Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Đọc báo thứ ba

Trường học, công sở, sân bay đóng cửa vì bão

Chiều tối 28/9, Đà Nẵng có gió giật cấp 9, đường phố mịt mù mưa, biển gầm thét với những đợt sóng cao. Ngay từ sáng, trường học, công sở, sân bay đã đóng cửa. Dù chưa đổ bộ nhưng bão số 9 đã ảnh hưởng tới nhiều tỉnh miền Trung.

Ông Obama phải thay đổi chiến lược tại Afghanistan và Iran

Trong khi đó thì tại Hoa Kỳ, tổng thống Barack Obama buộc phải suy nghĩ lại chiến lược áp dụng lâu nay tại Afghanistan.

Theo Le Monde, các tướng lĩnh và chuyên gia Mỹ đánh giá là nếu như không gửi thêm quân lính sang Afghanistan để chống lại phe Taliban, thì lực lượng liên minh sẽ gặp phải thất bại.

Về hồ sơ hạt nhân Iran, ông Obama cũng phải xem lại chiến lược vì đề nghị đối thoại của ông với Téheran đã không đem lại kết quả mà càng khuyến khích Iran có một số hành động khiêu khích. Do vậy mà tờ Libération đã chạy hàng tựa, nhấn mạnh trên sự thay đổi của Washington từ « một bàn tay chìa ra đến một cuộc đọ sức ».

Nhưng, vẫn trên tờ Libération, một nhà ngoại giao, tự hỏi là trong chừng mực nào Nga và Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận tăng cường các biện pháp trừng phạt. Đồng thời ông cũng nhắc lại nguyên tắc là gây áp lực trên các lãnh đạo Iran nhưng không trừng phạt người dân của nước này.

Thắng lợi vẻ vang của bà Angela Merkel

Gương mặt của bà rạng rỡ trên trang nhất của tờ Le Figaro bên cạnh hàng tựa nhấn mạnh là « bà Angela Merkel sẽ lãnh đạo mà không cần liên minh với đảng xã hội SPD ».

Còn trên trang nhất của tờ Libération, bà thủ tướng Đức xuất hiện qua một biếm họa vẽ bà cũng với nụ cười rạng rỡ và một hàng tựa rất ngắn gọn « Super Merkel ».

Trong xã luận mang chủ đề « Nghịch lý », Libération viết : « Cuộc khủng hoảng kinh tế đã cho thấy sự thất bại của một thứ chủ nghĩa tư bản. Và nghịch lý của nước Đức mà chúng ta phải tìm lý giải là tỷ lệ phiếu lần này của đảng Xã hội Dân chủ là tỷ lệ thấp nhất từ sau chiến tranh. Do vậy giờ đây, « super Merkel » sẽ phải liên minh với đảng cánh hữu FDP, đảng chủ trương một vài trò hàng đầu của thị trường để tiến hành một đường lối lãnh đạo, tất nhiên là thực tiễn, nhưng cũng là nghiêng về một chính sách kinh tế tự do hơn, với ít ràng buộc hơn trước. »

Thủ tướng Đức chuẩn bị liên minh với cánh hữu để lập chính phủ mới

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày hôm qua, 27/09/2009, phe bảo thủ CDU/ CSU của bà Angela Merkel cùng với liên minh của họ là phe tự do cánh hữu FDP đã giành được một đa số vững chắc tại nghị viện, với 332 ghế trong tổng số 622 dân biểu.

Tuy nhiên, phe bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel chỉ thu được có 33,8% số phiếu, tỷ lệ thấp nhất kể từ 1949.

Với 14,6% số phiếu, phe tự do FDP đã có thể quay trở lại tham gia nắm quyền sau 11 năm vắng bóng.

Từ Berlin thông tín viên Heike Schmidt tường thuật:

"Lễ ăn mừng thắng lợi chỉ kéo dài có một đêm. Bà Angela Merkel cho biết còn rất nhiều công việc đang chờ đảng của bà để đưa nước Đức ra khỏi cuộc khủng hỏang.

Một đối tác mới sẽ đứng về phía bà thủ tướng. Cùng với kết qủa rất tốt của đảng Dân Chủ Tự Do, FDP, liên minh của bà Merkel sẽ lớn hơn trước. Sau 11 năm đứng trong hàng ngũ đối lập, đảng SDP nay sẽ được tham gia chính quyền. Chắc chắn, ông Guido Westerwelle, chủ tịch FDP sẽ tìm cách khẳng định vai trò của đảng này.

Ngay từ hôm qua, các cuộc tranh luận đã diễn ra sôi nổi tại tổng hành dinh của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU. Các thành viên của đảng này hy vọng vào các cuộc thượng lượng cụ thể để thành lập một liên minh mới.

Đường lối của Đức sẽ tự do hơn, có lẽ còn tự do hơn cả mong muốn của bà Angela Merkel. Có thể đưa ra một vài ví dụ, đảng Dân Chủ Tự Do FDP đòi giảm thuế trong thời gian ngắn nhất, xóa bỏ mức lương tối thiểu và đơn giản hóa việc sa thải. Như vậy Angela Merkel sẽ phải đương đầu với những người chủ trương tự do, nếu như bà muốn giữ lời hứa là sẽ dung hòa giữa phát triển kinh tế và đòan kết xã hội."

Hậu quả của biến đổi khí hậu tại Pháp

Đề tài biên đổi khí hậu tiếp tục được báo chí Pháp chú ý. Tờ Le Monde đăng  hàng tựa lớn sau đây trên trang nhất : « Khí hậu trở nên nóng hơn sẽ đem lại những hậu quả nặng nề cho nước Pháp ».

Tờ báo nói rõ là một tài liệu chính thức nêu lên khả năng là đến năm 2050, Pháp có thể bị thiếu hụt đến 2 tỷ mét khối nước hàng năm.

Về mặt nông nghiệp, sự kiện nhiệt độ sẽ tăng lên có thể là một yếu tố tích cực nếu như nó không đi kèm với những hiện tượng như là giống bão, hạn hán và những biến đổi đột ngột từ năm này qua năm nọ.

Riêng trong ngành du lịch, những đợt nóng oi bức sẽ làm mất du khách vào mùa hè. Còn đến mùa đông nhiệt độ tăng trung bình 2 độ C sẽ làm cho hơn 90 trạm trượt tuyết trên gần 150 trạm hiện nay không còn nhiều tuyết để thu hút du khách.

Vai trò ngày càng lớn của Ấn Độ tại Afghanistan-Pakistan

New Delhi đã nhanh nhẹn đến Kaboul và thiết lập những mối quan hệ riêng, nhân danh sự tái thiết đất nước Afghanistan : viện trợ khoảng 1,2 tỷ đôla, đặc biệt là cho các dự án thiết lập hạ tầng cơ sở. Ấn Độ đã trở thành một trong những nước đóng góp nhiều nhất cho Afghanistan.

Tại một số nước Âu châu như Anh, Pháp, Đức hay Ý, một câu hỏi được đặt ra là có nên tiếp tục hay không đưa quân lính sang Afghanistan, tham gia cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã tung ra từ năm 2001 để đuổi quân Taliban. Nhất là số tử vong không ngừng gia tăng, như trường hợp của Pháp, cuối hai ngày cuối tuần  qua, có thêm bốn người lính thiệt mạng.

Nhưng có một sự kiện quan trọng trên bàn cờ tại khu vực Afghanistan – Pakistan là ảnh hưỏng ngày càng mạnh của Ân Độ.

Báo Le Monde nhắc lại là trong bản báo cáo trao lại cho bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Robert Gates, ngày 30 tháng 8, tướng Stanley McChrystal đã dành một đoạn cho vai trò của Ấn Độ trên sân khấu Afghanistan.

Chỉ huy trưởng lực lượng NATO tại Afghanistan đã trình bày rạch ròi không úp mở những điều mà từ nhiều năm qua nhiều viên chức Tây phương tại Kaboul đã thì thầm, rằng « ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Ấn Độ gia tăng tại Afghanistan », và « chính phủ hiện nay ở Afghanistan bị Pakistan xem là thân Ấn Độ ».

Điều mà tướng McChrystal lo ngại là « ảnh hưởng gia tăng của Ấn Độ tại Afghanistan thể nào cũng sẽ tăng cường những căng thẳng trong khu vực và khuyến khích Pakistan đưa ra những biện pháp đối phó tại Afghanistan hay tại Ấn Độ ».

Vấn đề của Hoa Kỳ là nước này cần sự hợp tác của Islamabad để dẹp tan các trung tâm chỉ huy của Taliban, đặt căn cứ tại vùng núi Pakistan, dọc theo vùng biên giới với Afghanistan và do bộ tộc Pachtoun kiểm soát. Chính từ các căn cứ địa này mà lực lượng Taliban tổ chức những đợt tấn công chống lực lược NATO tại Afghanistan.

Sau 2001, Pakistan không còn nhiều ảnh hưởng tại Afghanistan

Lâu nay chiến lược của Hoa Kỳ và các nước đồng minh là dựa vào Pakistan để chống lại quân Taliban ở Afghanistan. Nhưng tờ Le Monde cho biết là từ ngày chế độ Taliban bị lật đổ tại Kaboul, vào cuối năm 2001, một chế độ được Islamabad nhiệt tình hỗ trợ, thì Pakistan đã mất đi nhiều ảnh hưởng tại Afghanistan.

Trong lúc đó, New Delhi đã nhanh nhẹn đến Kaboul và thiết lập những mối quan hệ riêng, nhân danh sự tái thiết đất nước Afghanistan. Qua món tiền viện trợ khoảng 1,2 tỷ đôla, đặc biệt là cho các dự án thiết lập hạ tầng cơ sở, như đường sá, điện nước v.v…, với sự hiện diện của khoảng 4000 nhân viên đến từ Ấn Độ, New Delhi đã trở thành một trong những nước đóng góp nhiều nhất cho Afghanistan.

Chính quyền của tổng thống Hamid Karzai không có lý do gì để từ chối nguồn viện trợ này, nhất là trong quá khứ, Afghanistan có quan hệ rất căng thẳng với nước láng giềng Pakistan.

Từ ngày nước này trở thành độc lập vào năm 1947, hai bên đã đụng độ với nhau trên hồ sơ biên giới vì Pakistan đã thừa hưởng của đế chế Anh quốc những vùng đất của người Pachtoun mà Kaboul đòi chủ quyền. Và theo châm ngôn « kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta » thì tình hữu nghị giữa Kaboul và New Delhi đã phát triển như là một sự cần thiết về mặt chiến lược.

Do vậy mà, theo Le Monde, nỗi ám ảnh của Pakistan bị Ấn Độ bao vây ở cả hai phía đông và tây càng trở nên mạnh hơn.

New Delhi đang xây dựng một con đường buôn bán qua ngõ Iran nhằm giúp cho quan hệ thương mại Ấn Độ - Afghanistan phát triển mạnh.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, Pakistan còn lo sợ cho nền ổn định chính trị của mình, vì Islamabad tin chắc là hai lãnh sự quán mà Ấn Độ mở ra tại Jalalabad (miền đông) và Kandahar (miền nam) càng làm cho chính quyền Pakistan bị mất ổn định, đặc biệt là tại vùng Balouchistan.

Đạo diễn Roman Polanski bị bắt tại Thụy Sĩ

Một gương mặt thứ nhì xuất hiện trên các trang nhất của báo giới hôm nay. Đó là đạo diễn gốc Balan, Roman Polanski.

Báo Le Figaro nói đến một vụ bắt giam lạ lùng sau khi ông bị chận bắt tại Thuỵ Sĩ vì một vụ hiếp dâm xảy ra hơn 30 năm.

Tờ báo kể lại là nhà điện ảnh Polanski, năm nay 76 tuổi, chưa đặt chân trở lại trên đất Mỹ từ tháng giêng năm 1978, sau khi ông chạy qua Pháp, trốn ngành tư pháp Hoa Kỳ. Vào lúc đó ông bị nghi ngờ là đã lạm dụng tình dục một em gái 13 tuổi sau khi cho em này uống rượu và dùng ma tuý trong một buổi chụp ảnh tại nhà của một người bạn của ông là diễn viên Mỹ, Jack Nicholson.

Gần đây một bộ phim tài liệu mang tên là « Roman Polanski : Wanted and Desired » đã đưa ra một cái nhìn tế nhị hơn về vụ việc và đã để cho khán giả hiểu là nhà đạo diễn gốc Balan là nạn nhân của một vụ việc khá tế nhị.

Cô bé nạn nhân, nay đã 45 tuổi, đã từng tuyên bố với tờ Los Angeles Times là cô chấp nhận từ bỏ khởi tố.

Ngoài ra Le Figaro còn cho biết là trong một kiến nghị, nhiều nghệ sĩ thuộc ngành điện ảnh, như Vương Gia Vệ, Costa-Gavras hay Monica Belluci đòi « phải trả tự do ngay tức khắc » cho Roman Polanski.

Tờ Libération thì nhận thấy một sự kiện lạ lùng trong vụ cảnh sát Thụy Sĩ bắt giam Roman Polanski : đó là từ ba mươi năm qua ông đã đi du lịch khắp nơi ở châu Âu và trên thế giới và nhất là đạo diễn này lại có nhà ở Thụy Sĩ.

nguồn RFI

Không có nhận xét nào: