộc công đoàn SNJ, đồng ý là phải làm một số lựa chọn giữa các ban ngoại ngữ và phải đưa ra một số ưu tiên. Nhưng anh không thấy rõ chiến lược phát triển của ban giám đốc cũng như anh không thấy đâu là tương lai của RFI.
Tờ Libération thì đề cập đến thắc mắc của một số nhân viên của RFI sau khi nhận được tin về quyết định của Tòa Phúc thẩm Paris. Thắc mắc là vì một bản tin của AFP loan báo là tòa án đã quyết định tạm ngưng kế hoạch xã hội tại RFI. Còn ban giám đốc thì ra thông cáo nói rằng «tòa án đã bác bỏ yêu cầu của các công đoàn muốn huỷ bỏ kế hoạch xã hội của RFI».
Những sự kiện lịch sự được coi là cấm kỵ trong hồi ức của người Trung Quốc từ ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
Tờ Libération thực hiện một hồ sơ đặc biệt tám trang về "Những điều cấm kỵ trong ký ức của người dân Trung Quốc". Chiếm cả trang đầu của hồ sơ là một tấm hình chụp bức chân dung của ông Mao đã bị xé rách tại một ngôi làng ở Trung Quốc. Điều cấm kỵ quan trọng nhất là trận đói lớn kéo dài từ năm 1959 đến năm 1962 mà hậu quả là gây ra cái chết của 30 đến 50 triệu người Trung Quốc.Dưới hàng tựa «Khi nạn đói biện minh cho phương tiện», đặc phái viên của Libération tại Tín Dương kể là vào năm 1959 bí thư tỉnh uỷ Hà Nam đã bày ra một phương pháp cách mạng để biến thi hài của những người chết đói thành phân bón. Nhà báo trích dẫn một bà cụ họ Trương mà người cha và hai người anh cùng nhiều người thân khác trong gia đình đã chết trong nạn đói năm 1959.
Bà nói : «Vụ thu hoạch lúa năm 1959 rất tốt. Nhưng cán bộ của đảng đã tịch thu hầu như toàn bộ những gì chúng tôi đã gặt được. Những nông dân nào từ chối cung cấp lúa cho chính quyền đã bị đánh đập, tra tấn và đưa đi trại lao cải. Nhiều người trong số này không trở về».
Từ năm 1950 đến 1952 các chiến dịch đàn áp những phần tử phản cách mạng đã làm cho từ 700 ngàn đến 5 triệu người thiệt mạng.
Từ Trăm hoa Đua nở đến Cách mạng Văn hoá
Rồi đến 1957 phong trào Trăm hoa Đua nở được phát động, khuyến khích các nhà trí thức hãy tự do phát biểu. Kết quả là có từ 400 000 đến một triệu người trong số này bị gửi đi trại lao cải, và tại đây nhiều người đã qua đời.
Một năm sau, 1958, chiến dịch «Bước đại nhảy vọt» được tung ra, nhằm công nghiệp hoá Trung Quốc với những lò luyện thép thủ công, một chiến dịch cũng gây ra biết bao nạn nhân.
Tại Tín Dương thuộc tỉnh Hà Nam, người dân không ngần ngại nêu lên trách nhiệm của ông Mao Trạch Đông trong tất cả những đại họa kể trên. Do vậy mà, theo người con trai của bà cụ họ Vương, tại nơi này không có treo hình của người Cầm lái Vĩ đại.
Đến năm 1966 cuộc Cách mạng Văn hóa được chủ tịch Mao tung ra với đội ngũ Hồng Vệ Binh, nhằm đàn áp những người bị xem là kẻ thù của chế độ. Kết quả là có hàng triệu người chết.
Thế rồi cuộc đàn áp phong trào dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, vào mùa xuân 1989, đã làm cho khoảng một ngàn sinh viên bị thảm sát.
Đối với nhà văn Trung Quốc, Dương Kế Thăng, «những người trên 60 tuổi biết ít hay nhiều về nạn đói, nhưng giới trẻ ngày nay không biết gì cả về thảm kịch này vì lịch sử được giảng dạy cho họ hoàn toàn xoá bỏ sự kiện. Thậm chí họ còn không tin khi tôi tìm cách nói cho họ biết.»
Trong bài viết có chủ đề : Một chế độ độc tài được « hiện đại hoá », phóng viên của Libération đặt câu hỏi «Còn gì là chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc hiện nay ?» Câu hỏi đáng được nêu lên vào lúc mà nền kinh tế Trung Quốc đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Một kinh tế gia Trung Quốc, trên 80 tuổi, đã tuyên bố với Libération : «Trung Quốc ngày nay là một chế độ tư bản, nhưng là một thứ chủ nghĩa tư bản được đặc dưới sự kiểm soát độc tài của đảng Cộng sán. Vả lại ngay ông Hồ Cẩm Đào cũng không còn tin tưởng vào chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cộng sản».
Trong các bài diễn văn chính thức, cụm từ «xã hội chủ nghĩa» đã biến mất, nhường chỗ cho từ dân chủ mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã sử dụng 60 lần tại Hội nghị Trung ương đảng.
Một bài nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết là trong năm 2007, trên 3.320 người Trung Quốc có tài sản trên 10 triệu euro, thì có gần 3.000 người là con cái của các lãnh đạo cao cấp ;
Trong một bức thư mà nhà ly khai Bào Đồng, mạc dù bị quản thúc, đã công bố được trong tuần này, ông cho rằng «Tính chính đáng duy nhất mà một ban lãnh đạo có được phải đến từ một cuộc bỏ phiếu trực tiếp».
Trận đánh « hào hùng » tại Lô Định
Tiếp tục loạt bài báo về những «thánh địa» của chủ nghĩa Mao, hôm nay tờ Le Monde đề cập đến trận đánh ở cầu Lô Định mà tài liệu chính thức của Trung Quốc trình bày như là một «trận đánh hào hùng» mà thắng lợi đã về tay Quân đội Giải phóng Nhân Dân.
Cây cầu đã được xây dưới thời đại Mãn Châu và đó là một chiếc cầu treo rất tầm thường, không có gì là đặc sắc về mặt kiến trúc và thẩm mỹ. Nhưng nó đã trở thành nổi tiếng như là sân khấu của một trong những giai đoạn huy hoàng nhất của cuộc Trường Chinh.
Theo báo Le Monde sự thật lịch sử có thể hoàn toàn khác hẳn với câu chuyện được kể lại trong các văn bản chính thức và được đề cao trong Viện bảo tàng mà chính quyền đã dựng lên tại Lô Định. Dân chúng đến đây để chiếm ngưỡng sự dũng cảm của những người lính thuộc quân đội nhân dân.
Báo Le Monde nhận thấy là 74 năm sau, sự thật vẫn chưa được đưa ra chung quanh những bí ẩn của chiếc cầu này. Và theo một số nhà sử học, trận đánh không diễn ra ác liệt như đã được mô tả trong tài liệu chính thức, vì ở phía đối phương không phải là lực lượng của Quốc dân Đảng mà là những người lính thường của một lãnh chúa địa phương, và quân đội nhân dân đã dẹp tan một cách chóng dễ dàng.
Phương Tây trông vào người tiêu dùng Trung Quốc
Phụ trang kinh tế của Le Monde hôm nay đăng một bài dài về nền kinh tế thế giới mà tác giả là Martin Wolf, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng, thương viết xã luận cho tờ Financial Times. Với tựa đề « Khi Trung Quốc sẽ tiêu dùng », bài báo nhắc lại là các nền kinh tế phương tây trong chờ nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc mà sự tăng trưởng vẫn ở một mức khá cao.
Nhưng ông Martin Wolf nhận định là sự tăng trưởng này sẽ rất mong manh nếu như Bắc Kinh không có biện pháp tái cân bằng kinh tế. Vấn đề chính của Trung Quốc là mức thặng dư trong quan hệ mậu dịch, mà nước có được trong giữa thập niên 2000 sẽ không tái diễn.
Trong khi đó, phụ trang kinh tế của Le Figaro thì đưa tin là tập đoàn siêu thị Carrefour của Pháp có thể sẽ rút ra khỏi Trung Quốc và Brasil dưói sức ép của hai cổ đông muốn nhanh chóng thu được nhiều lời trong ngắn hạn. Hiện nay Carrefour có 456 nhà hàng tại Trung Quốc và là tập đoàn số một ở Trung Quốc trong lĩnh vực phân phối.
nguồn : RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét